Nền giáo dục Hàn Quốc nổi tiếng là một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới. Họ đầu tư giáo dục, đề cao kết quả và thành tích học tập. Họ cho rằng bước được vào cánh cửa đại học có thể giúp cuộc đời con em sau này xán lạn hơn hoặc khiến tương lai bị phá hủy. Bởi vậy, kì thi đại học vô cùng khốc liệt, nó là cuộc chiến chung của cả phụ huynh lẫn học sinh.
Mới đây, ngày 26/1, trang Naver đã đăng tải hàng loạt hình ảnh ghi lại cảnh các phụ huynh ngồi la liệt để nghe hướng dẫn “Chiến lược thi đỗ đại học 2020” trong một Trung tâm ôn thi đại học tại quận Gangnam, Seoul.
Các bậc phụ huynh sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để đầu tư cho con em mình ôn luyện tại các trung tâm tốt nhất và họ cũng không tiếc thời gian để tìm hiểu các thông tin cho kì thi đại học năm tới. Có thể thấy, cha mẹ các em ngồi chật kín phòng và những ai không may đến muộn sẽ ngoài ngoài cửa, hàng lang và cả… bậc thang.
Chỗ ngồi không thoải mái nhưng họ chấp nhận. Tất cả các bậc phụ huynh tập trung cao độ, cầm giấy bút để ghi chép lại những thông tin hữu ích mà họ cho rằng có thể góp phần cho con thi đỗ đại học.
Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được gọi là Suneung hoặc tiếng Anh là CSAT. Theo Telegraph, đây là kỳ thi cấp quốc gia, giống như thi SAT ở Mỹ. Học sinh Hàn Quốc sẽ hoàn thành 7 môn gồm Quốc ngữ, tiếng Anh, Hóa học, tiếng Trung cơ bản, Toán học, Khoa học xã hội và thi nghề. Điểm số trong kỳ thi Suneung ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của các em sau này, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân.
Điều này khiến người Hàn Quốc xây dựng quan niệm “tứ lang ngũ lạc”, tức là nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có cơ hội vào trường SKY gồm những trường đại học bậc nhất Hàn Quốc (Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University - SNU), Đại học Hàn Quốc (Korea University - KU) và Đại học Yonsei (Yonsei University - YU); ngủ 4 tiếng mỗi đêm có thể đậu vào những đại học khác; ngủ 5 tiếng mỗi đêm, hãy quên việc vào đại học đi.
Nhưng việc học không phải là áp lực duy nhất. Thực tế theo thống kê của Bộ giáo dục Hàn Quốc, 41% sinh viên đại học thất nghiệp trong năm đầu tiên sau khi ra trường. Điều này đã tạo ra thêm một áp lực khác nữa cho học sinh Hàn Quốc - nỗi sợ về tương lai.