Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Bí quyết hiện thực hóa 'giấc mơ Mỹ' của cựu sinh viên Việt tại Harvard

Không ít du học sinh khi cầm trên tay tấm visa du học Mỹ đã háo hức, chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh để tới ngày đến với miền đất hứa, chạm tới “American dream” (giấc mơ Mỹ). Nhưng rồi những điều khác biệt đến mức khó tưởng tượng đã khiến các bạn hụt hẫng, vỡ mộng.

Du học không hề đơn giản khi bạn phải tiếp cận một nền giáo dục mới, cách giảng dạy mới và ngôn ngữ mới. Dù dễ hòa nhập đến đâu, bạn cũng không phải là người bản địa, giỏi tiếng đến mấy, đó cũng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn. Vậy làm thế nào để có một “giấc mơ Mỹ” thực sự?

Sinh sống 6 năm tại Mỹ, cô gái Việt Nguyễn Thanh Mai (cựu sinh viên học bổng toàn phần Đại học Harvard) đã rút ra những cách giúp du học sinh hòa nhập nhanh nhất từ chính câu chuyện và hành trình của mình.

Tất cả những gì cần là tôn trọng chính mình

Du học lúc 16 tuổi tại một trường trung học nội trú ở Mỹ. Mỗi khi đến kì nghỉ, Mai đều rất buồn do không có nhiều bạn. Mai luôn ngại kết bạn, giao tiếp với mọi người vì cô gái năm đó không có ngoại hình đẹp, Anh ngữ thạo hay thành tích xuất sắc. Thêm vào đó là việc trượt đội đua thuyền khiến Mai càng tự ti hơn về bản thân.

Ba tuần của kì nghỉ thì học sinh phải ra trường. Suốt kì nghỉ năm 16 tuổi ấy, Thanh Mai đến thành phố New York ở nhà người quen.

Thanh Mai chia sẻ: “Nhiều người không biết mình đi theo con đường du học cuộc đời sẽ ra sao. Gia đình có hoặc không ủng hộ nhưng nhìn chung người thân cũng không hiểu cảm giác của mình như nào.

Nếu có bạn bè thì cũng toàn là người Mỹ nên họ không hiểu việc không tiền, không gia đình ở Mỹ, không có những trải nghiệm chung, không biết rất nhiều thứ (trong khi xung quanh mọi người đều biết) thì thế nào”. Đó là khoảng thời gian tồi tệ khi nỗi sợ hãi, lo lắng về bản thân, về du học trỗi dậy trong nữ du học sinh Việt.

Theo cựu sinh viên ĐH Harvard, du học sinh đến miền đất mới thường đều cảm thấy cô đơn. Nhưng đó chính là quá trình khám phá, nhìn lại bản thân.

Những gì xảy ra trong ba tuần của kì nghỉ đó đã mang lại bài học lớn, cho Mai ý thức sâu sắc rằng phải tôn trọng và tự tin về bản thân vì mỗi người đều mang một giá trị riêng biệt.

May mắn thay, sau kì nghỉ Mai có sự thay đổi về thái độ sống, cùng lúc đội đua thuyền thiếu một người và cô gái Việt được làm thành viên. Ngày nào cũng tập luyện, giao lưu với bạn bè, có những cuộc đối thoại sâu hơn nên Mai cũng khỏe hơn, nói tiếng Anh tốt hơn và dù đội luôn về cuối cùng nhưng vẫn tự hào.

Tìm được đam mê

Bấy giờ, không có các phương tiện giải trí như hiện nay, chỉ có laptop mượn từ trường. Nguyễn Thanh Mai đã tải sách Triết về đọc vì nó miễn phí. Nhưng chính nhờ thế mà cô phát hiện được môn học ưa thích của mình là Triết.

Dù có nhược điểm là không học thuộc được nhưng Mai rất hứng thú đọc sách, đặc biệt là tiểu thuyết văn học. Suốt lớp 12 - thời điểm học sinh gấp rút chuẩn bị hồ sơ nộp vào các trường Đại học, cô gái năm ấy vẫn mải mê đọc sách.

Phải mãi đến hạn chót nộp luận cho các trường, Mai nhận ra, bài luận phải được bước ra từ chính cuộc sống của mình, là những trải nghiệm chân thực của bản thân.

“Nó là thứ duy nhất trong bộ hồ sơ thể hiện rõ nét nhất con người của mình nên mình cần trung thực với nó, suy nghĩ sâu sắc, thấu đáo rồi tự viết ra và chấp nhận cái sai, cái nhìn còn chưa đầy đủ của bản thân - một thanh niên 17, 18 tuổi. Nó giống như một câu chuyện mình muốn kể cho người đọc hồ sơ”,
Mai chia sẻ.

Với cách nhìn đó, Thanh Mai lựa chọn liệt kê và viết về những quyển sách đã đọc trong năm lớp 12. Nhờ bài luận đặc biệt này đưa ra góc nhìn khác mà hồ sơ cá nhân gồm bảng điểm và các thành tích học tập, ngoại khóa không thể hiện hết về mình nên Thanh Mai đã được hội đồng tuyển sinh trường Đại học Harvard trao học bổng 260.000 USD (6 tỷ đồng) cho 4 năm học.

“Tôi cho rằng điểm số chỉ là một phần của hồ sơ và du học Mỹ cũng chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống có biết bao điều tuyệt vời khác của chúng ta.

Hội đồng tuyển sinh ở nước ngoài thường không quan tâm nhiều đến điểm số. Cái làm nên danh tính của mỗi người không phải năng lực chuyên môn mà là bản thân mình là ai, mình muốn gì và đam mê điều gì ”, Mai nói.

Cựu du học sinh Việt tại Đại học Harvard Nguyễn Thanh Mai chia sẻ cách biến “American dream” thành sự thực.

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Đa số người hướng ngoại, sôi nổi, nhiệt huyết hay giỏi giang xuất chúng đều được yêu quý. Nhưng lại có những người hướng nội, không đặc biệt, không có cái tôi cá nhân lớn… thì không có nghĩa là họ không truyền cảm hứng. Stephen Hawking từng nói: “Những người trầm lặng nhất là những người có suy nghĩ sôi nổi nhất”.

Một trong những quy luật cơ bản của vũ trụ chính là không có bất kỳ điều gì hoàn hảo. Sự hoàn hảo đơn thuần không hề tồn tại. Nét độc đáo, khác biệt của mỗi người đều có một giá trị riêng, một điều gì đó cá nhân ấy đem lại cho cộng đồng. Xã hội cần đa dạng do vậy không được gò mình vào khuôn mẫu người khác nghĩ là mình nên làm. Chỉ có chính mình mới hiểu bản thân rõ nhất.

“Thích nghi với cộng đồng nhưng không nên nghĩ hay làm theo điều mình không muốn chỉ vì mọi người đều như thế”,
Thanh Mai chia sẻ.

Cứ đi rồi sẽ đến

Trong suốt 6 năm ở Mỹ, nữ sinh Việt tại Harvard rất nhiều lần áp lực, sợ hãi, không rõ tương lai một ngày sẽ ra sao .“Lúc ấy, tôi cứ tự nói với bản thân “cứ đi cái đã”, dù không biết đi thế này có đến được đích hay không. Nhưng rồi thời gian dần qua đi, nhìn lại mọi thứ, tôi nhận ra đúng là cứ đi rồi sẽ đến, vì nếu không đi thì sẽ không bao giờ đến cả.

Thế nên, hãy nhớ rằng cuộc đời mình giống như marathon không phải là chạy ngắn. Nếu có thất bại, sai lầm thì đó chỉ như thua trong chạy ngắn. Còn marathon bị ngã sẽ đứng dậy và tiếp tục cuộc đua”, Thanh Mai chia sẻ.

Nguyễn Thanh Mai kết luận, việc hòa nhập với nền văn hóa mới cũng như tự chủ, cân bằng giữa việc học và đời sống chắc chắn là những trải nghiệm đáng được mỗi người cố gắng theo đuổi.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất