Ở Nhật Bản, họ không hiểu “anh hùng bàn phím” là gì?
Nhật Bản là một đất nước đã phải chịu nhiều mất mát trong lịch sử và mỗi năm thiên tai như sóng thần, động đất liên tiếp như “cơm bữa”, nhưng họ vẫn rất giàu có, văn minh và phát triển. Đây là điều có lẽ mà cả thể giới đều phải công nhận.
Điều đặc biệt là con người Nhật Bản - họ luôn cân nhắc trong từng câu nói lẫn hành động của mình để làm lợi cho xã hội, hoặc ít nhất là những điều đó không trở thành gánh nặng hoặc làm hại đến bất kỳ ai. Điều này có lẽ nhiều người Việt Nam chưa biết, và có lẽ cũng đã đến lúc nên biết để học hỏi và nhìn nhận lại bản thân mình.
Không đâu xa, tinh thần trên của người Nhật Bản được thể hiện ngay trong cách mà họ sử dụng mạng xã hội hàng ngày. Họ đặc biệt không bao giờ “gây bão” hay “làm dậy sóng” bằng bất cứ thông tin nào hoặc bất kỳ một thứ gì mà họ đưa lên mạng.
Điều đáng ngạc nhiên hơn, khi hỏi từ “Keyboard Warrior” hay còn được hiểu như từ “anh hùng bàn phím” ở Việt Nam, thậm chí họ còn không hề hiểu ý nghĩa là gì, bởi đơn giản “thuật ngữ” này hoàn toàn không tồn tại ở đất nước của họ.
Lý giải điều này, người Nhật cho biết, thứ nhất là vì họ hiểu việc đưa thông tin lên mạng là một hành vi mang tính cộng đồng, và điều này có thể đem đến những tác động tích cực hoặc tiêu cực.
Thứ hai, là vì họ chỉ tin vào những người có khả năng đưa ra thông tin chính xác, hoặc những người có chuyên môn nhận định dựa trên cơ sở khoa học và thực tế.
Trang The Guardian cũng đã từng đưa ra ví dụ để minh chứng, đó là vụ việc gần 150 con cá voi mắc cạn tại Hokota, tỉnh Ibaraki vào tháng 4 năm ngoái, khi mà cả thế giới lo sợ và đồn đoán hiện tượng lạ này có thể là dấu hiệu cho một trận đại động đất sắp giáng xuống Nhật Bản thì ở trong nước, dư luận vẫn tuyệt nhiên “im ắng” và chỉ tập trung vào việc lo hậu sự cho những chú cá voi xấu số.
Trong thời điểm đó, hàng loạt báo chí nước ngoài đã liên tiếp lật lại các trận động đất kinh hoàng ở New Zealand và ở chính Nhật Bản mà trước đấy cũng xuất hiện hiện tượng cá voi chết dạt vào bờ như tương tự, cụ thể là trận động đất Christchurch và trận đại động đất ở vùng Tohoku Nhật Bản năm 2011.
Tuy nhiên, trên các mặt báo ở Nhật vẫn không hề có bất cứ sự liên hệ nào giữa việc cá voi chết và động đất, cũng như không có bất kỳ so sánh nào về sự trùng lặp với những trận động đất đã xảy ra trước đó cả.
Riêng trên mạng xã hội, chỉ cần nhen nhóm một dòng thông tin gây hoang mang là những người dân Nhật cũng ý thức cùng nhau dập tắt ngay bằng những lập luận mạnh mẽ và kiềm chế chia sẻ những thông tin, bình luận mang tính chất chỉ là “tin đồn”.
Cuối cùng, khi các chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản đưa ra kết luận nguyên nhân cá heo chết là vì bất ngờ bơi vào vùng nước lạnh, dẫn tới bị sốc nhiệt và viêm phổi thì người Nhật lại thở phào nhẹ nhõm. Truyền thông, dư luận và mạng xã hội cùng nhau chia sẻ tin mừng, và rồi sau đó thì tất cả lại phẳng lặng như mặt hồ không một gợn sóng.
Chính vì vậy, trang The Guardian mới nhận định, người Nhật họ ý thức được cả hành vi lẫn lời nói của mình trên internet, do đó họ cũng tự xây dựng cho mình những bộ quy tắc ngầm trong việc sử dụng mạng xã hội.
“Ngầm” ở đây có nghĩa là bản thân họ tự-ý-thức cái gì nên hay không nên, dù đơn giản chỉ là việc kích vào một nút like hay một nút share trên Facebook. Quan trọng là họ luôn tin vào các chuyên gia, các thông tin chính thống, các nhận định có cơ sở hơn là tin vào những thông tin vô thưởng vô phạt kiểu “từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất mọc lên” xuất hiện nhan nhản, ty tỷ hàng ngày ở trên mạng xã hội.
Đó là người Nhật Bản, còn người Việt Nam thì sao?
Chỉ một dẫn chứng cơ bản như trên đã cho thấy vì sao mà người Nhật luôn “miễn nhiễm” với những thông tin độc trên mạng xã hội, và thực sự có những khác biệt quá lớn giữa cách sử dụng mạng xã hội của họ so với người Việt Nam.
Thực tế cho thấy, người Nhật Bản khá nhạy cảm với thông tin, và sự nhạy cảm ấy xuất phát từ việc họ tự giác ý thức được rằng, chỉ cần một thông tin sai lệch cũng có thể khiến nhiều người phải trả giá.
