Muộn 5 phút coi như nghỉ học, dùng điện thoại trong lớp 4 lần bị đình chỉ 1 năm
Hồi tháng 8 năm nay, Học viện Báo chí & Tuyên truyền khiến dư luận xôn xao khi đưa ra bảng quy chế “thép” rất cứng răn. Theo đó, quy định này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và không chỉ hướng tới đối tượng sinh viên mà còn áp dụng cho cả giảng viên.
Cụ thể, sinh viên đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do. Giờ giải lao, sinh viên vào muộn sẽ bị tính một buổi nghỉ học không phép. Đối với giảng viên, nếu lên lớp muộn 10 phút thì buổi học đó bị tính là giảng viên bỏ giờ không lý do.
Đáng chú ý, nhà trường còn quy định, trong giờ học, giảng viên và sinh viên tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động. Sinh viên sử dụng điện thoại trong giờ học 1 lần sẽ bị khiển trách, 3 lần sẽ cảnh cáo trước toàn trường và 4 lần thì sẽ bị đình chỉ 1 năm học.
Những nội dung này được cho là khá ngặt nghèo và khiến dư luận nảy ra cuộc tranh cãi. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ thì rất nhiều người phản đối.
Trước những ý kiến trái chiều này, PGS.TS Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, những nội dung quy định có phần ngặt nghèo, gây ra những ý kiến khác nhau trong sinh viên và kể cả các thầy cô giáo nên nhà trường đã quyết định thu hồi bản nội quy để tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa thêm.
“Tôi đã cho thu hồi thông báo này (mới là thông báo thôi). Thực chất thông báo là quy chế rèn luyện sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mình cũng vận dụng một cách mềm dẻo. Ví dụ như sinh viên vào muộn một chút thì có nhiều lý do, điều này sẽ do giáo viên tự nhận thức và quyết định. Nhà trường có bộ phận thanh tra và kiểm tra thường xuyên dạy và học - việc chấp hành nội quy dạy và học của giảng viên.
Thầy dạy không chỉ trên lớp, truyền thụ kiến thức, hình thành kỹ năng, tổ chức các hoạt động để thực hiện nôi dung bài giảng mà còn chức năng quản lý lớp, quản lý giáo dục nữa. Thầy cô cũng không được vào muộn, ra sớm, giải lao không được ngồi lâu. Bởi đó là quyền lợi của chính người học” - PGS.TS Trương Ngọc Nam cho biết.
Nghiêm cấm nữ sinh tô son môi khi đến lớp
Hồi năm 2015, dư luận từng nổ ra cuôc tranh cãi khá gay gắt khi trường THPT M.V Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa ra quy định nghiêm cấm nữ sinh tô son môi khi đến lớp.
Bà Ngô Thị Hồng Hà - Phó hiệu trưởng trường cho biế: “Quy định trên được ban hành theo nguyện vọng của các bậc phụ huynh. Hơn nữa, việc các nữ sinh sử dụng quá nhiều son môi khi đến trường là không phù hợp vì trường liên cấp, còn có các em học sinh cấp 2, cấp 1”.
Trước đó, trường Lômônôxốp đã ra văn bản với nội dung: “Thực hiện nội quy nhà trường, căn cứ ý kiến của CMHS (cha mẹ học sinh) trong Hội nghị Ban đại diện CMHS nhà trường ngày 6/9/2015, để đảm bảo sự an toàn cho học sinh trước hiện tượng bán son giả tràn lan trên thị trường, không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng cũng như thời hạn sử dụng, Ban giám hiệu nhà trường quyết định bắt đầu từ 7h sáng ngày 21/9/2015 tất cả các học sinh nữ không được tô son khi đến trường.
Bảo vệ và bộ phận đức dục trực ngoài cổng trường không cho học sinh nữ tô son mỗi khi vào trường.
Giáo viên bộ môn dạy trên lớp không cho học sinh tô son môi vào lớp học. Nhà trường kiểm tra phát hiện thấy học sinh nữ nào tô son môi trong lớp học thì lớp đó sẽ phải chịu sự phê bình nghiêm khắc của nhà trường. Giáo viên bộ môn dạy tiết đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước ban giám hiệu”.
Trước quy định này, một thời gian nhiều khá dài dân mạng cũng từng tranh cãi qua lại với nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. Một số người ủng hộ quyết định của nhà trường nhưng bên cạnh đó, không ít người cho rằng quy định này khá khắt khe. Bên cạnh đó, việc nhà trường không cho học sinh tô son môi bước qua cổng trường được xem là cách kỷ luật quá cứng nhắc.
