Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Cao 1,5m mới được thi sư phạm: Giáo viên có cần ngoại hình?

Theo Dân Việt Theo dõi Saostar trên google news

Nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia giáo dục, giáo viên về chuẩn đầu vào cao trên 1m5 mới được thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Theo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2019, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, nam phải cao từ 1,55m trở lên và nữ cao từ 1,5m trở lên.

Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65m và nặng 50kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55m chiều cao và nặng 45kg trở lên.

Yêu cầu về chiều cao, cân nặng đầu vào ngành sư phạm có nâng cao chất lượng giáo viên?

Ngoại hình chỉ là thứ yếu đối với giáo viên?

Thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên bộ môn Địa lý, ĐH Đồng Nai nhận xét, ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng việc yêu cầu về chiều cao của giáo viên không phải ưu tiên hàng đầu.

“Việc loại bỏ học sinh vào ngành sư phạm dựa trên thể hình chứ không dựa trên trí tuệ, là việc làm phản giáo dục. Người đi dạy quan trọng nhất là tri thức, kỹ năng giảng dạy; hình thức chỉ là thứ yếu.

Trường sư phạm cần tuyển những người có lòng yêu nghề, tri thức. Giáo viên lên lớp truyền tải kiến thức và giáo dục nhân cách chứ không phải trình diễn thời trang. Yếu tố ngoại hình không ảnh hưởng chất lượng giáo dục hay nhân cách học sinh” - thầy Nguyễn Văn Thuật nhấn mạnh.

Cô Bùi Thu Hương - giáo viên cấp 1 tại TP.Thanh Hóa cho rằng việc yêu cầu về ngoại hình của giáo viên là không sai tuy nhiên vẫn còn quá sớm đối với Việt Nam: “Trên kinh nghiệm thực tế của tôi, với ngoại hình tốt thì việc đứng lớp sẽ có nhiều thuận lợi hơn ví dụ như sẽ dễ cuốn hút học sinh tập trung nghe giảng hơn nếu có ngoại hình đẹp, giọng nói truyền cảm. Thế nhưng việc áp dụng một lợi thế trở thành tiêu chuẩn theo tôi là khiên cưỡng ở thời điểm hiện tại. Có nhiều điều kiện đầu vào để đảm bảo chất lượng giáo viên hơn là ngoại hình, ví dụ như năng khiếu, nâng cao điểm số…”.

Em Hoàng Thúy Nga, sinh viên ngành Sư phạm tại Hà Nội cho biết việc áp dụng chuẩn đầu vào về ngoại hình đối với sinh viên sẽ nảy sinh nhiều yêu cầu mới đối với giáo viên khi xin việc làm: “Nếu chuẩn chiều cao và cân nặng được áp dụng thì điều gì sẽ xảy ra nếu các trường không tuyển các giáo viên trẻ có chiều cao và cân nặng “dưới chuẩn” nữa? Theo em, tiêu chuẩn tuyển sinh cần phải được lựa chọn từ yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động, ở đây là trường học. Nếu đúng yêu cầu từ thực tiễn thì chuẩn chiều cao cần được áp dụng hàng loạt mới có tác dụng cụ thể chứ không phải chỉ có một trường đặt ra là giải quyết được vấn đề này”.

Đặt chuẩn ngoại hình để chuẩn bị cho lớp giáo viên kế cận

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - cho biết qua nhiều năm làm việc trong ngành sư phạm, ông thấy nếu ngoại hình giáo viên bé nhỏ sẽ gặp trở ngại khi dạy học vì bị lọt thỏm khi đứng trên lớp và giữa đám đông học sinh. Trong tư thế của người thầy, chiều cao là cần thiết.

Ngoại hình tốt sẽ giúp giáo viên trong công tác giảng dạy.

“Tôi tán thành quy định của ĐH Sư phạm TP.HCM, tuy nhiên cần phải làm rõ để loại trừ những trường hợp đặc biệt. Tức là chiều cao là chuẩn chung nhưng vẫn có những đối tượng được ưu tiên, không áp dụng tiêu chuẩn này.

Ví dụ như sinh viên có năng khiếu, tố chất nghệ thuật hay thông minh đặc biệt, đồng thời đam mê ngành sư phạm, có thể được nhà trường tạo điều kiện thông qua để tham gia học tập. Điều này giúp nhà trường không bỏ lỡ những sinh viên tài năng. Còn lại những sinh viên không phù hợp với ngành sư phạm có thể vào các ngành khác” - Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM ủng hộ việc đặt ra tiêu chuẩn về ngoại hình để tuyển sinh ngành sư phạm. Cô Thảo cho rằng đây là một yêu cầu cần có trong việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên kế cận nhằm đáp ứng những mục tiêu về giáo dục trong tương lai.

“Theo tôi dần dần đội ngũ giáo viên cũng cần có sự chuyển biến ko chỉ về trí tuệ, tri thức mà về sắc vóc nữa. Một đội ngũ chuyên nghiệp thì sẽ cần có những tiêu chuẩn nhất định. Với sắc vóc sẽ làm cho môi trường giáo dục đẹp hơn và sự tương quan với các ngành nghề khác ko quá chênh lệch. Bản thân tôi ủng hộ cho việc nâng chuẩn này.

Vì rõ ràng chúng ta thấy ngành sư phạm vẫn cần những yếu tố phụ bên cạnh chuyên môn. Trong khi xã hội phát triển, thể trạng của học ngày càng cải thiện và nâng lên về chiều cao, cân nặng và thể lực tốt hơn mà giáo viên lại nhỏ, bé hơn thì có vẻ ko đẹp ở hình ảnh”, cô Thảo cho biết.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Việt

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?