Đối với họ, việc đất nước bốn bề giáp biển, quanh năm gặp đủ mất mát về người và của bởi động đất, sóng thần… đã là những cái giá quá đắt, và họ không muốn tự mình gây ra thiệt hại cho người dân và đất nước của mình thêm nữa.
Ninomiya, một người Nhật Bản trả lời trên The Guardian cũng nói: “Tôi không nghĩ hoặc chưa được nghe nói về một bài học chuyên biệt liên quan đến việc ứng xử trên mạng xã hội của các trường học. Tuy nhiên, hành vi ứng xử đúng mực trước những tình huống đa dạng có thể được hình thành nhờ việc người Nhật luôn được đào tạo về các kỹ năng sống trong hệ thống giáo dục của mình”.
Nhìn lại Việt Nam, mạng xã hội xâm nhập và phát triển tự nhiên một cách tự do và có vẻ như càng ngày càng mất kiểm soát, song người sử dụng không hề ý thức được những tác động của nó có sức ảnh hưởng lớn như thế nào ở ngoài đời thực.
Quan trọng là cũng không có người nào đủ tiếng nói, đủ thuyết phục để định hướng hay đào tạo được cho người Việt cách sử dụng Facebook hiệu quả và đúng đắn, trong khi sự ý thức kia vốn đã kém, nay lại còn càng ngày càng tệ đi.
Sự tự do đã khiến cho Facebook trở thành một nơi ai thích nói gì thì nói, nói cho “sướng cái mồm, đã cái miệng”, vì Facebook là nơi để tôi thể hiện quan điểm cá nhân, là nơi mọi người được tự do ngôn luận nên không ai có quyền cấm hay có thể kiểm soát được những gì mà tôi nói.
Vả lại, chẳng ai biết tôi là ai hay ở đâu, và tôi có nói gì trên cái mạng ảo này đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo” của người nào cả.
Chính quan niệm sai lệch này đã khiến cho người Việt thể hiện cái tôi của mình ngày càng quá đà, thậm chí quá lố, thậm chí còn được được nâng lên như một cách để người ta hành động vì chính nghĩa, vì nhân ái. Hoặc lãng xẹt hơn chỉ là cách để mà họ xả stress hàng ngày cho… đỡ buồn!.
Họ ngày càng trở nên “ác mồm ác miêng” hơn, những câu chữ ngày càng trở nên mạnh bạo đến mức tàn nhẫn, cảm giác như những gì độc ác nhất, thú tính nhất ở bên trong mà người ta che đậy đi khi sống ngoài đời thực cũng đều được Facebook “khai thác” đến bằng sạch.
Mặt khác, cách sử dụng Facebook của cộng đồng mạng Việt Nam cho thấy một thực tế là người Việt có đặc trưng là phản ứng với thông tin theo kiểu “bầy đàn” chứ không phải là đoàn kết, thống nhất như người Nhật hay những người dân của những nước văn minh khác.
Bầy đàn ở đây là sự nhận thức theo bản năng là đi theo ý kiến quan điểm số đông mà không hề suy xét về mức độ tin cậy, chính xác của thông tin, trong khi đó trên mạng xã hội, những trường hợp đa số sai thiểu số đúng không còn ít, và cũng đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại mà không còn muốn nêu thêm ở đây nữa.
Mức độ thiệt hại ngoài đời thực có thể nhân lên từ mức độ sai lệch, thất thiệt của những tin đồn với mức độ “bày đàn” dữ dội của cộng đồng sử dụng mạng xã hội đối với thông tin đó.
Trong khi vẫn có những kẻ sống theo phương châm “câu like “mài” ra ăn” để tung tin giật gân gây sốc, tạo hoang mang dư luận, những “bầy cừu lú lẫn” thì chỉ biết im lặng bấm nút like, share và những “anh hùng bàn phím” cho mình là số hai thì không ai là số một.
Tự đề kháng tin độc - Tự bảo vệ mình
Khốn nỗi, để thay đổi được ý thức của cả một cộng mạng bây giờ là điều còn khó hơn cả hái hết sao trên trời xuống đất. Chỉ có cách mỗi người dùng phải tự ý thức và dần kiểm soát hơn những câu chữ của mình trước khi gõ phím.
Nhất là nên cân nhắc, chắt lọc lấy những thông tin thực sự có ích cho xã hội, hay những thông tin đã được xác minh, kiểm chứng rõ ràng rồi hẵng bấm nút thích hay chia sẻ.
Sống nhanh nhưng không có nghĩa là phải sống vội, nên trước bất kỳ một thông tin nào xuất hiện trên Facebook, chúng ta nên tiếp thu có chọn lọc, và nên nghe những thông tin xuất phát từ những nguồn chính thống, đừng để dễ bị kích động và bị “dắt mũi” như những con cừu ngây thơ.
Mặt khác, ngay cả phía cơ quan quản lý cũng cần phải có những biện pháp xử lý thật nhanh chóng đối với những thông tin độc hại trên mạng xã hội để phòng tránh hậu quả tác động về sau.
Hơn nữa cũng cần phải thông tin lại cho cộng đồng một cách chân thực, khách quan nhất để định hướng dư luận theo mặt tích cực, và quan trọng là phải tạo được niềm tin trong lòng mỗi người như mỗi viên gạch xây nên bức tường rào chắc chắn, để cộng đồng Facebook của người Việt Nam trong tương lai sẽ không còn những kẻ xấu đi chăn cừu và những bầy cừu lú lẫn chỉ biết bấm nút like, share một cách vô hồn nữa.