Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Hướng nghiệp

Áp chuẩn đầu ra ngoại ngữ cực khắt khe nhưng liệu các trường Đại học có thực sự nâng cao được chất lượng?

Để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, hầu hết các trường Cao đẳng, Đại học đều yêu cầu điều kiện chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên. Tuy nhiên, liệu giấy chứng chỉ có phản ánh đúng khả năng ngoại ngữ của sinh viên hay không?

Câu chuyện chứng chỉ chuẩn đầu ra ngoại ngữ tại các trường Cao đẳng, Đại học không phải là vấn đề mới. Cũng từ đây việc xuất hiện những cơ sở làm giả chứng chỉ ngoại ngữ có xu hướng ngày càng tăng.

Thực tế cho thấy thời gian qua, công an một số đơn vị địa phương đã tổ chức truy xét, bóc gỡ nhiều vụ việc, thu giữ hàng nghìn tài liệu, giấy tờ, con dấu giả. Điển hình như Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức điều tra, bắt và khởi tố 10 đối tượng và thu giữ 22 nghìn tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại. Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá đường dây do Lê Tấn Cường cầm đầu, thu giữ hơn 45 nghìn phôi bằng, chứng chỉ giả các loại…

Nhận làm chứng chỉ giả tràn làn trên mạng xã hội

Nhận làm chứng chỉ giả tràn làn trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội cũng tràn lan việc mua bán chứng chỉ giả, điển hình là chứng chỉ ngoại ngữ được bán công khai. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu loại chứng chỉ nào, chỉ cần nộp tiền với giá trị tương ứng, sau đó sẽ được cung cấp loại mà khách hàng mong muốn.

Không chỉ vậy, việc sinh viên học vẹt, học mẹo để cố đủ điểm diễn ra tràn lan. Năm 2018 vừa qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có tới 60% sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn vì không đáp ứng đủ điều kiện chuẩn ngoại ngữ đầu ra. Tuy nhiên, dù có trải qua thử thách như vậy nhưng nhiều người vẫn thừa nhận, dù có chứng chỉ hay không, họ cũng không thể giao tiếp hoặc sử dụng nó để làm việc.

Mục đích cuối cùng của chuẩn đầu ra ngoại ngữ là gì khi vẫn thấp hơn mức doanh nghiệp yêu cầu và liên tiếp xảy ra gian lận?

Thị trường lao động trong xu hướng hội nhập quốc thế hiện nay không thể thiếu ngoại ngữ. Đây luôn được coi là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong yêu cầu tuyển dụng của hầu hết các vị trí làm việc. Sinh viên ra trường muốn có việc làm và thu nhập ổn định thì cần biết ít nhất thêm 1 ngoại ngữ. Nhận thấy được tính cấp thiết này, các trường Cao đẳng, Đại học đã nhanh chóng áp vào sinh viên chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Các doanh nghiệp khi tuyển dụng thường phàn nàn thời lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường không đủ để 100% sinh viên tốt nghiệp có trình độ mà xã hội yêu cầu. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp yêu cầu trình độ TOEIC 650 nhưng hiện nay ở nhiều trường ĐH, chuẩn đầu ra mới chỉ áp ở mức 450 hoặc 550. Như vậy, trong những năm gần đây các trường ĐH đều cố gắng tăng chỉ tiêu đầu ra ngoại ngữ nhưng vẫn bị thấp hơn mức mà thị trường lao động mong muốn.

Việc sinh viên yếu kém khả năng ngoại ngữ chiếm số đông ở Việt Nam. Phần đa bị mất gốc ngoại ngữ ngay từ khi còn ở lứa tuổi học sinh phổ thông. Đặc biệt, đối với những học sinh vùng cao còn thiếu điều kiện để học tập và thực hành ngoại ngữ. Ngay cả phương tiện giảng dạy, giáo viên cho ngoại ngữ cũng không đồng đều. Sau khi trúng tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học thì lại rất ít các trường xét đến yếu tố ngoại ngữ làm yêu cầu tuyển sinh. Từ đó, dẫn đến việc đào tạo ngoại ngữ chung tại các trường đại học, cao đẳng không phân theo trình độ. Xảy ra tình trạng, nghe giảng ngoại ngữ như “nước đổ lá khoai”. Dĩ nhiên là chất lượng đào tạo sẽ không thực hiện được mục tiêu đặt ra.

