Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh những đổi mới trong việc bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để chuẩn hoá, xếp hạng giáo viên; lương của giáo viên được xếp theo trình độ chuẩn được đào tạo quy định trong Luật Giáo dục 2019,… đại diện các bộ, ngành cũng phân tích, làm rõ những vấn đề bất cập phát sinh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên trong biên chế. Cụ thể, như việc chuyển xếp hạng theo quy định mới chưa tính đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đạt chuẩn theo quy định và quá trình giảng dạy của một bộ phận giáo viên; các địa phương chưa triển khai thống nhất việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên;…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, cho biết Bộ sẽ khẩn trương tổng hợp phản ánh về những tồn tại, bất cập liên quan đến bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên. Từ đó làm cơ sở sửa đổi, bổ sung thông tư nhằm bảo đảm quyền lợi của giáo viên và phù hợp với những quy định mới tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi và “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho hay tinh thần của Bộ GD&ĐT là cố gắng sửa thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo hướng có lợi nhất cho giáo viên.
Vị này cho hay, thứ nhất, Bộ GD&ĐT sẽ cắt giảm các chứng chỉ. Cụ thể, mỗi một chức danh nghề nghiệp sẽ có một chứng chỉ duy nhất.
“Ví dụ, trong chức danh nghề nghiệp giáo viên có 3 hạng, thì trước đây, để vào mỗi một hạng cần có một chứng chỉ. Nhưng tới đây cả 3 hạng sẽ dùng chung một chứng chỉ. Như vậy, giáo viên sẽ chỉ cần có 1 chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp duy nhất trong đời. Khi giáo viên được tuyển dụng vào sẽ phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp; còn sau này khi thăng hạng thì không cần thêm chứng chỉ nào nữa mà chỉ cần đáp ứng trình độ đào tạo, kinh nghiệm và các điều kiện khác. Riêng những người đã trong ngành mà chưa có chứng chỉ thì sẽ được cho một khoảng thời gian để hoàn thiện, chứ không bắt buộc phải ra khỏi ngành”.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đang tính tới việc bỏ chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên.
“Việc bồi dưỡng thường xuyên sẽ hướng tới không cần thiết phải tổ chức theo lớp và cũng không cần cấp chứng chỉ gì cả. Việc bồi dưỡng thường xuyên sẽ được tổ chức rất nhẹ nhàng. Bộ GD&ĐT sẽ số hóa tất cả những chương trình đào tạo, bồi dưỡng để đưa lên mạng và tất cả các giáo viên có thể truy cập vào theo tài khoản của mình để tự bồi dưỡng”, vị này cho hay.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đang tổng hợp những phản ánh và nghiên cứu những bất cập nảy sinh trong thực tiễn. Từ đó căn cứ cơ sở pháp lý để xem liệu có thể giải quyết vướng mắc hay không.
“Có những vấn đề mà giáo viên mong muốn nhưng lại không có cơ sở pháp lý nên Bộ GD&ĐT cũng không thể quyết được mà phải có sự đồng thuận của Bộ Nội vụ. Chính vì vậy, hiện, Bộ GD&ĐT đang phải bàn rất chi tiết với Bộ Nội vụ để tháo gỡ những vướng mắc. Việc sửa đổi sẽ theo tinh thần tuân thủ pháp luật và có lợi nhất cho giáo viên”.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức khảo sát nguyện vọng, thu thập phản ánh của giáo viên cả nước, qua đó tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng những ý kiến đóng góp xác đáng vào thông tư mới.
Xem xét tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng trước năm 2015
Riêng về giáo viên hợp đồng, Bộ GD&ĐT sẽ trao đổi với Bộ Nội vụ xem xét liệu có thể có cơ chế giải quyết những bất cập ở việc tuyển dụng đặc cách.
“Có những giáo viên đã ký hợp đồng lao động từ trước năm 2015 và nếu theo công văn của Bộ Nội vụ thì được tuyển dụng đặc cách. Nhưng một số địa phương xử lý chậm trong việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng trước khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2020 yêu cầu giáo viên phải theo chuẩn đào tạo cao hơn), nên dẫn đến chuyện trước đây nếu theo diện đặc cách thì họ có thể được tuyển nhưng giờ lại thành không đáp ứng điều kiện. Đây là vướng mắc cần giải quyết. Do đó, giờ nếu muốn cho họ được tiếp tục hợp đồng, tham gia giảng dạy trong thời gian hoàn thiện bổ sung đủ chuẩn thì phải có sự đồng thuận của Bộ Nội vụ mới có thể xử lý được, chứ Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền để làm việc đó”, vị này nói.