Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Phụ huynh tham gia chọn sách
Theo đó, hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông do hiệu trưởng thành lập. Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.
Hội đồng bao gồm người đứng đầu và cấp phó cùng các đại diện tổ chuyên môn, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh. Số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 11 người. Các trường có quy mô dưới 10 lớp thì số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người.
Về quy trình, toàn bộ giáo viên của từng môn sẽ tham gia lựa chọn sách môn học đó. Các thầy cô nghiên cứu các đầu sách, viết phiếu nhận xét, đánh giá. Sau đó, tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ họp với các giáo viên để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn một sách cho mỗi môn.
Sách được chọn bảo đảm có từ một nửa giáo viên trở lên bỏ phiếu. Trường hợp không đạt tỉ lệ này, tổ chuyên môn phải thảo luận, phân tích và bỏ phiếu lại.
Dựa vào danh mục do tổ chuyên môn chọn, hội đồng của trường sẽ thảo luận, đánh giá, tổng hợp kết quả rồi đề xuất danh mục với người đứng đầu nhà trường. Sau đó, các trường lập hồ sơ lựa chọn sách gửi về phòng hoặc Sở GD&ĐT.
Phòng GD&ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định, báo cáo Sở GD-ĐT về kết quả thẩm định và danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý.
Sở GD&ĐT sẽ tổng hợp kết quả, lập danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Căn cứ vào kết quả này, UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương. Danh mục SGK được phê duyệt phải thông báo đến các cơ sở giáo dục phổ thông trước ngày 30/4 hằng năm.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, người đã tham gia biên soạn hoặc chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành SGK; người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có SGK không được tham gia hội đồng.
Nguyên tắc chọn sách là dựa vào danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi môn học ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK.
Phải tôn trọng ý kiến giáo viên
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quy trình chọn sách hiện nay thiếu minh bạch, khách quan; thiếu tôn trọng ý kiến nhà trường, giáo viên. Cụ thể, tổ chuyên môn ở mỗi trường cho giáo viên thảo luận và đánh giá các SGK của môn học, bỏ phiếu kín để lựa chọn. Sau đó, nhà trường thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách tổ chuyên môn đã đề xuất và báo cáo về Sở GD&ĐT. Sau đó, sở sẽ tổng hợp, chuyển cho hội đồng của tỉnh danh mục sách được các nhà trường đề xuất để 15 thành viên nghiên cứu trong 7 ngày và bỏ phiếu kín.
Quy trình trên cho thấy việc lựa chọn sách là từ các cơ sở giáo dục nhưng lại trao quyền quyết định bỏ phiếu chọn sách cho hội đồng chỉ có 15 người là không hợp lý. Các trường phải tổ chức xét chọn rất công phu nhưng toàn bộ kết quả lựa chọn có thể bị hội đồng này bác bỏ.
Bộ GD&ĐT không quy định một cuốn sách được cơ sở lựa chọn với tỉ lệ bao nhiêu thì hội đồng có trách nhiệm phải chọn cuốn đó. Điều này dẫn đến việc nhiều giáo viên, nhà trường cho hay ý kiến của họ không được tôn trọng.
Với những quy định mới trong dự thảo, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nhận định sẽ khắc phục được những nhược điểm trong lựa chọn SGK hiện hành. "Cần tôn trọng ý kiến lựa chọn SGK của giáo viên, cũng như các trường" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, khẳng định quan điểm mỗi trường được quyền tự chọn SGK phù hợp trên nguyên tắc thận trọng, công khai, minh bạch. Theo ông Vinh, các trường được chủ động lựa chọn bộ SGK cũng là một cách nâng cao tính tự chủ trong công tác GD&ĐT.
Đánh giá về vai trò phụ huynh trong lựa chọn SGK, bà Nguyễn Minh Phương, giáo viên một trường tiểu học đóng tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), cho rằng vai trò của đại diện cha mẹ học sinh cũng rất quan trọng. "Phụ huynh là người hằng ngày phối hợp cùng giáo viên giảng dạy trên lớp để kèm, hướng dẫn con tự học ở nhà, họ cũng nghiên cứu tìm hiểu và học theo chương trình học của con. Vì vậy, nhà trường cần lắng nghe ý kiến từ phía phụ huynh để có lựa chọn tốt nhất" - bà Phương nhìn nhận.
Tăng cường giám sát tiêu cực trong chọn SGK
Cũng có không ít nhà giáo, chuyên gia cho rằng việc giao quyền chủ động chọn SGK cho từng cơ sở giáo dục hay từng địa phương không phải là vấn đề để Bộ GD&ĐT quá chú trọng để thay đổi. Một chuyên gia giáo dục khẳng định chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK thì có nghĩa SGK không còn là pháp lệnh, chỉ nên xem là tài liệu hỗ trợ dạy học.
"Tại sao Bộ GD&ĐT cứ luẩn quẩn, mất thời gian vào chuyện giao quyền chủ động cho ai?" - chuyên gia này đặt vấn đề.
Nhận định quy trình chọn SGK hiện hành đã chặt chẽ, chuyên gia này đề xuất: "Nếu sợ tiêu cực trong chọn sách, nên chăng Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện địa phương nào có tiêu cực trong chọn sách".
SGK chỉ là tài liệu tham khảo
Bà Hoàng Thụy Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7, TP HCM), nhận xét quy trình lựa chọn SGK như dự thảo không khác nhiều so với quy trình lựa chọn SGK tại TP HCM.
Theo bà Thủy, việc lựa chọn SGK dù là do UBND TP HCM quyết định trong danh sách những bộ được Bộ GD-ĐT phê duyệt nhưng thực tế, quyền chủ động được giao cho các trường và quy trình lựa chọn cũng dân chủ, khách quan.
Bà Thủy dẫn chứng dù một số trường chọn sách theo độ tin tưởng, thói quen giảng dạy của giáo viên nhưng quyết định của thành phố vẫn bảo đảm tính dân chủ, đa dạng ở chỗ có nhiều đầu sách khác nhau để từng quận, huyện, nhà trường chọn sao cho phù hợp với năng lực giáo viên, học sinh. "Để giả sử có độ chênh lệch giữa các quận, huyện trong thành phố thì vẫn có sách phù hợp với từng địa bàn" - bà Thủy giải thích.
Cũng theo bà Bích Thủy, từ nhiều năm nay, TP HCM khuyến khích mỗi trường có thư viện sách dùng chung, nghĩa là dù lựa chọn sách nào thì thư viện của mỗi trường đều có các đầu sách của các bộ sách còn lại để giáo viên tham khảo. Nếu thấy ngữ liệu của sách này không hay bằng đầu sách khác, giáo viên hoàn toàn có thể chủ động thay đổi.
Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1), cho biết thực tế hiện nay rất ít giáo viên phụ thuộc vào SGK để giảng dạy. "SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Các thầy cô có thể kết hợp nhiều bộ sách khác nhau để giảng dạy, miễn đáp ứng theo khung chương trình và giúp học sinh đạt được các phẩm chất, năng lực cần có theo từng giai đoạn" - ông Hưng khẳng định.