Chiều một ngày tháng 6, bà Dương Thị Hoài (65 tuổi, ở Nam Định) bật chiếc đài radio ra ngồi ngoài hiên nhà. Bà liên tục lấy chiếc quạt giấy phe phẩy để xua đi cái nóng hơn 40 độ C. Những ngày này, dãy nhà trọ lụp xụp nơi bà Hoài sinh sống nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội luôn nóng hầm hập không khác gì đang ở trong lò nướng.
Bà Hoài kể, trong ngõ hiện có khoảng 134 người bị suy thận nặng. Hằng ngày họ phải bám trụ nơi đây để chạy thận, có người ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Bà Hoài bị suy thận đến nay đã năm thứ 11. Cũng từng ấy thời gian bà bám trụ tại dãy nhà trọ nơi mình đang sinh sống.
“Khi tôi phát hiện bị suy thận ông nhà tôi đưa tôi lên đây chăm sóc rồi ở cùng tôi được 8 năm thì ông ấy qua đời vì ung thư. Hơn hai năm nay tôi ở đây một mình. Ông ấy bệnh tật bỏ tôi đi rồi…”, bà Hoài buồn tủi kể.
Bà Hoài cho biết, vợ chồng bà sinh được 3 người con trong đó hai người con trai đang làm trong Gia Lai, người con gái lấy chồng rồi sinh sống ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Các con ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm, động viên sức khoẻ bà.
“Các con quan tâm đến tôi lắm. Chúng nó bảo mẹ vào ở với các con. Thế nhưng tôi bệnh tật thế này đi được đâu. Tôi cũng không muốn chúng nó thêm vất vả gánh nặng vì mình, rồi còn lo cho các cháu nữa. Tôi sống ở đây một mình, cũng không dám về quê vì mỗi lần về lại tốn kém, tiền xe cộ đó để lại cũng đủ cho tôi trang trải thêm 1 tuần ở Hà Nội này”, bà Hoài tâm sự.
Bà Hoài hiện thuê trọ mỗi tháng hết 1,2 triệu đồng trong căn nhà rộng khoảng 8m2. Vì sợ mẹ vất vả khổ sở vì nắng nóng các con của bà cũng gom góp lắp cho bà một chiếc điều hoà.
Bà cười bảo: “Mang tiếng có điều hoà nhưng tiền điện 5 nghìn/số tôi không dám dùng. Đêm tôi chỉ dám bật 1 tiếng cho phòng hơi mát rồi tắt đi chứ không dám bật lâu. Tivi cũng chả dám xem vì sợ tốn điện. Các con gom góp lo cho mình tiền nhà, tiền thuốc men hàng tháng đã vất vả lắm rồi. Tôi còn đỡ chứ nhiều người trong dãy trọ không có điều hoà để dùng, cả đêm mọi người không ngủ nổi vì nóng”, bà Hoài chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Tuấn (ở Mỹ Lộc, Nam Định) có thâm niên chạy thận lâu nhất khu nhà trọ mình đang sinh sống. Ngồi rửa mớ rau nấu cơm ăn để vào viện cho đúng giờ ông Tuấn liên tục gạt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt.
Người đàn ông này kể đã có hơn 17 năm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Sau mỗi lần ở viện về ông Tuấn lại đi xe máy ra Cổng bệnh viện Tai Mũi Họng hành nghề xe ôm. Bệnh tật mệt mỏi là vậy nhưng ông Tuấn cũng luôn cố gắng kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, chữa bệnh.
“Vợ con sức khoẻ yếu giờ ở quê với ông bà ngoại. Một mình tôi ở đây, lúc khoẻ thì đi làm thêm, lúc ốm yếu thì nghỉ. Những người bị suy thận sức khoẻ yếu nên chẳng đi đâu được. Mấy hôm nay nắng nóng người thêm mệt mỏi, đau nhức. Ở trong nhà nóng hầm hập nhiều đêm không ngủ được. 1-2h sáng không ngủ nổi tôi lại đi bộ ra ngoài đường. Nhiều người cũng chung cảnh ngộ như chúng tôi, có người ngồi ngoài lâu mỏi lưng thì họ lại về nhà trọ nằm. Thế nhưng nằm trong nhà được nửa tiếng nóng quá lại đi ra”, ông Tuấn nói.
Vừa chạy thận từ Bệnh viện Thanh Nhàn trở về, khuôn mặt bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi ở huyện Văn Giang, Hưng Yên) như người mất hồn. Nắng nóng cộng thêm suy thận khiến làn da bà Thu đen sạm. Trên tay bà chằng chịt những cục hạch do bệnh suy thận để lại.
Bà Thu cười bảo, do thân hình gầy gò chưa đầy 40kg nên nhiều người gặp lần đầu thường hay nói bà bị nghiện. Thế nhưng bà cũng đã phải trải qua 15 năm chạy thận tại bệnh viện.
Do ở trong phòng nóng bức bà Thu hết ngồi ngoài vỉa hè rồi lại đi sang nhà hàng xóm bắt chuyện để quên đi cái nóng. “Thời tiết thế này mệt mỏi lắm. Cứ khoảng 8-9h tối ở xóm chạy thận này không ai bảo ai đều đổ hết ra ngoài đường ngồi. Ở trong phòng trọ ngột ngạt nên chẳng ai chịu đựng nổi. Chúng tôi ngồi đến nửa đêm ai về nhà nấy nhưng trằn trọc cả đêm. Tôi chỉ mong nắng nóng sớm kết thúc để những người bệnh như tôi bớt mệt mỏi hơn”, bà Thu chia sẻ.