Mới đây, nhiều trang mạng liên tục chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh hò zô, chúc tụng nhau trên bàn nhậu và uống rượu như uống nước lã. Mỗi một lần 1, 2, 3 zô, 1, 2, 3 uống là cốc rượu nào cũng cạn sạch. Cứ như thế vài trận mà chẳng nữ sinh nào hề hấn gì.
Chuyện nhậu nhẹt thì không mới lạ nhưng việc nữ sinh cũng buông mình, uống thả ga khiến ai nấy đều mắt tròn, mắt dẹt. Chẳng ai đồng tình trước việc dùng rượu để chứng tỏ sự mạnh mẽ, bình đẳng của cánh chị em. Xem xong đoạn clip, tất cả đều ngán ngẩm.
Tưởng rằng clip trên chỉ là trường hợp điển hình. Thế nhưng, trong một buổi chiều, khi dạo quanh các xóm trọ của sinh viên, chúng tôi cũng được nghe thêm biết bao câu chuyện cười ra nước mắt từ những “nữ bợm nhậu” khét tiếng.
“Khoác áo bợm nhậu”, tuần đôi ba lần tu luyện “tửu lượng thần công”
Ở xóm trọ của Tâm (Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội), ai cũng nể sợ cô vì tài uống rượu. Mỗi lần xóm trọ liên hoan, Tâm đều chủ động rủ các bạn uống rượu, những gợi ý liên quan đến bia hay nước ngọt, trà đá đều bị gạt ra lề.
Xóm trọ có tất cả 3 nam, 7 nữ. Trong khi mấy chàng thanh niên đã gục trên bàn rượu thì Tâm vẫn chưa hề hấn gì. Từ xóm trọ cho đến lớp học hay ở chỗ làm thêm, Tâm đều được mọi người tấn phong danh hiệu “Tâm bợm nhậu”. Nhiều người nghĩ, khi gọi như vậy cô sẽ thấy tức giận nhưng trái lại, cô có vẻ rất đắc ý với biệt hiệu được bạn bè phong cho.
“Nhà mình nấu rượu nên từ bé mình đã quen với hơi men. Mẻ rượu nào mình cũng nếm thử nên bây giờ có thể uống mãi mà không say”, Tâm chia sẻ.
Cùng hội với Tâm còn có thêm 4 người khác hợp thành hội “ngũ đại cô nương” sành sỏi chuyện chè chén. Mồi nhậu không cần phức tạp nhưng rượu nhất định phải ngon. Mỗi lần tiệc rượu, các bạn thường chọn rượu ngô, táo mèo, mơ hay dừa để thách đố nhau. Theo họ, những loại rượu này dễ uống nhưng “ngấm sâu”. Khi đã say thì say đến rụng rời.
Nữ sinh nhậu thì chẳng cần bàn chuyện thế sự hay mục đích giao lưu như cánh mày râu. Gặp nhau, hợp chuyện là nhậu, vui cũng nhâu mà buồn cũng nhậu, mua áo mới, sinh nhật, ra mắt bạn trai, chia tay người yêu… cũng nhậu nốt.
“Học giỏi, bảng điểm có chói lòa cũng không sánh được tửu lượng đong bằng lít. Uống rượu giỏi, cánh con trai mới sợ“, Thanh (bạn nhậu của Tâm) chia sẻ. Nhóm của Tâm oanh tạc nhiều tiệc rượu, đi đến đâu cũng quyết đấu, hạ gục tất cả những ai có ý định huênh hoang, khoe thành tích nhậu nhẹt.
Không nghiện rượu như hội nhóm của Tâm nhưng Huệ (sinh viên ĐH Hà Nội) cũng nổi danh khắp xóm trọ vì tài uống rượu. Tuần nào, cô nàng cũng phải đôi ba lần uống để tu luyện “tửu lượng thần công”.
“Xóm trọ mình lúc nào chả có rượu. Chỉ một đĩa táo, một gói bánh bích quy rẻ tiền cũng đủ nhậu cả tối”, Huệ kể. Ngoài say xỉn ở phòng trọ, các chị em còn thường xuyên rủ nhau ra ngoài, ngồi ngay quán thịt cầy, lẩu nướng vỉa hè mà chén chị, chén em, mặc kệ ai rèm pha, soi mói.
Phía sau giờ phút thăng hoa trên bàn nhậu là những hậu quả đắng lòng
Trên bàn nhậu, ai cũng vui vẻ nói cười nhưng khi bữa tiệc tàn canh cũng là lúc họ chìm vào những cơn say sống dở, chết dở. Con gái khi say trông còn bê tha hơn nam giới. Họ, những cô gái mặt bôi son, chát phấn bị nhòe nhoẹt, đầu tóc rũ rượi và nôn thốc, nôn tháo.
Tâm kể trước đây cô từng yêu một người nhưng sau dăm lần đi nhậu say, anh chàng cũng sợ hãi mà chạy mất dép. Tuy nhiên, thay vì buồn khổ, nữ sinh này lại tiếp tục nêu cao khẩu hiệu: “Đàn ông mà sợ rượu thì không đáng mặt đàn ông“.
Say rượu rồi bỏ học, quên thi là chuyện bình thường. Trong nhóm Tâm, Thanh là người bê tha nhất vì tửu lượng kém nhất hội nên thường vì rượu mà ngủ quên, trễ giờ lên lớp. Số môn học bị nợ của cô theo thời gian, cứ tăng dần đều.
Một cuộc nhậu vui trong xóm trọ của Mỹ An (sinh viên ĐH Thăng Long) cách đây 3 tháng đã biến thành cuộc ẩu đả. Sau khi say sưa, một bạn nam trong nhóm đã giở trò “yêu râu xanh” khiến các chị em phẫn nộ. Cả nhóm nữ sinh quây lại hò hét, đánh lộn chỉ để tìm ra “đứa nào đã đụng vào người tao”.
Huyền (nữ sinh ĐH Giao thông Vận tải) chia sẻ, trước đây cô từng ham mê rượu chè nên giờ mặt nổi nhiều mụn, gan suy yếu và đau dạ dày. “Sinh viên không có tiền nên đi nhậu ăn uống không tử tế, có lúc còn nhậu chay nên say khướt và lâu dần sinh ra đau dạ dày“.
Khổ sở hơn là nhiều bạn nữ vì mang tiếng “bợm nhậu” mà bị bạn bè xa lánh. Thúy Vi (sinh viên ĐH Sân khấu & Điện ảnh) kể lại, ban đầu, mỗi bữa tiệc liên quan, tụ tập, bạn bè thường rất hay rủ cô đi cùng. Tuy nhiên, chỉ sau vài lần đọ ván tửu lượng, ai nấy đều sợ.
“Bây giờ cuộc vui bạn bè mình ít được tham gia, mọi người nói nếu đi mà vui vui uống thêm chén rượu, có mình ở đó thì mất vui vì sẽ bị kích uống tới say chết điếng. Nghe vậy mình buồn lắm“.
Sau nhiều lần bị bạn bè gièm pha, Vi cũng cố gắng cai thói nhậu nhẹt, chè chén. “Nhưng uống thì dễ mà cai thì khó. Mình cũng nghe bạn bè hay hù dọa, đi uống rượu say rồi bị tai nạn hay bị cưỡng bức tập thể… cũng thấy sợ lắm nhưng vẫn chưa cai được hẳn. Nhiều lúc vui vui lên lại uống quá chén“, nữ sinh than thở.