Nghiên cứu đến từ Viện Thông tin Kinh tế và Phát triển thực hiện trên 600 sinh viên (cuối năm thứ nhất và đầu năm thứ tư) tại 3 trường là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM cũng đã chỉ ra, chỉ gần 11% sinh viên hoàn toàn học tiếng Anh theo chương trình của nhà trường, số còn lại tìm phương thức học bổ sung như đến trung tâm Tiếng Anh, học qua internet… bởi lo ngại không đáp ứng được yêu cầu đầu ra của trường cũng như nhà tuyển dụng.

Trong thời gian gần đây đã có rất nhiều đối tượng sử dụng chứng chỉ giả, đường dây bao “chống trượt” bị phanh phui. Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM mới đây vừa phát hiện một sinh viên thuộc khoa Hệ thống thông tin, sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEIC 450 điểm giả để nộp xét tốt nghiệp. Tình hình này cũng xảy ra tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội khi báo chí “khui” ra đường dây chống thi trượt ngoại ngữ đầu ra. Sinh viên chỉ cần nộp 1,9 triệu đồng để qua môn, nếu ai không nộp khoản tiền này thì sẽ “auto trượt”.

Việc liên tiếp phát hiện ra những gian lận chồng chéo trong việc hoàn thiện chứng chỉ ngoại ngữ ở các trường đại học đang cho thấy những bất cập nguy hiểm lớn trong việc cấp chứng chỉ cho sinh viên hiện nay.

Đào tạo ngoại ngữ ở các trường ĐH không đáp ứng nổi yêu cầu chuẩn đầu ra

Cũng theo khảo sát từ Viện Thông tin Kinh tế và Phát triển, khi đánh giá năng lực ngoại ngữ bản thân tại thời điểm khảo sát, chỉ có 57,5% sinh viên cho biết đã đạt trình độ B1, tương đương đạt chuẩn tốt nghiệp đại học hệ thông thường. Tỷ lê sinh viên có thể dùng ngoại ngữ trong công việc chỉ đạt 5,8%.

Đáng chú ý, có đến 17% sinh viên vẫn ở trình độ A1 và 19,2% ở trình độ A2; nghĩa là vẫn ở mức dưới hoặc bằng trình độ tốt nghiệp PTTH sau 1-3 năm đại học.

Khảo sát trên cũng cho thấy, 89% sinh viên tìm đến các phương thức học tiếng Anh bổ sung khác ngoài chương trình của nhà trường. Trong đó, 42,4% có học thêm tại các trung tâm tiếng Anh hoặc lớp học thêm do các thầy cô tự tổ chức; 34,3% học bổ sung qua internet, tivi/đài.

Điều này cho thấy việc đào tạo tiếng Anh ở nhiều trường ĐH chưa thật sự có hiệu quả. Trong khi đó, nhiều sinh viên chỉ coi ngoại ngữ đơn giản để ra trường, chứ chưa thực sự coi nó là điều kiện tiên quyết để khi bước vào thị trường lao động.

Để chuẩn đầu ra không còn là những thứ giấy giờ xanh đỏ, gắn tên gắn mác sinh viên giúp họ ra trường, có lẽ các trường ĐH cần có những kế hoạch cụ thể, xuất phát từ thực tế để việc ào tạo chuẩn đầu ra ngoại ngữ trở nên có chất lượng hơn. Ngoài ra, đối với sinh viên thì cần có nhận thức rõ ràng ngay từ khi còn là tân sinh viên, không ngừng trau dồi khả năng ngoại ngữ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thanh Thanh

Được quan tâm

Tin mới nhất