Trải qua nhiều năm với những câu chuyện gắn với mồ hôi, nước mắt, sự đam mê và cả những dấn thân, đến nay, câu chuyện khởi nghiệp từ chất liệu văn hoá dân tộc vẫn còn nhiều điều đáng luận bàn. Chúng ta có thể mở rộng hơn khái niệm “chất liệu văn hoá dân tộc” trở thành “vốn dân tộc”, để thấy rằng ẩn sau một làng nghề truyền thống, một làn điệu dân ca, hay một món ăn, một tà áo mộc mạc… là những chất nền căn cước, mang theo tư duy, cốt cách và tâm hồn Việt Nam.
Chiều 21/11 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Vốn dân tộc, đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo” do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 thực hiện. Đây là cơ hội để mọi người cùng nhìn nhận về những nguồn lực vốn dân tộc còn đang bỏ ngỏ và những cách thức khai thác làm đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo.
Những vốn quý từ thiên nhiên, lịch sử, văn hóa đời sống...là tài sản chung cho hàng triệu người Việt Nam của ngày hôm qua, hôm nay. Và chúng ta được phép để dự phóng cho bối cảnh phát triển khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong tương lai gần, với những mạch nguồn mới đến từ các thế hệ trẻ...
Tại tọa đàm, PGS,TS Đinh Hồng Hải, Trưởng bộ môn Nhân học, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết, trên thực tế, chúng ta có rất nhiều loại vốn: Vốn kinh tế, vốn con người, vốn văn hóa… Ai cũng cần đến vốn để làm ăn, vốn để khởi nghiệp, vốn để duy trì, vốn để phát triển doanh nghiệp,…Vốn là cái chúng ta mưu cầu, một doanh nghiệp có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào duy trì nguồn vốn.
Là một nhà thiết kế trẻ từng khởi nghiệp và thành công bởi "vốn văn hoá dân tộc", NTK Vũ Thảo Giang cũng mang đến những câu chuyện thú vị xoay quanh hành trình này của mình.
Theo đó, NTK này đã đưa chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam lên áo dài, như thổ cẩm của người Tày, họa tiết của nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế, hay hình ảnh của những di sản được UNESCO ghi danh… Nhờ đó, áo dài không chỉ tôn vinh hình tượng phụ nữ Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá văn hóa, di sản và du lịch.
“Với nhà thiết kế trẻ không có nhiều lợi thế, dấu ấn văn hóa là vốn khởi nghiệp lớn nhất của tôi. Qua quá trình theo đuổi nghề thiết kế thời trang, vốn dân tộc, văn hóa hiện diện trong từng thiết kế. Tôi nhận ra rằng, các bạn trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều”, chị Vũ Thảo Giang tâm sự.
Cũng theo chị Thảo Giang, “vốn văn hoá dân tộc” là đòn bẩy khởi nghiệp bền vững, những những sản phẩm mang đậm yếu tố văn hóa dân tộc - không bao giờ cạn ý tưởng về các Bộ sưu tập bởi khai thác hàm lượng các yếu tố Văn hoá của Việt Nam vô cùng đa dạng. Việc gìn giữ giá trị truyền thống còn tạo ra mối liên hệ gắn kết sâu sắc giữa nhà thiết kế và những người thuộc một nền văn hóa như nghệ nhân làng nghề góp phần tạo nên sinh kế cho cộng đồng làm nghề truyền thống!
“Vốn văn hoá dân tộc” cũng tạo nên sản phẩm mang tính nghệ thuật tinh hoa có giá trị & trị giá cao. Những sản phẩm này có không chạy theo xu hướng “thời trang nhanh” - đối với thời trang thì đây là hướng phát triển xanh & bền vững.