Đeo biển giả hù dọa CSGT
Trong tất cả các đơn vị của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, có lẽ Đội CSGT số 1 là đơn vị “chạm mặt” nhiều nhất các phương tiện biển xanh vi phạm. Đáng nói, hầu hết chủ nhân của những chiếc xe biển xanh này cố tình sử dụng giấy phép lái xe giả, biển BKS giả.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 kể lại sự việc kiểm tra chiếc xe siêu sang nhãn hiệu Lexus. Chiếc xe mang biển xanh siêu đẹp 80A-919.99 có trị giá hàng tỷ đồng dừng đỗ sai quy định trên phố. Khi bị CSGT kiểm tra, lái xe mở cửa xuống hất hàm, tỏ thái độ thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Với hành vi coi thường pháp luật, vi phạm Luật Giao thông, chiếc xe đã bị tổ công tác của Đội CSGT số 1 kiên quyết đưa về nơi tạm giữ.
Đáng chú ý, quá trình kiểm tra, CSGT còn phát hiện BKS của chiếc xe này là giả. Ngoài lỗi dừng đỗ sai quy định với mức phạt 800 nghìn đồng, CSGT còn ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với lái xe về hành vi sử dụng BKS không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Mở rộng điều tra, cơ quan công an còn xác định nguồn gốc chiếc xe siêu sang này, không rõ ràng. Lái xe sau khi đến làm việc tại cơ quan công an cũng khai nhận mua chiếc xe này trôi nổi trên thị trường. Để tránh sự kiểm tra, xử lý của CSGT, lái xe đã gắn BKS giả với số biển cực đẹp vào xe nhằm tạo “uy”.
Đội CSGT số 2 cũng phát hiện 1 chiếc ô tô Camry “biển xanh” 31A-6385 vi phạm dừng đỗ xe không đúng quy định. Khi kiểm tra, lái xe không xuất trình được đăng ký xe. Thấy có dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác đã tiến hành xác minh nóng, phát hiện xe ô tô trên đeo BKS giả, vì chiếc xe BKS: 31A-6385 thuộc sở hữu của chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội.
Ít giờ sau, làm việc tại cơ quan công an, chủ xe ô tô đã xuất trình đăng ký xe 52P-0050 có số khung, số máy trùng với xe bị tạm giữ. Tưởng như sự việc đã giải quyết xong, tuy nhiên, qua các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Đội CSGT số 2 xác định đăng ký trên có dấu hiệu giả mạo.
Mới đây, Đội CSGT số 2 cũng tạm giữ chiếc xe Toyota BKS quân đội vi phạm Luật Giao thông. Mặc dù đã tạm giữ phương tiện nhiều ngày song chủ phương tiện không đến giải quyết. Quá trình xác minh, cơ quan quản lý xe thuộc Bộ Quốc phòng thông báo, BKS trên không tồn tại trong kho đăng ký của Bộ.
Từ thông tin này, có thể khẳng định BKS trên là giả, được đối tượng sử dụng để lưu hành phương tiện. Như vậy, không chỉ những xe ô tô biển trắng, mà ngay cả những chiếc xe công vụ như xe biển xanh, xe của quân đội cũng bị các đối tượng làm giả một cách tinh vi, hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Điểm chung của những lái xe sử dụng BKS giả này khi bị kiểm tra đều rất hống hách, tự vỗ ngực khoe khoang các mối quan hệ và thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Trong thời gian qua, một số đối tượng buôn lậu còn sử dụng BKS giả, BKS xanh giả để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.
Dùng logo báo chí giả để ra oai
Không những dùng BKS siêu “VIP” hoặc BKS xanh giả, hiện nay một số đối tượng còn lợi dụng danh nghĩa các cơ quan báo chí để tránh khỏi sự kiểm tra của CSGT. Thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng logo của các cơ quan báo chí tên tuổi gắn vào xe. Khi lưu thông trên đường, nếu vi phạm bị CSGT dừng lại kiểm tra, những người này sẽ lấy lý do đang đi tác nghiệp, mong CSGT “thông cảm”.
Vụ việc nổi cộm gần nhất được CAH Châu Thành, Tiền Giang phát hiện vào đầu tháng 4 vừa qua. Khi đó, phát hiện xe ô tô 7 chỗ BKS: 51F-293.47 trên xe có gắn đèn ưu tiên và nhiều logo trong đó có logo “Truyền hình Công an nhân dân ANTV - Bộ Công an” chạy với tốc độ cao, phóng nhanh vượt ẩu trên Quốc lộ 1A, CAH Châu Thành đã bố trí lực lượng chặn dừng phương tiện để kiểm tra.
Quá trình kiểm tra, lái xe ô tô tự xưng là nhà báo với thẻ nhà báo mang tên Đỗ Nguyễn Phương Lâm, SN 1981, đang trên đường đi tác nghiệp. CSGT kiểm tra, thì “nhà báo” này hù họa, ép tổ công tác phải nghe điện thoại của một ai đó. Tất nhiên, đề nghị này bị tổ công tác từ chối.
