Học đường

Bị sinh viên và phụ huynh phản ứng về chính sách học phí, Đại học Văn Lang nói gì?

Phương Linh
Chia sẻ

Những quy định thuộc chính sách hỗ trợ sinh viên của ĐH Văn Lang hiện đang vấp phải sự phản đối của đông đảo sinh viên. Các sinh viên cho rằng, những điều kiện mà nhà trường đưa ra để giảm học phí là vô lý và làm khó cho sinh viên, phụ huynh.

Chính sách hỗ trợ khiến sinh viên và phụ huynh bức xúc

Năm học 2021 - 2022, Trường Đại học Văn Lang dự kiến Gói tài chính 50 tỷ đồng dành cho sinh viên, đáp ứng các mục tiêu: Hỗ trợ sinh viên khó khăn vì dịch bệnh Covid-19; Hỗ trợ sinh viên khó khăn diện chính sách; Khen thưởng sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.

Trong đó, các đối tượng sinh viên khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 cũng như sinh viên khó khăn diện chính sách sẽ nhận được hỗ trợ ngay trong tháng 9/2021.

Các đối tượng áp dụng gồm: Sinh viên Khóa 23 (khoa Xây dựng, khoa Kiến trúc và khoa Kỹ thuật), Khóa 24, Khóa 25, Khóa 26 đang học tập tại Trường Đại học Văn Lang và có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bị sinh viên và phụ huynh phản ứng về chính sách học phí, Đại học Văn Lang nói gì? Ảnh 1
ĐH Văn Lang thông báo về gói tài chính 50 tỷ đồng hỗ trợ sinh viên

Nhà trường sẽ xét duyệt và công bố mức hỗ trợ từ 10% đến 50% học phí HK211 đối với sinh viên hoàn cảnh khó khăn và có nguyện vọng được Nhà trường hỗ trợ.

Các đối tượng được hỗ trợ mà nhà trường đưa ra gồm 4 nhóm: 

Nhóm 1: Sinh viên và gia đình bị thiệt hại nặng về người hoặc kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Nhóm 2: Gia đình sinh viên đồng hành cùng Văn Lang

Nhóm 3: Gia đình sinh viên có công xây dựng và đóng góp cho đất nước

Nhóm 4: Sinh viên thuộc diện các diện chính sách miễn giảm học phí được Nhà nước xác nhận

Để nhận được hỗ trợ, các đối tượng thuộc 4 nhóm này phải có hồ sơ minh chứng, giấy xác nhận do cơ quan có chức năng cấp.

Bên cạnh đó, tiêu chí bắt buộc trường đưa ra để giảm trừ trực tiếp vào học phí là: Điểm trung bình tích lũy học tập tính đến học kỳ gần nhất hơn hoặc bằng 5,0; điểm rèn luyện HK2, năm học 2020 - 2021 hơn hoặc bằng 60; sinh viên không vi phạm quy chế của trường; sinh viên đã hoàn thành học phí học kỳ 3, năm học 2020 – 2021 hoặc có gia hạn học phí đã được chấp thuận

Bị sinh viên và phụ huynh phản ứng về chính sách học phí, Đại học Văn Lang nói gì? Ảnh 2
Khuôn viên Đại học Văn Lang

Ngay lập tức, các quy định này bị sinh viên toàn trường phản đối. Theo các sinh viên, những điều kiện mà nhà trường đưa ra để giảm học phí là vô lý, hơn nữa, trong thời điểm TP.HCM vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, việc ra ngoài làm giấy tờ xác nhận là làm khó cho sinh viên, phụ huynh.

Nữ sinh L.M bày tỏ bức xúc: "Dịch bệnh khó khăn chồng chất, phụ huynh của tụi mình không đi làm nên thất nghiệp, không có thu nhập. Nhà trường thông báo giảm 10 - 20% xong tăng số tín chỉ lên thì thử hỏi giảm chỗ nào? Tụi mình đóng tiền vào học với mong muốn nhận được kiến thức và có được không gian học tập tốt chứ không phải đóng mấy chục triệu xong học online tại nhà mà tiền thì vẫn như học tại trường. Mình thực sự mong nhà trường sẽ xem xét lại".

Tương tự, H.T - một sinh viên đang theo học tại trường nói: "Giảm học phí là quyền lợi lẽ ra phải có cho sinh viên, nhất là trong giai đoạn khó khăn này. Sinh viên học online, không hề sử dụng đến cơ sở vật chất của nhà trường nhưng chính sách miễn giảm hạch sách vô lí như thế thì khó lòng mà chấp nhận được". 

Nam sinh Đ.D chia sẻ: "Mình đi mua thực phẩm thiết yếu ở thời điểm hiện tại còn khó khăn và hạn chế huống gì là chạy đi chạy lại làm giấy xác nhận ở địa phương. Thời gian, quy trình làm giấy xác nhận rất mất thời gian và nhiều thủ tục, chẳng phải là đang làm khó sinh viên sao? Với lại giảm học phí thì giảm cho toàn bộ sinh viên còn đưa ra điều kiện nọ điều kiện kia làm gì, trong khi khó khăn là khó khăn chung". 