Nam nữ không được ngồi gần nhau quá… 50cm
Khoảng cuối năm 2017, dân mạng xôn xao vì thông tin nhiều thế hệ học sinh THPT Nguyễn Thượng Hiền tiết lộ chuyện nhà trường có nội quy nam nữ không được xếp cùng bàn, nếu ngồi gần phải giữ khoảng cách 50 cm.
Đáng chú ý, một học sinh nam còn cho biết quy định khắt khe tới nỗi đôi bạn nào bị thầy giám thị chụp lại hình đang ngồi cùng nhau trên ghế đá sẽ lập tức bị mời phụ huynh, phê bình, thậm chí hạ hạnh kiểm.
Theo lời học sinh tại đây, chuyện cấm đoán này đã có từ lâu nhưng không phải quy định chính thức. Trước vấn đề này, trao đổi với báo chí, thầy Võ Văn Dũng, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM, cho biết nội quy nhà trường không cấm học sinh nam nữ ngồi cạnh nhau.
Ông Dũng cũng cho hay thầy cô giáo chỉ nhắc nhở những em có quan hệ trên mức bạn bè, hoặc thể hiện quá đà ở môi trường học đường. Bên cạnh đó, thầy Dũng cũng phủ nhận chuyện giám thị đi lại chụp hình học trò ngồi ghế để mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm.
Yêu cầu sinh viên chỉ được mặc quần âu, áo phông có cổ, cấm mặc quần bó
Quy định về trang phục xuất hiện ở khá nhiều trường Đại học, Cao đẳng. Cụ thể, năm học 2014, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 yêu cầu người học khi đến trường, thư viện phải đeo thẻ; đi giày hoặc dép có quai hậu; đầu tóc phải gọn gàng, không được nhuộm tóc lòe loẹt… Nếu mặc áo phông phải có cổ áo, tay áo lịch sự.
Đáng chú ý có lẽ là quy chế của ĐH Y Hà Nội khi ngôi trường này yêu cầu cán bộ và sinh viên (SV) chỉ mặc quần âu. Cụ thể: Đối với cán bộ viên chức phải mang thẻ viên chức do nhà trường cấp, mặc áo sơ mi, quần âu và bỏ áo vào quần hoặc trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo; đi giầy hoặc dép có quai hậu. Đối với người học: Phải mang thẻ SV, học viên do nhà trường cấp; mặc áo sơ mi, quần âu và bỏ áo vào quần, đi giày hoặc dép có quai hậu; có thể mặc đồng phục theo quy định của trường.
Đại học y cũng khiến dân mạng tranh cãi khi từng đưa ra quy chế nam nữ phải giữ mối quan hệ trong sáng, không ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ hoặc có những hành vi không lành mạnh trong khuôn viên trường. Ngoài ra, nhà trường còn quy định đối với SV trong ký túc xá là không được căng ri-đô quanh giường.
Ngoài cấp Đh, CĐ, nhiều trường phổ thông cũng có quy định rất gắt gao về khoản trang phục của giáo viên, học sinh. Cụ thể, trường THPT Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) đưa ra quy định cấm giáo viên nữ mặc những loại váy xòe, váy ngắn trên đầu gối khi lên lớp. Ngoài ra, trường còn yêu cầu giáo viên phải mặc áo sơ mi có cổ bẻ, không mặc áo xiết nách.
Giữa tháng 8/2013, một sự việc hy hữu đã xảy ra khi gần 100 học sinh trường THPT Hà Huy Giáp (Cần Thơ) đã phải quay về nhà để… thay quần. Nguyên nhân là trường này có quy định cấm học sinh mặc quần bó đi học. Sự việc khiến dư luận xôn xao và tranh cãi khá nhiều.
Trước sự việc đó, ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Giáp (Thị trấn Cờ Đỏ, H.Cờ Đỏ,TP Cần Thơ) đã giải thích: Việc kiểm tra quần đi học của học sinh nhằm ngăn chặn tình trạng mặc quần bó và quần hở mông phản cảm. Đây là quy định đề ra từ 4 năm trước, nhưng tựu chung cũng chỉ để nhắc nhở chứ chưa chính thức xử lý vi phạm của một học sinh cụ thể nào. Nhưng có lẽ vì vậy nên học sinh không chấp hành.