Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Từ em bé trần truồng trong giá rét đến cậu bé đạp xe không phanh xuống Hà Nội thăm em: Khi hành trình được nối tiếp bởi lòng tốt xa lạ!

Và chẳng lâu nữa đâu, trong thước phim về tấm lòng cao đẹp giữa con người với con người, sẽ có thêm câu chuyện tươi đẹp của Vàng Thị Pàng và Vì Quyết Chiến.

“Đi về đâu? Đi Hà Nội á? Đi Hà Nội làm gì?”

Chiếc xe khách chạy tuyến Sơn La - Hà Nội đang trên đà lao dốc Quy Hậu (thuộc địa phận huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) lúc trời vừa nhá nhem. Khi ánh đèn pha quét sang đường, tổ tài xế giật nảy mình. Trong bóng đêm, một cậu bé tí hôn đang cố chìa những ngón tay lấm đất, như vẫy gọi, như cầu cứu sự giúp đỡ. Cầm đèn pin lên, leo xuống xe, anh Lê Văn Tuyến rọi về phía chiếc bóng nhỏ, cất tiếng hỏi: “Đi đâu vậy?”.

Lò dò bước ra từ khoảng đen, Vì Quyết Chiến cố gồng mình dắt theo chiếc xe đạp địa hình nhỉnh hơn người em tí xíu. Chiếc áo len mỏng đã thấm sương, trĩu xuống nặng nề. Bằng đôi mắt tròn xoe, Chiến ngước nhìn. Sự quan tâm của một người lạ chưa bao giờ nằm trong suy tính của Chiến suốt 5 giờ đồng hồ đạp xe vượt qua hàng chục con đèo dài. “Cháu đi Hà Nội” - em đáp theo phản xạ.

“Đi Hà Nội á? Đi Hà Nội làm gì?”

Chiến ngất xỉu vì đạp xe đường dài, vượt qua nhiều đèo, dốc.

Sau khi đưa Chiến lên xe, tổ tài xế lấy ít đồ ăn còn lại cho em ăn, cậu bé ngủ thiếp đi trên một bằng ghế trống. Tài xế Lê Văn Tuyến săm soi lại chiếc xe dã chiến “nom đã rũ mệt” như Chiến. Không thể nào. Anh sửng sốt. Phanh hư, chuông nín thinh, và con xe lỏng lẻo ốc vít như một thứ đồ chơi con nít. Vậy mà cậu bé đã vượt qua những con đèo? Chiến đã dùng cái đé dép đã mòn vẹt vào đường để hãm tốc độ mỗi trượt xuống một con dốc, chẳng trách Vì Quyết Chiến đôi lúc lại ngó xuống chân một lần.

Đoạn chở Chiến qua bến xe Mỹ Đình, gặp bố là Vì Văn Nam, cả gia đình ôm nhau oà khóc. Anh Tuyến không đồng ý nhận tiền cảm ơn, chỉ nhìn cậu bé người Thái nhỏ xíu xiu rồi thở dài: Xe đứt hết phanh rồi, cố gắng thay lấy cái xe mới mà đi học. Trước đó, anh rất lo Chiến sẽ bị sốc nhiệt rồi ngất xỉu vì mệt. May mắn là chỉ cần nghỉ ngơi, Chiến đã lấy lại sức.

Vượt qua những con dốc bằng chiếc xe không phanh, Chiến phải dùng chân làm phanh khiến đôi dép rách nát, chân sưng vù.

Chiếc xe đạp không chuông, không phanh của Vì Quyết Chiến đã thực hiện một hành trình còn dài hơn cả những cung đường Tây Bắc ngoằn ngoèo, nơi trắc trở khúc cua tay áo nếu Chiến lỡ tay, mệt… tôi không còn dám chắc chuyện gì sau đó nữa.

Cậu bé đã mất 5 tiếng đồng hồ để nhận ra mình đang gặp nguy. Và em cũng chỉ cần một đêm để nhớ mãi gương mặt chú phụ xe đưa em tới Hà Nội, hay vị bác sĩ khoa Gan Mật của viện Nhi Trung Ương mua tặng em đôi dép, tài trợ lộ phí cho bố con em về Sơn La.

