Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều trẻ em mắc chứng căng thẳng, lo âu do bị ép học, áp lực điểm số và phải sống theo khuôn mẫu bố mẹ đặt ra. Trẻ sẽ có xu hướng bạo lực và biểu hiện lạ nếu không được bố mẹ quan tâm, phát hiện kịp thời có thể dẫn đến trầm cảm và có hành động dại dột. Nhiều trẻ bị ép học quá sức sẽ dẫn đến sự biến đổi tư duy, thậm chí ảnh hưởng đến nhân cách khi trưởng thành. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng thấu hiểu được nhu cầu và mong ước của con trẻ để có hướng giáo dưỡng đúng đắn.
Mới đây một clip ghi lại hình ảnh cậu bé đang ngồi học cùng với sự giám sát của mẹ. Ngay khi người mẹ đứng lên rời khỏi bàn học, cậu bé đã tự tát hai cái rất mạnh vào mặt mình.
(Clip: Cậu bé tự tát 2 cái rất mạnh vào mặt khi đang ngồi học bài. Nguồn: TikTok)
Đoạn clip xuất hiện trên MXH đã nhận được một lượng quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Clip chỉ dài vỏn vẹn 15 giây nhưng khiến người xem không khỏi đau lòng. Phải chăng bố mẹ đang áp đặt một khuôn mẫu quá khắt khe lên con trẻ?
Bên dưới phần bình luận, nhiều người bày tỏ quan điểm chỉ cần con biết đọc chữ, viết số không ép buộc con phải học giỏi nhưng nhất định phải trở thành người tốt. Các ý kiến khác cũng bày tỏ sự băn khoăn “không biết đến bao giờ người ta mới bỏ việc dùng điểm số để đánh giá học sinh"?
Trên thực tế, không ít bố mẹ có tư tưởng sợ rằng con cái mình thua kém bạn bè, nên ép con học liên tục những khóa học khác nhau. Thậm chí sau giờ học ở trường, một số gia đình bắt con phải ngồi học hàng giờ liền trước sự giám sát của bố mẹ. Những áp lực mà bố mẹ đặt lên con mình khiến các em phải tự mình quay quắt trong căng thẳng, lo âu và nỗi đau không được thấu hiểu. Điều này dẫn đến việc có nhiều em tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho bản thân.
Theo báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới năm 2021 của UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, cứ 7 trẻ thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có khoảng 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Như vậy, cứ mỗi 11 phút lại có hơn 1 em qua đời vì nguyên nhân này. Và tự tử là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở lứa tuổi vị thanh niên. Điều này xảy ra một phần vì phụ huynh thương con nhưng không hiểu con.
Vì vậy, ngoài nỗ lực chăm sóc cho con một thân thể khỏe mạnh bố mẹ cũng cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con trẻ. Sức khỏe tinh thần chính là nền tảng cho năng lực suy nghĩ, cảm nhận, học tập, làm việc, xây dựng những mối quan hệ với mọi người xung quanh. Bố mẹ nên để con được tự do học những bộ môn mà con yêu thích, tạo điều kiện cho con có thời gian giải lao sau giờ học trên lớp, không nên đè nặng điểm số lên vai con. Phụ huynh cũng cần trò chuyện, lắng nghe tâm sự của con trẻ thường xuyên vì đây là độ tuổi rất dễ tổn thương và vì thương yêu phải đi kèm với thấu hiểu mới đem lại hạnh phúc thực sự cho con.