Theo tìm hiểu và phản ánh của không ít phụ huynh, học sinh Hà Giang cho thấy trong số những thí sinh được nâng điểm đã có những trường hợp là người nhà của lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Trong đó có con của Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Khuông vừa bị khởi tố.
Thống kê của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang cho thấy, sau khi chấm thẩm định lại các bài thi cho thấy, 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với chấm thẩm định.
Đặc biệt, có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định. Kết quả này cũng cho thấy có những thí sinh tại Hà Giang có thể trở thành thủ khoa ở các trường đại học lớn, danh tiếng trên cả nước thực chất chỉ được 1, 2 điểm, thậm chí 0,75 điểm.
Với việc công nhận kết quả chấm thẩm định thay thế cho kết quả công bố trước đó, có ít nhất hơn 100 thí sinh không chỉ trượt đại học mà còn trượt cả kỳ thi THPT vì bị điểm liệt, bởi có 102 bài thi môn toán còn 1 điểm, 56 bài thi môn hóa chỉ được 0,75 điểm.
Cho tới nay, công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố 5 bị can, trong đó có 4 cán bộ của Sở GDĐT tỉnh Hà Giang và 1 cán bộ Công an tỉnh. Cơ quan điều tra xác định, việc các đối tượng thực hiện nâng điểm thi là để trục lợi.
5 bị can gồm: Triệu Thị Chính, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang (người trực tiếp điều hành Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm); Phạm Văn Khuông, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang; Lê Thị Dung, Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang; Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang và Nguyễn Thanh Hoài, là Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang.