Tập làm văn luôn là một trong những môn học yêu thích không chỉ của các bạn học sinh mà còn của cả những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy bộ môn này. Cũng chính bởi sự gần gũi, mộc mạc trong quan niệm sống, cách suy nghĩ, câu từ của con người Việt Nam mà rất nhiều những đề văn hay, bài văn lay động lòng người đã được ra đời. Và đề văn dưới đây là một trong số những ví dụ điển hình.
Chỉ với hai ký tự nằm trong tiếng Hán kết hợp với một con số “không xác định”, giáo viên này đã cho ra một đề văn “hack não” suy nghĩ học sinh của mình. Cụ thể, hai ký tự được nhắc đến kể trên có thể là chữ “nhân” nằm trong tiếng Trung Hoa. Còn con số được đặt giữa hai ký tự này vốn dĩ được gọi là “không xác định” là do không biết thực hư ý đồ của chủ nhân đề bài muốn nhắc đến số 9 hay là số 6.
Ngay sau khi bài viết được chia sẻ, rất nhiều người dùng cũng đã không khỏi thắc mắc trước hàm ý mà vị giáo viên này muốn nói đến trong đề văn. Nhiều người còn cho rằng, có lẽ đây chỉ là một màn “troll” nào đó đến từ các bạn học sinh.
Tuy nhiên, một số khác cũng đã hiểu được ngụ ý của những ký tự độc lạ trên. Theo đó, đại đa số cư dân mạng đều cho rằng, đề bài muốn nhắc đến phương châm sống, muốn nhìn một sự vật, câu chuyện nào đó, trước tiên hãy suy nghĩ và đặt vấn đề của mình trên nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau.
Chữ nhân ở đầu và cuối tượng trưng cho hai người, còn con số ở giữa ngụ ý muốn nói đến một cuộc tranh luận nào đó. Nếu người ở trên nhìn về phía còn lại thì sẽ thấy đó là số 9, còn người phía dưới khi nhìn lên thì lại thấy đó là số 6.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng, trong cuộc sống, bạn không thể lúc nào cũng đặt mình là người đúng, còn đối phương luôn sai. Hãy nên nhớ rằng, bạn đúng nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sai, chỉ là bạn chưa bao giờ nhìn nhận sự việc theo góc nhìn của tôi.
Cũng chính vì thế, trên mọi phương diện vấn đề, bạn phải luôn đặt mình vào suy nghĩ, cảm xúc của đối phương. Có như thế thì mọi chuyện lúc nào cũng được giải quyết một cách “ôn hòa” và thuận lợi nhất.
Đây là ý kiến được số đông cộng đồng mạng đưa ra và đồng tình. Còn theo bạn, đề văn trên có ngụ ý gì?