Qua kiểm tra CSGT phát hiện thẻ nhà báo trên là giả. Ngay lập tức, “nhà báo” và chiếc xe đã bị đưa về trụ sở để xử lý. Tại đây, qua đấu tranh, lái xe xuất trình giấy phép lái xe mang tên Đỗ Nguyễn Phương Lâm, SN 1981 (trú tại 431/6, đường Lê Văn Lương, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) và khai nhận các logo và thẻ nhà báo trên do một người bạn làm giúp để tiện đi đường. Nghề nghiệp chính của Lâm là lái xe dịch vụ. Sau khi lập biên bản vi phạm, tổ CSGT đã tạm giữ giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân và đèn chớp để xử lý.
Không chỉ sử dụng logo các cơ quan báo chí khi tham gia giao thông, những đối tượng này còn lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí để làm những việc vi phạm pháp luật. Mới đây, tổ công tác của Đội CSGT số 5, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội do Đại úy Đặng Hồng Giang chỉ huy làm nhiệm vụ trên tuyến Quốc lộ 5 đã phát hiện lái xe BKS: 29C - 415.02 vi phạm Luật Giao thông.
Quá trình kiểm tra, lái xe Nguyễn Mạnh Trung đã trưng ra logo của một cơ quan báo chí với đề nghị “anh em báo chí đi làm, mong CSGT bỏ qua”. Tuy nhiên, hành vi chở hàng lậu của lái xe đã bị tổ công tác kiên quyết xử phạt. Logo lái xe đưa ra cũng được làm rõ là đồ giả.
“Oách” hơn Trung là đối tượng Ngô Quang Vũ (SN 1977 ở Láng Thượng, Đống Đa). Khi bị tổ công tác 141 phát hiện, kiểm tra, Vũ rút ra chiếc thẻ có dán ảnh của mình với chức danh rất kêu là “Trưởng ban Truyền hình đối ngoại của kênh truyền hình ANTV”.
Chức danh trưởng ban này còn kiêm luôn cả đạo diễn, biên tập viên. Vậy nhưng, hành vi phi tang gói ma túy đá xuống đường của “trưởng ban kiêm đạo diễn và biên tập viên ANTV” trên đã bị 141 lật tẩy. Đối tượng thừa nhận làm giả chiếc thẻ trên để khi gặp CSGT hoặc 141 sẽ mang ra sử dụng để thoát khỏi sự kiểm tra.
Xử lý nghiêm vi phạm, bất kể là ai, xe gì
Tình trạng xe tư nhân mang BKS giả, BKS của các cơ quan công quyền và đặc biệt là gắn logo các cơ quan báo chí, Bộ Công an đã trở thành một trong những chủ đề “nóng” tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm về tình hình ATGT của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội mới đây.
Thượng tá Phạm Văn Hậu, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã phải thốt lên, “hiện nay có rất nhiều xe ô tô mang BKS tư nhân nhưng vẫn sử dụng phù hiệu của Bộ Công an, cơ quan báo chí và các cơ quan Nhà nước khác đang lưu thông trên đường gây dư luận xấu trong nhân dân. Thậm chí, người điều khiển những chiếc xe này còn gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi bị xử lý các lỗi cơ bản”.
Thượng tá Phạm Văn Hậu cho biết, đặc điểm dễ nhận thấy nhất của những chiếc logo này là dạng bìa cứng, tương đương khổ A4 in chữ Bộ Công an kèm theo BKS xe ô tô có in chéo màu đỏ theo khổ giấy là cấp cho cán bộ đang công tác trong Bộ Công an để xe thuận tiện cho công tác bảo vệ, không có tác dụng thay thế cho nhân thân người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Còn đối với xe để phù hiệu báo chí, đại diện Phòng CSGT Hà Nội cũng cho biết, đây là loại phù hiệu cấp cho xe phục vụ báo chí thuận tiện khi tham gia giao thông tùy từng kỳ cuộc như họp Quốc hội, diễn ra các sự kiện lớn… Theo quy định của cơ quan cấp phù hiệu, hết thời gian sử dụng phải thu hồi và tiêu hủy.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Cục CSGT khẳng định, Bộ Công an không chủ trương cấp những phù hiệu trên để mang tính chất hù dọa và tạo đặc quyền, đặc lợi cho bất kỳ cá nhân, tập thể nào. Nếu phát hiện đề nghị xử lý nghiêm tội giả mạo giấy tờ cơ quan Nhà nước theo đúng luật định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT, CATP Hà Nội, đầu tháng 7 vừa qua Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra những vi phạm liên quan đến phương tiện mang BKS xanh, đeo các loại phù hiệu ưu tiên vi phạm Luật Giao thông.
“Một trong nhiệm vụ trọng tâm nhằm lập lại TTATGT từ nay đến cuối năm 2016 là việc tăng cường phát hiện, xử lý những xe ô tô đeo phù hiệu Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước không hợp lệ đang lưu hành cũng như hợp lệ nhưng vi phạm Luật Giao thông. Tất cả những phương tiện vi phạm Luật Giao thông đều bị xử lý nghiêm theo quy định, không có trường hợp ngoại lệ” - chỉ huy Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội nhấn mạnh.