Sau khi đề Toán THPT quốc gia 2018 bị nhận xét quá khó, vượt sức thí sinh, một câu hỏi được cho là không chặt chẽ về mặt từ ngữ và điều kiện bài toán, nên không có đáp án chính xác.
Cụ thể, theo báo Thanh Niên, câu 16 mã đề 109: Một người gửi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi suất 7,5%/năm. Biết rằng nếu không rút tiền ra khỏi ngân hàng thì cứ sau mỗi năm số tiền lãi sẽ được nhập vào vốn để tính lãi cho năm tiếp theo. Hỏi sau ít nhất bao nhiêu năm người đó thu được (cả số tiền gửi ban đầu và lãi) gấp đôi số tiền gửi ban đầu, giả định trong khoảng thời gian này lãi suất không thay đổi và người đó không rút tiền ra?
Bốn phương án trả lời là: A 12 năm; B 10 năm; C 9 năm; D 11 năm.
Hồ Phi Khánh, thủ khoa 30 điểm năm 2017, giải bài này như sau:
Gọi A là số tiền gửi ban đầu, n là số năm gửi. Theo bài ra: Sau 1 năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là A + A. 7,5% =A. 1,075.
Sau 2 năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là: A.1,075 + A. 1,075.7,5% = A. 1,075^2.
Sau n năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là A. 1,075^n.
Số tiền này bằng 2 lần ban đầu nên: A. 1,075^n = 2A -> n=log_1,075 (2) ~ 9,58.
Khánh cho rằng căn cứ yêu cầu của đề bài, không có đáp án nào đúng trong 4 lựa chọn được cho: A. 12 năm; B. 10 năm; C. 9 năm; D. 11 năm. Ý kiến nhận định đề thi chưa chuẩn là chính xác.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời Zing.vn, đại diện Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh của nhiều giáo viên, học sinh cho rằng đề bài câu hỏi 16 mã đề 109 chưa chặt chẽ, không có đáp án chính xác, bộ đã yêu cầu Tổ ra đề thi Toán rà soát kỹ lưỡng, đồng thời tham khảo rộng rãi ý kiến chuyên gia về nội dung này.
Kết quả rà soát của Tổ ra đề thi và ý kiến của chuyên gia gửi đến đều thống nhất: Câu 16 mã đề 109 quen thuộc với học sinh, tương tự câu hỏi, bài tập ở sách giáo khoa Giải tích lớp 12, trang 78, có đáp án hoàn toàn chính xác.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Tổ ra đề thi Toán rà soát kỹ các câu hỏi khác mà thầy, cô giáo và học sinh quan tâm. Kết quả rà soát khẳng định các câu hỏi đó đều có đáp án chính xác.