Theo đó, nhiều người cho rằng dự thảo này sẽ tạo ra sự không công bằng trong xét tuyển, khiến quá trình tuyển sinh trở nên phức tạp, gia tăng thí sinh ảo, thí sinh cũng phải chờ đợi lâu trong khi đã có thể có đầy đủ yếu tố để trúng tuyển sớm...
Theo VOV, trước băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi xét tuyển đại học sớm, các trường làm một cách độc lập và khi Bộ tiến hành xét tuyển chung thì mới sinh ra tình trạng thí sinh ảo.
Ông Sơn cho rằng, từng trường, từng ngành không thể dự đoán được tỷ lệ ảo dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu hay được nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm, dẫn đến xác định các chỉ tiêu và điểm chuẩn trúng tuyển không chắc chắn.
Giải thích thêm về dự thảo này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, xuất phát điểm của việc xét tuyển đại học sớm có từ 6-7 năm trước. Trước đó, tất cả cùng xét tuyển tập trung sau khi các thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2017, một số cơ sở đào tạo bắt đầu xét tuyển sớm bằng học bạ hoặc những thành tích khác.
Theo ông Sơn, khi một cơ sở đào tạo đã tổ chức xét tuyển sớm thì các cơ sở khác cũng chạy đua để có lợi thế cạnh tranh: "Khi tất cả cùng chạy đua thì tất cả đều vất vả. Các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ xét tuyển và các em học sinh thì đang học lớp 12 phải chạy đôn đáo để thi chứng chỉ làm hồ sơ. Tất cả cùng vất vả nhưng hiệu quả mang lại thì không cao. Có 8 nguyện vọng trúng tuyển trong xét tuyển sớm thì chỉ có 1 nguyện vọng nhập học; hay có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì sau đó chỉ 1 em nhập học".
Thứ trưởng giải thích thêm, điểm chuẩn thường sẽ thấp đi để có thể tuyển được nhiều hơn, do đó, không dự báo được tỷ lệ trúng tuyển và tỷ lệ ảo rất lớn. Thứ trưởng cũng nêu dẫn chứng, những năm qua, điểm chuẩn trong đợt chung một số ngành tăng vọt.
"Có thí sinh 25 điểm trúng tuyển ngành này nhưng điểm chuẩn trúng tuyển sau lại là 26 điểm. Trong khi, nếu xét tuyển sớm thì thí sinh đã trúng tuyển. Từ sự không công bằng dẫn đến chất lượng không bảo đảm", ông Sơn nói.
Ngoài ra, theo PLO, đại diện Bộ GD&ĐT còn nhận định vì xét tuyển sớm nên các em chưa hoàn thành chương trình tốt nghiệp THPT đã xét tuyển. Điều này không công bằng khi có những học sinh có điều kiện học sớm, học trước nên hoàn thành chương trình từ học kỳ I, nhưng hầu hết các em phải đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình.
Như vậy, điểm xét tuyển dựa trên kết quả học tập của các em là không đồng đều, cũng tạo ra bất công.
Tác động tiêu cực đến dạy và học phổ thông chính còn thể hiện ở việc nhiều em có tâm lý đã trúng tuyển rồi nên không quan tâm chuyện học hành, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều em vào lớp 10 trường chuyên gần như là yên tâm trúng tuyển rồi và không tập trung vào học toàn diện, học những môn thực sự cần thiết cho đào tạo sau này.
Chất lượng giáo dục phổ thông có tác động tiêu cực sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo đại học về sau, khi các em không chuẩn bị nền tảng tốt, theo ông Sơn.
Khẳng định Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến trực tiếp từ người trong cuộc để điều chỉnh, ông Sơn cho biết khi giảm tỉ lệ xét tuyển sớm xuống, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi.
"Hôm qua, nhiều đại biểu thậm chí đề nghị bỏ xét tuyển sớm" - Thứ trưởng nói thêm và cho biết sẽ cân nhắc để tỷ lệ 20% hay bỏ xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… của các trường. Lúc đó, các trường chỉ xem xét các điểm, học sinh cũng yên tâm học hết lớp 12 và lựa chọn nguyện vọng, lựa chọn đúng ngành, đúng trường trên hệ thống.
Ông Sơn cho rằng việc này sẽ tạo sự thuận lợi và hiệu quả cho tất cả, hướng tới một nền giáo dục minh bạch, công bằng, chất lượng, hiệu quả, thuận tiện.