Chia sẻ cảm xúc về "thí sinh đặc biệt" này với báo Tin tức, Tiến sĩ Bùi Thanh Thảo - Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: "Lần đầu tiên tôi xét hồ sơ của một thí sinh cao tuổi như vậy. Nếu không biết bác trước đó, tôi đã nghĩ thí sinh ghi nhầm năm sinh".
Theo Tiền Phong, ông Thành kể, trước năm 20 tuổi, ông đã đi dạy thêm môn văn, năm 21 tuổi chính thức gắn bó với nghề giáo. Ông đỗ cử nhân năm 1972, sau đó đi học tiếp cao học, tiểu luận tốt nghiệp cũng đã gần hoàn thiện.
Tuy nhiên, đến khoảng tháng 4/1975, thầy hướng dẫn ông đột ngột qua đời, cộng thêm khó khăn nên ông không thể học nốt chương trình thạc sĩ.
Sau đó, ông Thành dự định học lại nhưng biến cố gia đình lại ập tới. Vợ ông mất năm 27 tuổi, để lại ông nuôi 4 con nhỏ. “Ngày vợ tôi mất, đứa con nhỏ nhất chỉ mới 1 tháng rưỡi. Lúc đó cuộc sống rất khó khăn nên ước mơ học hành đành tạm gác lại để nuôi con”, ông Thành nhớ lại.
Ông cho biết, hiện 4 người con học đến nơi đến chốn, ra trường có công việc ổn định. Con cái có gia đình, ông thấy mình còn sức khỏe và niềm đam mê nên quyết định thực hiện hóa ước mơ học Thạc sĩ đã bỏ ngỏ mấy chục năm qua.
Chia sẻ trên VietNamNet, ông Thành tâm sự thêm, tấm bằng thạc sĩ sẽ giúp con đường nghiên cứu, sáng tác và phục vụ văn nghệ, văn hóa, giáo dục thuận lợi hơn.
"Văn hóa, văn nghệ là một lĩnh vực rất rộng lớn, phong phú, có yếu tố phát triển nên cần phải “học, học nữa, học mãi”.
Đi học bây giờ đúng là muộn, nhưng nếu đi trong muộn màng, trong gian khổ mà vẫn tới đích thì vẫn ý nghĩa. Con đường tôi vạch ra rất rõ ràng, không bao giờ dời lập trường” - ông Thành khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Thành còn chia sẻ học xong thạc sĩ, nếu sức khỏe vẫn tốt sẽ học lên tiến sĩ, đi tiếp cuộc hành trình nâng cao trình độ ấp ủ bấy lâu.