Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông với nhiều điểm mới đáng chú ý trong việc thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh.
Phóng viên báo VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.
Đánh giá mới phù hợp chương trình mới
- Thưa ông, Thông tư 22 có nhiều điểm mới về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có sự thay đổi này?
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành: Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai trong các trường trung học cơ sở từ năm học 2021-2022 tới đây, bắt đầu với lớp 6, từ năm học 2022-2023 với lớp 10 và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu với các khối lớp còn lại trong các năm tiếp theo ở cả hai bậc học này.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nên cần quy định về cách đánh giá mới tương ứng. Thông tư 22 đáp ứng yêu cầu đó với điểm cốt lõi là tập trung vào đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình tổng thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, theo đặc thù của từng môn học. Đánh giá năng lực đặc thù theo từng môn học là đánh giá kết quả học tập của học sinh so với yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình môn học đó.
Quan điểm đánh giá vẫn tiếp tục theo hướng vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng sự tương tác giữa thầy và trò để học sinh tiến bộ trong quá trình đánh giá. Vì vậy, việc đánh giá có hai hình thức là bằng nhận xét và bằng điểm số. Trong đó có quy định một số môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét như Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục địa phương với hai mức đạt và chưa đạt.
Các môn còn lại đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Trong đó, đánh giá bằng nhận xét thông qua quá trình giao nhiệm vụ cho học sinh để giúp cho các em tiến bộ hơn trong nhiệm vụ học tập của mình trong cả năm học. Kết quả học tập của các môn đó đánh giá bằng điểm số theo thang điểm 10.
Việc đánh giá kết quả rèn luyện trước đây gọi là hạnh kiểm với 4 mức: Tốt, khá, trung bình và kém, nhưng theo chương trình mới là đánh giá về kết quả rèn luyện phẩm chất của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình nên sẽ không gọi là hạnh kiểm và có 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Xóa tư duy môn chính, môn phụ
- Theo Thông tư 22, học sinh muốn đạt loạt tốt phải có tới 6 trên tổng số 8 môn học đạt điểm số từ 8 trở lên, trong đó không nhất thiết phải có hai môn vẫn được coi là môn chính như Toán, Ngữ văn, thưa ông?
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành: Thông tư 22 đánh giá về năng lực, kết quả học tập của học sinh được xếp theo bốn mức: Tốt, khá, đạt và chưa đạt. Học sinh được đánh giá kết quả học tập tốt nếu tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số đều đạt từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt từ 8 điểm trở lên.
Nếu học sinh có kết quả học tập tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt, đồng thời tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt từ 6,5 điểm trở lên, thì được đánh giá mức khá. Kết quả học tập của học sinh được đánh giá mức đạt khi có nhiều nhất một môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức chưa đạt và có ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số đạt từ 5 điểm trở lên, không có môn học nào dưới 3,5 điểm. Các trường hợp còn lại, học sinh được đánh giá là chưa đạt.
Như vậy học sinh muốn đạt loại tốt sẽ phải phấn đấu để đạt điểm 8 ở ít nhất 6 môn trên tổng số 8 môn có đánh giá điểm số, không phân biệt môn nào. Vì thế, đương nhiên sẽ vẫn có trường hợp có thể có học sinh đạt loại tốt nhưng vẫn có môn Toán, Ngữ văn dưới 8. Quy định này thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay môn phụ, không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là học sinh giỏi.
Thông tư 22 cũng bỏ việc tính một điểm số trung bình chung cho tất cả các môn như quy định hiện hành. Sẽ không có tình trạng môn học này có thể gánh điểm cho môn học kia để dẫn đến học lệch.
Việc các môn học được coi trọng như nhau cũng sẽ giúp cho học sinh có thể thỏa sức phát huy hết khả năng của mình ở môn học mà các em có năng khiếu, theo sở thích riêng và được nhìn nhận, đánh giá công bằng. Từ đó, khi lên học trung học phổ thông, tính phân hoá, hướng nghiệp cao hơn, học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp của bản thân. Điều này thể hiện đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới là giáo dục hướng tới cá nhân hóa đẻ các em có thể phát huy hết năng lực của mình ở mọi lĩnh vực và được đánh giá công bằng như nhau.
Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến
- Theo Thông tư 22, sẽ chỉ còn hai danh hiệu học sinh được khen thưởng là học sinh giỏi và học sinh xuất sắc. Như vậy, danh hiệu học sinh tiên tiến sẽ chính thức bị bãi bỏ, thưa ông?
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành: Việc khen thưởng học sinh sẽ chỉ có hai danh hiệu là học sinh giỏi và học sinh xuất sắc. Trong đó, học sinh giỏi được đánh giá tốt cả trong năng lực học tập và phẩm chất. Học sinh xuất sắc là học sinh giỏi có 6 môn đạt từ điểm 9 trở lên.
Khái niệm học sinh tiên tiến trước đây dành cho học sinh có hạnh kiểm và học lực từ loại khá trở lên. Vì thế, số lượng học sinh đạt danh hiệu này rất nhiều, dẫn đến việc khen thưởng danh hiệu này không còn giá trị, động lực phấn đấu cho học sinh.
Ngoài khen thưởng học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, Thông tư 22 cũng quy định có khen thưởng đối với học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học và khen thưởng đối với học sinh có thành tích đặc biệt.
- Xin cảm ơn ông!