Ngày 13/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin, xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm; chủ trì làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và đại diện các gia đình để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc.
Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội chủ trì làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và đại diện các gia đình để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc và giao - nhận trẻ sơ sinh theo đúng quy định.
Tại đây, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Bệnh viện phải giải quyết xong vụ việc này trước 20/7, đồng thời việc giải quyết phải được sự đồng thuận của cả hai gia đình bị trao nhầm con.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, lãnh đạo phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Hà Nội) đã có cuộc làm việc với Bệnh viện liên quan đến việc gia đình anh Phùng Giang Sơn phát hiện bị bệnh viện trao nhầm con sau 6 năm.
Cũng theo bà Hà, vụ việc là do lỗi quy trình chuyên môn của bệnh viện. Năm 2012, Sở Y tế có yêu cầu đánh số khi giao - nhận trẻ tại bệnh viện, nhưng đến năm 2013 BVĐK Ba Vì mới áp dụng dẫn đến việc trao nhầm con xảy ra năm 2012.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở y tế, đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác liên quan đến việc tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng giao Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chủ trì về chuyên môn, rà soát quy trình trao nhận trẻ sơ sinh tại các bệnh viện.
Được biết, về mức đền bù sai sót dẫn đến trao nhầm trẻ sơ sinh, 2 gia đình bị trao trả nhầm con đã đề nghị BV hỗ trợ 300 triệu đồng. Tuy nhiên, phía bệnh viện cho rằng quỹ đền bù rủi ro không đáp ứng được mức tiền này nên chưa thể thực hiện việc đền bù. Vì vậy, bệnh viện đã có công văn gửi TAND huyện Ba Vì xem xét giải quyết vụ việc theo pháp luật.