Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Từ lời xin lỗi của Hoàng Thùy Linh đến cái chết của nữ sinh bị phát tán clip hôn bạn trai: Đừng ném đá đến chết kẻ đáng ra cần được bảo vệ

"Hãy luôn nhớ rằng, không chỉ những đứa trẻ mà ngay cả bạn cũng có thể trở thành nạn nhân của mạng xã hội. Khi đó, liệu bạn có tự tin ngẩng cao đầu đối mặt với tất cả sự hiếu kì, lan truyền, bàn tán, lăng mạ, như cách bạn đang làm với người thân xung quanh bạn?", thầy Duy viết.

Những ngày qua, cư dân mạng chưa kịp nguôi ngoai vụ nữ sinh tự tử sau khi lộ clip hôn nhau trong lớp thì việc sản phụ cùng thai nhi tử vong sau khi áp dụng phương pháp sinh con “thuận tự nhiên” dấy lên hồi chuông về việc sử dụng mạng xã hội sao cho đúng.

Ngay sau khi dư luận đang sục sôi vì những điều trái khoa học, sai sự thật hay xâm phạm đời tư bị kẻ gian đăng tải trên mạng xã hội, bài viết nói về việc sử dụng facebook đang gián tiếp làm hại người thân thu hút sự chú ý.

Mở đầu bài viết, tài khoản D.T cho biết bản thân phẫn nộ vô cùng khi đọc tin nữ sinh tự tử vì clip hôn bạn trai bị tung lên mạng. Chính kẻ tung ảnh đã đưa cô bé lên đoạn đầu đài nhưng kẻ cầm gươm giáng xuống lại không ai khác chính là những người xung quanh.

Những người đứng trước thi thể cô bé có thể đang tiếc nuối, bàng hoàng, thương khóc hay hoang mang thì cũng không thể thay đổi một sự thật là bàn tay họ đã nhuộm máu người chết“, tài khoản D.T đau xót viết.

Ảnh minh họa.

Vụ việc trên khiến chủ nhân bài viết nhớ đến scandal của ca sĩ Hoàng Thùy Linh cách đây 10 năm. Khi ấy, ở khắp nơi mọi người đều bật bluetooth để người khác gửi clip “mây mưa” trên. Thậm chí, ở tiệm game xung quanh trường đều tải clip về và lưu trên màn hình máy tính.

Một cơn bão rơi xuống trường cấp 2 của mình. Chúng được đem ra bàn tán, bình phẩm trong một thời gian dài. Sau đó, Hoàng Thùy Linh phải lên sóng VTV xin lỗi, sự nghiệp gián đoạn 10 năm. Lúc đó vì bị cuốn theo hàng tỉ lời chê bai nên mình đã lên án kịch liệt Hoàng Thùy Linh và cho rằng cô ấy nên biến mất khỏi showbiz vì việc làm “dơ bẩn” trên.

Nhưng sau này nghĩ lại, mình nghĩ khác.

Thứ nhất, tại sao Hoàng Thùy Linh phải xin lỗi? Lỗi của cô là gì? Cô phải xin lỗi ai cho việc đó? Khi đoạn clip được quay lại, cô và bạn trai đã trên 18 tuổi, đó là một việc xét về pháp luật không có gì là sai cả. Mặt khác, chỉ vì điện thoại bị mất mà thông tin rò rỉ, cô cũng không phải là người tung ra đoạn clip.

Thứ hai, trong câu chuyện này, Hoàng Thùy Linh là nạn nhân. Cô đã bị xâm hại quyền riêng tư một cách trắng trợn, tàn nhẫn đến tận cùng. Cô đã phải chịu tất cả sự thóa mạ tồi tệ nhất về nhân phẩm. Cô đã phải chứng kiến những điều riêng tư nhất của mình bị phơi bày ra cho thiên hạ bình phẩm như một món hàng. Nhưng những gì truyền thông quan tâm là “thuần phong mỹ tục” - một ảo ảnh không hơn những nhãn dán và định kiến trong đầu óc u tối của chúng ta.

Người ta muốn ném đá đến chết kẻ đáng ra cần được bảo vệ

Nhìn một Hoàng Thùy Linh đầy thành công bây giờ, mình cảm thấy cô đã quá mạnh mẽ và đáng khâm phục, ít nhất cô không để đám đông vô tri đó giết chết mình. Nhưng cô bé vừa tự sát, thì không. Và nếu bạn từng bấm một nút like, một nút share, thậm chí từng kể với ai về tấm hình bị lan truyền thì bạn đã nhuốm máu của một mạng người.

Chúng ta đã bước sang năm 2018 nhưng cách phản ứng trước một tấm hình hay một đoạn clip nhạy cảm của ai đó trên mạng y hệt như cách phản ứng với cuộc khủng hoảng truyền thông của Hoàng Thùy Linh 10 năm trước. Rất nhiều đứa trẻ đã chết vì chọn cái chết sẽ dễ chịu hơn phải đối mặt với búa rìu dư luận. Nhưng chúng ta không học được điều gì cả.

