Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Cuộc chiến biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa

Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, chủ quyền biển Đông được tóm lược ở sách sử lớp 9 và chi tiết trong sách sử lớp 12.

Sáng 15/2, tại hội thảo quốc gia kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, GS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ viết chi tiết về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Các cuộc chiến có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

“Tuy nhiên, cũng giống như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đến nay chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là trong chương trình giáo dục phổ thông các cấp”, ông nói.

Giáo sư Phạm Hồng Tung tại hội thảo ngày 15/2 ở Hà Nội. Ảnh: Gia Chính

Trong khi giới trẻ Việt Nam ít được giáo dục một cách khoa học về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc thì học sinh, thanh niên Trung Quốc từ lâu được tuyên truyền sai trái rằng đây là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” nhằm trừng phạt “tiểu bá Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô”…

Dung lượng viết về hai cuộc chiến vệ quốc này giảm dần qua các lần tái bản sách giáo khoa. Ông Tung dẫn chứng, bản in cách đây 20 năm, chiến tranh biên giới Tây Nam được viết trong Lịch sử lớp 12 với 2 trang, 7 đoạn, 35 dòng. Vậy mà đến bản in năm 2018, giảm một nửa xuống còn 3 đoạn, 6 câu, 13 dòng.

Tương tự, bản in Lịch sử lớp 12 năm 2001 có 3 đoạn, 24 dòng viết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Nhưng đến bản in năm 2018 chỉ còn 2 đoạn, 4 câu, 11 dòng.

Minh họa về sự sơ sài này, ông Tung trích dẫn nguyên văn nội dung: “Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pol Pot được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện nạn kiều, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn, sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn, mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).

Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”.

Các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở Biển Đông hầu như không được đề cập đến. “Việc trình bày như vậy là quá sơ lược, không xứng với vị trí địa lý, ý nghĩa của giai đoạn lịch sử đó, không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và phát triển năng lực của học sinh. Hơn nữa, trong những đoạn văn ngắn đó còn sai sót cả về nội dung lịch sử, hình thức trình bày”, ông Tung nói.

Là chủ biên chương trình Lịch sử phổ thông, GS Tung khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới “sẽ trình bày nội dung này toàn diện và cẩn trọng”. Cụ thể, cấp THCS, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và quá trình bảo vệ chủ quyền Biển Đông sẽ được trình bày tóm lược ở sách giáo khoa lớp 9. Cấp THPT, trong sách lịch sử lớp 12, nội dung này được trình bày kỹ lưỡng hơn trong chủ đề: “Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng tám năm 1945 đến nay)”.

Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc được đặt liền mạch với cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ngoài ra, các cuộc hải chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ được viết cụ thể ở sách Lịch sử lớp 11 và 12.

“Theo cách này, học sinh sẽ được tìm hiểu lịch sử thuận lợi, sâu sắc hơn, tránh được bất kỳ sự can thiệp nào vào nội dung của chương trình giáo dục lịch sử nhân danh vấn đề nhạy cảm”, ông Tung khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, GS Vũ Dương Ninh nói nhiều năm qua, các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa “không được trình bày một cách đầy đủ trong sách giáo khoa, trong những công trình nghiên cứu và trên nhiều sách báo khác”.

Giáo sư Vũ Dương Ninh tại hội thảo ngày 15/2 ở Hà Nội. Ảnh: Gia Chính

Ông Ninh đề nghị, sách giáo khoa và các bộ sử đều phải viết khách quan về những sự kiện này, phân tích đầy đủ bản chất để rút ra bài học kinh nghiệm như hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. “Tất cả người Việt Nam từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh và được tri ân của nhiều thế hệ con cháu”, ông Ninh nói.

Theo GS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, dù đã trải qua 40 năm, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc từ 1979 đến 1989 “là sự kiện không thể nào quên với mọi người dân Việt Nam”. Vì vậy, những người có công với cách mạng và ngã xuống, bị thương ở biên giới phía Bắc để bảo vệ độc lập thiêng liêng của Tổ quốc cần được tri ân, tôn vinh.

Giáo sư sử học Vũ Minh Giang cho rằng, nhìn từ góc độ nào thì việc Trung Quốc đưa 600.000 quân tràn vào biên giới phía Bắc Việt Nam từ năm 1979 “mang tính chất là cuộc tiến công xâm lược”. “Với ý nghĩa đó, đây là sự kiện lịch sử quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ sử của dân tộc, sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác”, ông Giang đề xuất.

Hội thảo quốc gia kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội Sử học tổ chức, với 60 tham luận của nhà khoa học, cựu chiến binh.

Rạng sáng 17/ 2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km.

Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân. Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn với khoảng 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.

Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố “hoàn thành mục tiêu chiến tranh” và rút quân. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, thường xuyên gây xung đột vũ trang. Đến năm 1989, cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược mới kết thúc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc