Cô giáo Đào Thị Ninh (giáo viên chủ nhiệm khối THPT Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn nhớ như in kỷ niệm về cậu học trò đặc biệt.
Những ngày đầu gặp nam sinh V.A chập chững bước vào lớp 10, cô đã cảm thấy em có gì đó rất khác biệt. Em thích đọc những cuốn sách về các vĩ nhân, lịch sử và truyện tiên - kiếm hiệp nhưng gặp khó trong việc hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa và môi trường sống.
Và rồi cũng chính em đã viết gửi cô Ninh một bản tự tổng kết năm học theo phong cách “kiếm hiệp” khác thường.
Bản tổng kết khiến cô bất ngờ và nhớ mãi trong suốt gần 30 năm đi dạy.
Trong bản tổng kết viết tay ấy, cậu học trò tự xưng là “tại hạ”, “bổn tọa”, gọi cô là “lão sư” và hứa sẽ “lĩnh ngộ trăm đạo, nhất là đạo hiếu”.
Cô Ninh chia sẻ nội dung bản tổng kết đặc biệt của học trò V.A:
BẢN TỔNG KẾT NĂM HỌC
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2017
Kính gửi cô giáo chủ nhiệm lớp 10D4
Tại hạ là: Nguyễn V.A
Hôm nay tại hạ viết bản báo cáo này để tự tổng kết lại những ưu điểm trong năm học qua, gửi lên các vị lão sư để có được sự đánh giá. Tại hạ sẽ cố gắng viết hết sức ngắn gọn, súc tích, xen kẽ một ít nét tinh tế đặc trưng.
Đầu tiên là ưu điểm: Bổn toạ có nhiều ưu điểm nhưng sợ nói ra thành khoa trương nên bổn toạ xin miễn không nói kính mong các vị lão sư tiền bối thông cảm.
Về nhược điểm thì tại hạ có quá nhiều, xin mạn phép kể ra như sau:
Không làm bài tập n lần
Đôi khi thiếu bài tập toán
Nhiều khi phụ thân, mẫu thân lo lắng cho tại hạ không thi đỗ Trạng Đại Học, vì vậy tại hạ rất thương phụ thân, mẫu thân nên đã cảnh giới với những khuyết điểm nghĩa là (thoát thai hoán cốt, đả thông kinh mạch) để trở thành người con người học trò tốt, lĩnh ngộ trăm đạo nhất là đạo hiếu. Tại hạ xin cúi đầu hứa học tập tốt hơn trong năm học tới để có bảng điểm cao hơn nữa.
Học trò
Nguyễn V.A
Cô Ninh chia sẻ bản thân thực sự hoang mang khi đọc xong bản tổng kết năm học của học sinh. “Về nội dung con viết không hề sai. Nhưng lối hành văn rất lạ. Quan trọng hơn là thái độ của con khi nộp tổng kết cho cô rất nghiêm túc. Con còn dặn tôi nhớ phải đọc kĩ và cho lời khuyên cuối bản”. cô Ninh kể.
Khi đó cô phân vân với suy nghĩ nên hay không liên lạc với phụ huynh để bàn về bản tổng kết lạ lùng này. Thậm chí cô định nhờ các đồng nghiệp tư vấn nhưng rồi lại thôi bởi lo ngại khi nhiều người biết sẽ khiến học trò phản ứng tiêu cực và biết đâu lại có thêm những suy nghĩ định kiến,…
Sau khi bình tâm, cô quyết định lựa thời điểm thích hợp hỏi hỏi học trò trực tiếp: “Vì sao con lại viết bản tổng kết như sớ tấu lên vua vậy?”
Khi ấy, cậu học trò V.A. mới thổ lộ: “Con muốn khác biệt, con muốn cô chú ý tới con!”.
Nút thắt bỗng có hướng gỡ rất đơn giản. “Tôi và con cùng cười”, cô Ninh kể.
Từ đó trở đi mỗi ngày một lí do, cô cố gắng gần gũi thân thiết với V.A. hơn. Cô chịu khó nghe những câu chuyện trong những cuốn dày cộp con đọc và kể lại cho nghe.
“Thú thật nhiều lần tôi cũng chẳng hiểu con kể gì nhưng tôi vẫn nghe, nghe hoài, nghe mãi. Sự cởi mở chân tình, và sự lắng nghe của tôi khiến con vui hơn, hòa nhập với bạn bè, cả lớp ai cũng yêu quý con rất nhiều”, cô Ninh chia sẻ.
Qua lần đó, cô giáo Ninh cũng rút ra bài học quý báu. Cô cho rằng nếu lúc đó liên lạc ngay với phụ huynh hay bày tỏ sự không hài lòng vì bản tổng kết không giống ai thì có lẽ mọi chuyện đã khác. “Mời phụ huynh là cho thấy sự bất lực của tôi trong giáo dục học trò. Tôi sẽ đánh mất cơ hội để biết rằng tôi có một cậu học trò đặc biệt và tài năng như vậy”.
Cô giáo kể: “Đã có lần V.A nói với tôi rằng, đôi khi con muốn thử thách sự kiên trì và kiểm chứng cách đối nhân xử thế của tôi trong mọi tình huống… và con kết luận: Tất cả đều ổn! Tôi rất bất ngờ về những suy nghĩ của con và tôi đã may mắn với kết luận đó”.
Qua mấy năm học, càng hiểu V.A., cô giáo Ninh càng thấy được sự đặc biệt và tiềm năng của học trò. Ấn tượng đầu tiên của cô Ninh về V.A. là rất nhiệt tình, chu đáo và đặc biệt yêu sự trung thực.
“V.A rất thông minh, trong các bài toán Tin học, tôi hầu như không phải đưa nhiều lời giải thích. Thậm chí em còn tự nghiên cứu và sáng tạo nhiều hơn những vấn đề tôi đưa ra”, cô Ninh nhận xét.
Ngoài ở lớp, cô giáo Ninh cũng cho rằng V.A. may mắn vì được sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là trí thức. Mẹ V.A. rất chú trọng giáo dục tâm lý. Quan điểm của cô ấy là yêu thương nhưng không chiều chuộng. Cô ấy luôn luôn tôn trọng, lắng nghe suy nghĩ của con. Cô ấy không áp đặt suy nghĩ của mình vào con cái.
Hiện theo cô Ninh, V.A. đã hoàn thiện hồ sơ và đang dành thời gian tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để đủ điều kiện du học Pháp.