Bị sinh viên và phụ huynh phản ứng về chính sách học phí, Đại học Văn Lang nói gì? Ảnh 3
Cơ sở vật chất hiện đại tại ĐH Văn Lang

Không chỉ có các sinh viên ĐH Văn Lang bức xúc về chính sách hỗ trợ học phí của trường, các phụ huynh cũng lên tiếng về vấn đề này, mong muốn nhà trường cần thấu hiểu và xem xét lại vấn đề này. 

Chị V.M (ngụ TP.HCM) bày tỏ: "Tôi là phụ huynh của sinh viên trường Văn Lang, trong mùa dịch này tất cả mọi người đều bị mất việc không làm ra tiền, lo cái ăn còn lo chưa nổi phải chờ trợ cấp của nhà nước. Tôi nghĩ nhà trường cũng hiểu vấn đề khó khăn này nên tôi rất mong nhà trường xem xét lại cho con em chúng tôi. Chúng tôi là phụ huynh và tất cả con em của chúng tôi sẽ rất biết ơn nhà trường, đồng thời các em càng thêm phấn khởi bởi tấm lòng nhân ái đó của ban lãnh đạo của trường Văn Lang".

Tương tự, chị N.K.T (ngụ TP.HCM) cũng nêu quan điểm: "Tôi đề nghị nhà trường đưa ra một mức giảm cụ thể đối với tất cả các sinh viên và đừng làm khó các em phải chứng minh. Dịch dã ai ai cũng khó khăn như nhau. Tôi đã lắng nghe rất nhiều ý kiến của các bạn sinh viên và phụ huynh, tôi thấy rằng, hầu như 99% phản đối chính sách mà nhà trường đưa ra".

Đại học Văn Lang nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết từ tháng 8/2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động đến nhiều gia đình, nhà trường đã thông báo chính sách bình ổn học phí với tất cả các khóa đang học, kể cả khóa mới vào trường năm 2021.Ở các năm trước, học phí giữa các khóa sẽ tăng lên hàng năm theo tiến trình của nhà trường.

Theo tiến sĩ Tuấn, về “Gói hỗ trợ tài chính 50 tỉ đồng trong năm học 2021- 2022”, đây là động thái nối tiếp chuỗi hoạt động hỗ trợ của trường trong nhiều năm qua, đồng thời bổ sung thêm những hỗ trợ cần thiết cho sinh viên trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Do đó, câu chuyện này hoàn toàn tách bạch với chính sách học phí đã công bố thống nhất trước đó.

Tiến sĩ Tuấn cũng cho biết với Gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên khó khăn mà trường quyết định giải ngân ngay trong tháng 9 này, nhà trường thật sự mong muốn giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Bất cứ sinh viên nào thuộc các diện khó khăn, diện chính sách hoặc có khai báo, trình bày thông tin hoàn cảnh phù hợp đều đang được nhà trường tiếp nhận.

Về vấn đề Sinh viên không thuộc nhóm hỗ trợ có được nhận hỗ trợ không?, tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho hay, đối với sinh viên khó khăn nhưng không thuộc các nhóm kể trên có thể trình bày cụ thể với các khoa để nhà trường tổng hợp danh sách xét duyệt. Từ ngày 20/9, trường sẽ công bố danh sách sinh viên nhận hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết thêm: "Trong thông báo hướng dẫn, nhà trường có ghi chú rõ, đối với những trường hợp không đủ các điều kiện đáp ứng để có giấy xác nhận, chúng tôi hoàn toàn có thể linh động trong việc minh chứng, xác thực. Quý phụ huynh có thể viết đơn trình bày tình hình hiện tại của gia đình, sau đó cập nhật đơn cam kết này lên hệ thống tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ của nhà trường. Đồng thời, sinh viên cũng cần thông tin đến khoa hoặc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên để nhà trường tổng hợp danh sách xác minh. Theo ghi nhận từ hệ thống, nhà trường đã nhận được trên 4.000 hồ sơ đăng ký từ sinh viên. Từ số lượng này, chúng tôi đã chuyển thông tin đợt 1 về cho các Khoa-Viện để xác minh thông tin".

Theo tiến sĩ Võ Văn Tuấn, đối với các trường hợp sinh viên đang thực hiện giãn cách xã hội, gia đình có thể viết đơn trình bày và bổ sung thông tin để được hưởng mức hỗ trợ về học phí. Khi điều kiện giãn cách xã hội ổn định, sinh viên có thể bổ sung minh chứng xác nhận từ địa phương. Trong trường hợp bất khả kháng không thể có xác nhận từ địa phương, sinh viên cần thông tin rõ cho khoa và Trung tâm Hỗ trợ sinh viên để nhà trường tổng hợp xác minh thông tin.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Linh

Tin mới nhất