Những bài văn của các em học sinh tiểu học luôn là đề tài khiến người lớn thích thú vô cùng. Ở những bài văn ấy, các em học trò đã thoả sức viết ra những gì mình nhìn thấy, mình suy nghĩ. Chính vì vậy, những câu từ ngô nghê và non nớt của các em càng khiến người lớn thích đọc hơn.
Không ít bài văn "bóc phốt" các ông bố, bà mẹ từng xuất hiện trên mạng xã hội và ngay lập tức "gây bão". Dù mang lại tiếng cười nhưng phía sau đó lại khiến các phụ huynh phải suy ngẫm, nhìn nhận lại chính mình.
Điển hình như bài văn "tả về bố" của em học sinh tiểu học dưới đây. Trong phần bài làm của mình, em học sinh này trình bày như sau:
"Bố em đi làm và ở nhà là 2 phong cách khác biệt nhau. Đi làm bố vuốt keo, chải tóc, sơ mi đóng thùng như thanh niên trai tráng chưa lấy vợ.
Ấy vậy mà về nhà bố ở bẩn như lợn. Về đến nhà là áo quần, giày dép vứt mỗi cái một nơi.
Giá như bố mà gọn gàng, sạch sẽ hơn một chút thì em sẽ yêu bố hơn".
Qua những dòng văn này có thể thấy, em học sinh đã quan sát bố rất nhiều lần mới ghi nhớ từng thói quen của bố như thế. Đáng nói, bên cạnh thói quen chỉn chu khi ra ngoài thì ông bố lại tạo ấn tượng xấu cho con với những thói quen ở nhà như: Áo quần, giày dép vứt mỗi cái một nơi. Chính sự không gọn gàng gàng, sạch sẽ nên tình yêu của em dành cho bố cũng vơi đi một chút.
Có lẽ, bài văn này không chỉ khiến ông bố phải nhìn nhận lại thói quen sinh hoạt của mình để sửa chữa mà còn như nói hộ lòng người mẹ. Có lẽ, người mẹ cũng đã mệt mỏi và chán chường với những hành động không đẹp của chồng mình ở nhà. Hy vọng rằng, qua bài văn này của con, ông bố sẽ thay đổi để làm vợ vui lòng và làm tấm gương cho con học tập theo.
Trên thực tế, trẻ con ở bậc tiểu học là lứa tuổi hiếu động, thích khám phá và bắt chước. Chính vì vậy, nếp sống, thói quen, hành động và lời nói hằng ngày của người lớn trong gia đình sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các em. Nếu bố mẹ tạo ra những thói quen sinh hoạt và cư xử tốt, con cũng sẽ bắt chước theo; Ngược lại, nếu bố mẹ quá xuề xoà trong mọi việc thì lâu dần cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến con trẻ.