Hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền trung đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dân Việt Nam trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Hàng loạt những bài viết kêu gọi người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, phản đối những hành động làm ô nhiễm môi trường.
Có lẽ, đó là một tín hiệu đáng mừng vì chưa bao giờ vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường lại được người dân quan tâm đến vậy.
Cảnh quan môi trường ngập tràn rác thải sau mỗi kỳ nghỉ lễ, sau mỗi sự kiện được tổ chức có lẽ không còn là hình ảnh quá xa lạ, như một chu kỳ, “đến hẹn lại lên”. Những bài chia sẻ, những dòng trạng thái trên mạng xã hội về bảo vệ môi trường trong thời gian gần đây như một thứ ánh sáng le lói trong đêm tối. Những tưởng từ đây người dân sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Nhưng, sau một kỳ nghỉ dài ngày, thứ ánh sáng đó đã bị dập tắt bởi rác và ý thức khó thay đổi của người dân.
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Sau mỗi kỳ nghĩ lễ, năm nào cũng thế, rác thải ngập tràn, cũng hàng nghìn các chia sẻ lên các trang mạng, cũng chửi, cũng lên án, nhưng rồi lại thôi vì chẳng ai còn hơi sức đâu để nói.
Cá chết dọc biển miền Trung những tưởng là một bài học đau đớn, trông thấy rõ về vấn đề bảo vệ môi trường. Hậu quả để lại của sự thờ ơ với môi trường thực sự quá to lớn, đó là điều ai cũng biết. Nhưng, vì sao rác vẫn đầy đường? Vì sao người ta rêu rao, chửi mắng những người làm cá chết kia nhưng lại vẫn vô tư xả rác làm ô nhiễm?
Bởi vì hậu quả của hành động đó chưa ảnh hưởng đến họ, xả rác xong rồi đi. Miễn là họ không phải ở gần đống rác đó, miễn là xung quanh nhà họ vẫn sạch sẽ, thơm tho, miễn là họ không bị gì hết. Vậy đấy, thờ ơ là một căn bệnh nan y khó chữa của người Việt. Khi chưa ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo, chưa ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của bản thân và người thân trong gia đình thì còn lâu họ mới chịu lên tiếng.
Nhưng để đến khi những điều đó ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo, đến tính mạng thì thực sự đã quá muộn để có thể cứu lấy tất cả. Đến lúc đó mới lại chửi, lại lên án thì chẳng còn lại gì nữa đề gìn giữ, chúng ta chỉ luôn biết đổ lỗi cho nhau mỗi khi có điều tồi tệ xảy ra. Không ai chịu suy nghĩ và tự ý thức rằng lời nói phải đi với hành động.
Cuộc sống là một vòng tuần hoàn rất dễ hiểu. Ta cho đi cái gì thì sẽ nhận lại được những điều tương tự. Người dân xả rác ra đường thì họ sẽ nhận lại được một cuộc sống với cảnh quan không đẹp mắt. Vô tư xả rác xuống biển thì sẽ nhận lại được những con cá con tôm không “sạch”. Tự chúng ta đang giết chết cuộc sống của chính mình nhưng có vẻ như không có nhiều người nhận ra điều đó.