Chuyện của Chiến, nhiều người quan tâm lắm! Lời ra - người ta cảm phục vì ý chí mãnh liệt, tình thương “anh em cột kèo” của cậu anh trai lúc dỗ dành: “em mau khoẻ về chăn bò với anh…”. Lời vào - người ta rùng mình vì những nguy hiểm cậu bé 13 tuổi có thể gặp phải khi điều khiển chiếc xe đạp cà tàng băng qua quãng đường 103km đầy hiểm trở. Người lớn, chào thua.

Nhưng, vượt trên cả lòng gan dạ đầy dại dột, Vì Quyết Chiến đã quá may mắn. Nếu không vô tình gặp được lòng tốt xuất phát từ những ánh nhìn dò xét đầy xa lạ, chuyện tồi tệ nhất đã có thể xảy ra với em.

Sau bao khó khăn, Chiến đã tới Hà Nội và thỏa nguyện được thăm em trai bị ốm.

Hoá ra, cuộc đời là một chuỗi những điều diệu kì, khi những lòng tốt xuất phát từ cái nhìn xa lạ lại chính là thứ giúp Vì Quyết Chiến vượt khỏi cơn hoạn nạn. Thật may, khi anh Lê Văn Tuyến đã để ý thấy cái bóng nhỏ yếu ớt vẫy tay nơi những làn xe chạy. Thật may, khi anh Tuyến đã mạnh dạn gạt qua cảm giác lo sợ bị biến thành “kẻ bắt cóc trẻ em” qua miệng người đời, quyết định viết nốt hành trình tới thăm em của cậu bé nghèo người Thái.

Vì Quyết Chiến từng mờ mịt trước nỗi sợ ẩn tàng đằng sau con đường quanh co che lấp bóng hình bản làng. Nhưng những người biết tới câu chuyện của em, trực tiếp giúp đỡ em hoàn thành đích đến chuyến đi của mình, họ đều sợ. Lòng trắc ẩn giữa con người với con người, lòng đồng cảm giữa những bậc làm cha làm mẹ, đã khiến nỗi sợ nở rộ thành phép màu, tạo nên tình thương giữa những cá nhân xa lạ.

Mẹ bé Vì Quyết Chiến lo lắng khi hay tin con đạp xe đường dài để lên thăm mình và con trai út.

Tìm đủ mọi cách đưa Quyết Chiến về đoàn tụ gia đình khi công việc vất vả còn nhiều dở dang, đó là nỗi sợ của anh Tuyến khi lo lắng cậu bé bơ vơ nơi vệ đường. Chung tay mua cho Quyết Chiến một chiếc xe đạp mới, dặn dò em đừng liều mình thêm một lần nào nữa, đó là nỗi sợ của các nhà hảo tâm khi nghĩ đến cảnh cậu bé lại nảy ra ý nghĩ bốc đồng trên chiếc xe không phanh. Lan truyền rộng khắp thông tin về Quyết Chiến, tới thăm và gửi gia đình em những lời chúc bình an, đó là nỗi sợ của cả cộng đồng khi e ngại câu chuyện đầy cảm động của cậu bé nghèo bị lu mờ bởi vô vàn những “thông tin bong bóng” trên mạng xã hội mỗi ngày.

Câu chuyện này, sẽ còn được viết tiếp bởi những người xa lạ nhưng lại cảm chung một nỗi sợ không tên.

“Làm gì ở đấy vậy? Sao không về mặc quần áo vào đi!”

Vị tài xế chở hàng cất tiếng hỏi. Trước mặt anh, một cô bé nhỏ thó, trần truồng ngồi chơi trên nền đất buốt giá. Cái lạnh tháng 12 của huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) xuyên qua từng thớ thịt, rét run. Cái lạnh khiến người lớn như vị tài xế còn dè chừng nửa muốn bước xuống, nửa thôi khi nhìn thấy cô bé. Thế nhưng, cái lạnh chẳng thế làm đông cứng nét mặt hồn nhiên vô tư lự ấy. Thương cho đôi chân tật nguyền của Pàng, người tài xế chẳng biết làm gì ngoài tặng em một quả cam xót lại trên xe. Pàng vui lắm, em nhoài người ra đón lấy món đồ chơi đặc biệt, như thể cả cuộc đời em, chưa bao giờ nhận được thứ gì tuyệt vời đến thế.

Thế rồi, đêm đó, vị tài xế đăng clip lên mạng xã hội, vắn tắt kể lại câu chuyện gặp trên đường. Bức ảnh truyền tay qua tay, rồi lan rộng ra cả một thế giới ảo. Cũng đêm đó, cách Mường Lát hơn 1.500 cây số, đôi vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Phương và anh Huỳnh Quốc Tín lặng đang lẩm nhẩm số tiền cần để mua chiếc xe mới cho gia đình. Thế rồi, thấy clip cô bé trần truồng trong giá rét, chị Phương khóc. Họ gạt bỏ ngay ý định ban đầu và xách đồ lên đường trong đêm. Họ lặn lội lên Mường Lát, quyết định nhận nuôi bé Pàng cũng vào những ngày tháng 12 ấy.

Bé Vàng Thị Pàng.

Cuộc sống thiếu thốn đủ đường nên ngoài dị tật ở chân, Pàng còn mắc rất nhiều vấn đề khác về sức khỏe. Không thể bỏ mặc em bé đáng thương trong cơn đau yếu bệnh tật, chị Phương (khi ấy đang mang thai em bé thứ 3) đã dồn mọi tâm sức, cùng các thành viên khác trong gia đình giúp Pàng khỏe lại.

Tại một nơi xa lạ, Pàng được tập làm những thứ nhỏ nhất, từ cầm thìa, cầm đũa, tới chuyện xúc từng muỗng cơm ăn… Không muốn chăm sóc một đứa bé thiếu thốn bằng cách đưa tiền, vợ chồng chị Phương giữ vững quan điểm khi dùng tình thương để bao bọc em.

Ngày qua ngày, bằng lòng trắc ẩn, tình thương và hy vọng mà cha mẹ nuôi ủ ấm, Pàng dần lớn lên. Em quen với cuộc sống mới, sức khỏe cũng có những cải thiện đáng kể. Vào tháng 3 năm 2018, hình ảnh Vàng Thị Pàng bắt đầu biết đi những bước đầu tiên trên đôi chân của mình được chia sẻ trên mạng xã hội, khiến những người quan tâm tới em bé vùng cao này không khỏi cảm động.

Gia đình thứ 2 của em bé Mường Lát.

Từ một em bé từng một thời chẳng biết sợ cái lạnh cắt da cắt thịt, giờ Pàng đã nhận ra thế nào là hơi ấm của áo quần, của tình thương. Em đã được đi học, đã biết “thương em gấu bông trong nhà”, đã biết gọi tên từng người trong gia đình mới.

Tấm lòng của vợ chồng chị Phương anh Tín, ngẫm ra, cũng xuất phát từ một nỗi sợ: Sợ em bé Vàng Thị Pàng không thể tiếp tục chịu đựng thêm giá lạnh vùng cao trong cảnh không mảnh vải che thân. Sợ em sẽ lịm đi mãi mãi vì những nỗi đau do bệnh tật dày xéo. Sợ lại có thêm một mảnh đời nữa gục ngã không lành lặn giữa cái nghèo đói của núi rừng.

***

Tại quê nhà của bản làng Bống Hà, Vì Quyết Chiến ngồi giữa vòng vây của bạn bè lẫn những người quan tâm từ tứ xứ kéo về. Em vừa được một chủ cửa hàng xe đạp ở Sơn La tặng chiếc xe đạp mới, thay thế cho chiếc chiến mã cũ. Một đại diện công ty bảo hiểm cũng tới tặng thêm em chiếc xe nữa. Tuy vậy lần này, em quyết định nhờ thầy cô, trường lớp chuyển lại món quà ấy cho bạn học khác có hoàn cảnh khó khăn giống mình.

Điều Vì Quyết Chiến quan tâm nhất, không phải là xe đạp. Ấy là đứa em bé bỏng đang điều trị trên Hà Nội kia. Mà Chiến hứa với bố rồi. Chiến sẽ xem ảnh của em chứ không dại dột lao ra quốc lộ nữa. Chiến đã hiểu thế nào là nguy hiểm, thế nào là tấm lòng giúp đỡ của những người “ngoài bản”. Thật kì lạ!

Trước đó, không ai biết em là ai, không ai rõ câu chuyện của em thế nào. Nhưng chỉ cần thấy em bơ vơ giữa đường quốc lộ, hàng chục người sẵn sàng tìm cách giúp đỡ. Giờ đây, em cũng đang tìm cách lan toả sự tương trợ này tới những người đồng cảnh ngộ khác.

Chiếc xe đạp không phanh Chiến dùng để vượt quãng đường hơn 100km từ Sơn La về tới Hòa Bình.

Cách Vì Quyết Chiến 1.700km, Vàng Thị Pàng nở nụ cười rạng rỡ trong chiếc váy công chúa màu hồng. Hai tay em chắp lại. Mắt nhắm khẽ, Pàng chu miệng thổi tắt nến cắm trên chiếc bánh sinh nhật mừng 7 tuổi. Có lẽ trong tâm trí cô bé tật nguyền, lần đầu tiên một nguyện ước đang mong đợi được thành hình.

Sau hơn một năm về sống với gia đình mới, Pàng thay da đổi thịt mau lẹ lắm! Không chỉ chăm sóc Pàng, anh Tín và chị Phương còn bỏ tiền vận động kinh phí để xây nhà cho người bà đã hơn 80 tuổi của Pàng. Sau khi ông và người mẹ ruột mắc chứng tâm thần của Pàng qua đời, cụ một mình nuôi 3 người cháu. Sự tương trợ này, cũng xuất phát từ những ánh nhìn vốn xa lạ mà ra.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cha mẹ nuôi giúp bé Pàng đi lại được.

Sau này khi nhận thức được rõ ràng hơn, có lẽ Pàng sẽ cùng cha mẹ nuôi viết tiếp những câu chuyện “cổ tích ngoài đời thực” khác. Mặc dù chặng đường của chính em vẫn còn dài và khó khăn, nhưng Pàng sẽ chẳng bao giờ cô đơn khi bên cạnh em là biết bao người quan tâm và yêu thương.

Khi sự chú ý của dư luận đã dịu dần, Vì Quyết Chiến hay Vàng Thị Pàng rồi cũng sẽ trở về nhịp sống thường nhật, đi tiếp hành trình cuộc đời qua lăng kính riêng mình. Người ta có thể quên 2 em ngay. Thế nhưng đâu đó, vẫn sẽ có người mong Quyết Chiến không còn bốc đồng đạp xe băng qua quãng đường hơn 100km đường dốc trập trùng đèo nữa. Đâu đó, vẫn sẽ có người dõi theo từng dấu mốc trong hành trình tập đi, tập viết, tập nói tiếng Kinh của Vàng Thị Pàng, sẽ mỉm cười khi nhìn lại tấm ảnh cô bé dân tộc cười ngây ngốc trong giá lạnh, để rồi mong điều đau lòng ấy sẽ mãi mãi là quá khứ.

Vì chúng ta đều mang trong mình những thiên thần.

Và rồi chẳng lâu nữa, trong thước phim về tấm lòng cao đẹp giữa con người với con người, sẽ có thêm những câu chuyện sáng ngời hơn nối tiếp Vàng Thị Pàng và Vì Quyết Chiến. Dẫu có thể, những đoạn phim ấy sẽ lại được viết nên từ nỗi sợ, cháy âm ỉ và bùng lên thành ngọn lửa tình thương…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Trần

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm