Sau khi công bố điểm chuẩn, các trường Đại học trên cả nước bắt đầu đón tân sinh viên tới làm thủ tục nhập học. Lúc này, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta được nghe kể rất nhiều câu chuyện học sinh nghèo vượt khó. Có bạn ngày đi thi, ba và bà nội cùng mất một lúc, có bạn người dân tộc Mường, tuy đỗ Thủ khoa nhưng lại muốn từ bỏ giấc mơ giảng đường vì nhà nghèo hay đâu đó là rất nhiều những trường hợp khác, chỉ vì gánh nặng miếng cơm manh áo mà giấc mộng đi học lại trở nên thật xa vời dù họ là những người hoàn toàn có thực lực.
Mỗi lần nghe xong một câu chuyện, ai nấy đều buồn và thương cho số phận của các bạn học sinh. Nhưng bạn có biết, xung quanh chúng ta là biết bao mảnh đời khó khăn. Dù không đọc báo nhưng ngày nhập học, đâu đó thật dễ bắt gặp hình ảnh người bố, người mẹ ở quê lam lũ, đem theo từng đồng bạc lẻ lên TP đóng học phí cho con. Ánh mắt vừa vui vừa buồn, vẻ tần tảo, thương con của họ có lẽ là những điều xúc động nhưng cũng đầy ám ảnh trong tâm trí của nhiều người.
Mới đây, trang NEU Confession tiếp tục khiến cộng đồng mạng xôn xao khi chia sẻ bức ảnh người cha góp nhặt từng nghìn lẻ đóng học phí nhập học cho con gái. Bức ảnh chụp rõ trên tay người cha cầm từng đồng lẻ (1 tờ 50k, 1 tờ 10k và 2 tờ 1k) nhẩm đếm với thái độ thật chăm chú và bên cạnh là cô con gái đang cúi xuống nhìn cha.
Một khung cảnh khá bình dị nhưng sao lại thấy xúc động đến thế! Đã có những lúc chúng ta đi lướt qua tờ tiền 1k bị rơi ngoài phố, đã có lúc hào phóng cho không người khác tờ tiền mệnh giá 10k hay thậm chí còn hơn thế… Vậy mà sao hôm nay, từng tờ tiền lẻ ấy lại có ý nghĩa quyết định cả tương lai của một người! Hóa ra ở quê nghèo, làm ra từng đồng lẻ nào có dễ dàng chi?
Cùng với tấm hình này, fanpage NEU Confession chú thích: “Chỉ là vô tình thôi, nhưng tôi hiểu được ánh mắt của người cha đó. Ước mơ cho con có được con chữ, cái nghĩa, là sự hi sinh vô bờ bến của người cha. Ngày nhập học - cái ngày mà mang lại niềm vui, sự hạnh phúc của các bạn tân sinh viên. Nhà nào có điều kiện thì dăm bảy triệu nó chẳng là gì, nhưng ở trong cái hoàn cảnh nông dân chân lấm tay bùn thì vài trăm thôi cũng đủ nói lên nỗi khổ! Chú bảo, thôi thì cố gắng cho cháu ra đây ăn học, nhà chú tận trong Nam, cũng chẳng có điều kiện gì nhiều, các cháu có gì ở đây chỉ giúp em cho chú. Thấy chú chắt bóp từng đồng tiền lẻ, một sấp một để đóng tiền học cho con mà thấy xót xa quá”.
Ngay sau khi chia sẻ, bức hình cùng đoạn caption này như chạm vào trái tim hàng nghìn người. Phía dưới bài viết, hàng nghìn bình luận đồng tình, ủng hộ và cũng chia sẻ lại những ngày sinh viên khó khăn của họ khi nhiều bạn sĩ tử có hoàn cảnh khó khăn cũng đã từng kinh qua cảm giác giống như bạn gái trong bức ảnh trên.
“Thương mẹ lắm, giờ đi làm rồi cho mẹ tiền bảo may manh quần tấm áo mẹ chả giám may, lúc nào cũng bảo tao đi làm cần gì quần áo đẹp các mợ con cho đầy quần áo rồi. Mẹ khổ quá vì các con mà không dám mua gì cho mình, tháng rồi cho mẹ tiền nhưng vẫn mua cho mẹ 2 bộ quần áo hết hơn 215k 1 bộ nhưng nói dối là con mua cả đống nên quên giá tiền rồi. Mẹ mừng quá cười mãi, khen mãi. Mẹ ạ, lúc nào con cũng chỉ mong mẹ cười mãi thôi“, một nữ sinh xúc động chia sẻ câu chuyện của mình.
“Sau khi trải qua 4 năm đại học, mình thấy ngày nhập học không phải là ngày hạnh phúc nữa, cảnh bố mẹ đưa con đi nhập học mang theo balo, túi xách, hòm chiếu, chăn màn… Khi chưa tìm được nhà trọ hay chưa đăng kí được phòng kí túc cho con thì vẫn phải ngồi giữa nắng nôi trước cổng trường, nhìn mà thương mà thấm được sự vất vả, tần tảo của bố mẹ thế nào, chỉ mong con học hành đến nơi đến chốn. Mong rằng các em cố gắng học tập để đền đáp công ơn của bố mẹ“, bạn H.L bày tỏ.
“Nhớ hôm đó, ba chở đi làm thủ tục nhập học. Cứ nghĩ đi làm hồ sơ này kia thôi, ai ngờ người ta bảo nộp gần cả 4 triệu đồng Lúc đó ba không mang tiền theo nhiều, nhà lại xa nên phải chạy qua mượn nhà “họ hàng” ở gần đó để nộp. Lúc đó thương ba lắm. Suy nghĩ có nên học hay không, vì không chỉ 4 triệu đồng này mà còn cả 5 năm học ĐH về sau nữa. Thế là tớ bỏ ĐH, chuyển về học CĐ sư phạm. Vừa tiết kiệm đươc học phí, vừa theo đuổi nghề mình thích. Giờ ra trường cũng được 3 năm rồi, nhưng vẫn không làm đúng cái nghề mình đã theo đuổi“, bạn K.V xúc động nhớ lại ngày nhập học của mình.