Chúng ta không bao giờ chịu hiểu người bị tung đoạn clip nhạy cảm lên mạng là nạn nhân. Họ đã bị xâm phạm quyền riêng tư, bị khủng bố về tinh thần và bị chà đạp về nhân phẩm. Họ không phải là người có lỗi. Họ là người cần được cứu giúp và cần được bảo vệ”.

Ảnh minh họa.

Chúng ta phải hiểu thời đại này đã khác, môi trường mạng đã trở thành đời sống thứ hai song song với đời sống cơm áo gạo tiền. Và con trẻ đứng trước vô vàn nguy cơ. Đã bao giờ chúng ta trang bị cho chúng đủ nhận thức về những nguy cơ mà chúng phải đối mặt? Đã bao giờ chúng ta để ý và lường trước những nguy cơ đó? Đã bao giờ chúng ta giáo dục chúng về sự an toàn trên mạng? Nếu chưa thì lỗi trước hết là ở chúng ta.

Vì vậy, khi khủng hoảng nổ ra, phản ứng ngay lập tức không phải là phán xét hay trách mắng, mà phải là trấn an. Chuyện xảy ra và cơn bão truyền thông sẽ xảy ra, nhưng ngay bây giờ con em chúng ta đang vô cùng hoảng loạn. Nếu ta không can thiệp kịp thời - chúng sẽ tìm đến cái chết. Điều tiếng xã hội có quan trọng hơn sinh mạng của một đứa trẻ?

Về việc lan truyền thông tin đó, bản tính bầy đàn của con người trên mạng ảo là điều không thể tránh khỏi. Ở trên mạng, cái mà người ta tiếp xúc thực ra là một cái màn hình và vô vàn thông tin. Trên biển thông tin đó, người ta quên mất những điều mình làm tác động đến đời sống và sinh mạng của một con người có thật. Đám đông trên mạng là một đám đông vô tri và tàn nhẫn….

Đừng biến mình thành một mắt nối lan truyền thông tin. Đừng like, đừng share và đừng bàn tán, nếu thực sự bản thân mình không thể đưa ra được một giải pháp đàng hoàng. Cuối cùng, hãy nhớ tất cả chúng ta đều là những “nạn nhân dự bị” của mạng xã hội. Nguy cơ bị phát tán thông tin cá nhân mà mình không mong muốn xảy ra với bất kì ai, ngay cả khi bạn không sử dụng mạng xã hội….

Hãy luôn nhớ rằng không chỉ những đứa trẻ mà ngay cả bạn cũng có thể trở thành nạn nhân. Khi đó, liệu bạn có tự tin ngẩng cao đầu đối mặt với tất cả sự hiếu kì, lan truyền, bàn tán, lăng mạ, như cách bạn đang làm với người thân xung quanh bạn? Hãy tỉnh táo! Đừng là một kẻ giết người. Giết người vô tri cũng đáng sợ không kém gì việc cố sát”.

Thầy giáo ngữ văn chia sẻ hình ảnh ám chỉ nhiều người tự vẫn vì facebook cùng với bài viết.

Được biết, bài viết nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên là của thầy Trần Lê Duy, một giáo viên Ngữ văn tại TP.HCM.

Thầy Duy cho biết: “Là một người giáo viên, mình luôn quan niệm học trò phải được bảo vệ. Chúng có thể phạm sai lầm, có thể trả giá và sửa sai nhưng trước hết chúng cần được bảo vệ. Nhưng hiện nay, tôi thấy mọi người đang nhìn nhận sai về các hiện trường trên mạng. Định kiến che mắt mọi người, lẽ ra họ phải thấy những đứa trẻ bị tung thông tin lên mạng là nạn nhân thì ngược lại chúng bị gán ghép vô số tội lỗi.

Sự thóa mạ là 1 cách trừng phạt người ta đến chết nhưng “kẻ tội đồ” thực ra có tội gì, trong khi xét về pháp luật, họ lại là nạn nhân? Sau khi đọc xong bài báo nói về hiện tượng các bạn trẻ tự tử vì sức ép dư luận khiến mình đau lòng. Đau lòng hơn là chúng lặp đi lặp lại và không có sự biến chuyển”.

Đặc biệt, thầy Duy nhấn mạnh nguy cơ thành nạn nhân của mạng xã hội có thể xảy ra với bất kỳ ai. “Khi tìm hiểu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng truyền thông, tôi nhận ra đó là nguy cơ tiềm ẩn không chừa một ai. Vậy khi đó, ta phải làm gì để bảo vệ chính mình và những người thân? Mong rằng bài viết sẽ chia sẻ một góc nhìn để đầu tiên là học trò sau là mọi người hiểu được nguy hiểm của môi trường mạng”, thầy Duy chia sẻ thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Quỳnh Hoa

Được quan tâm

Tin mới nhất