“Trận sóng thần ở Indonesia xảy ra vào khoảng 4h30 ngày 23/12 tại các khu vực Pandeglang, Serang và Nam Lampung, một phát ngôn viên của Cơ quan thảm họa Indonesia mới đây cho biết, tính đến hiện tại, có ít nhất 373 người đã chết. Có 1459 người bị thương, và hiện vẫn còn 128 người mất tích,” phát ngôn viên của cơ quan theo dõi thảm họa, Sutopo Purwo Nugroho nói trong một tuyên bố.
Thảm họa sóng thần ở Indonesia tăng lên gần 400 người tử vong.
Được biết, cơn sóng có chiều cao lên đến 3m và gây ra do những hoạt động địa chất dưới đáy biển sau khi núi lửa Anak Krakatau nằm trên eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java của Indonesia, phun trào. Sóng đánh vào bờ biển kéo dài khoảng 20 phút.
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang phải vật lộn với những trận mưa lớn để tìm kiếm những người còn sống sót sau thảm họa sóng thần.
Vài năm trở lại đây, sóng thần đã gây ra những thiệt hại to lớn ngoài sức tưởng tượng. Chính vì thế, để đối phó cũng như tăng khả năng sống sót trong một trận sóng thần, bạn phải lên kế hoạch chuẩn bị từ trước, đồng thời giữ tâm lý hết sức bình tĩnh.
Tìm hiểu trước về các nguy cơ
Điều quan trọng bạn cần làm là tìm hiểu xem nơi bạn sống có khả năng phải đối mặt với sóng thần hay không. Bạn có nguy cơ gặp nguy hiểm nếu: Nhà, trường học, nơi làm việc của bạn nằm ở khu vực duyên hải, gần biển.
Bạn cũng nên chú ý đến việc chính quyền địa phương nơi bạn ở đã công bố các thông tin về khả năng xảy ra sóng thần.
Chuẩn bị sẵn đồ dùng thiết yếu
Hãy chuẩn bị sẵn những đồ dùng thiết yếu trong một túi balô cùng những thực phẩm có thể dự trự trong thời gian dài. Để khi có thông tin về một đợt sóng thần sắp ập tới thì bạn chỉ cần xách balô và lên đường.
Luôn để ý tới sự thay đổi của tự nhiên
Ví dụ như một trận động đất là nguyên nhân chính gây nên những đợt sóng thần, hay sự thay đổi bất thường của mực nước thủy triều - đây cũng là dấu hiệu cho một trận sóng thần sắp đến.
Quan sát những thay đổi lạ trong hành vi của động vật
Quan sát xem động vật có đang rời khỏi nơi sinh sống hoặc có những hành vi bất thường như đang cố gắng tìm nơi trú ẩn của con người hoặc tập trung lại với nhau một cách khác thường không.
Nếu không kịp di tản trước khi sóng thần ập đến
Nghĩa là khi bạn đã bị cuốn vào dòng nước, hãy tìm những vật có thể nổi để bám vào như những thân cây hay những tấm ván. Bởi dòng nước rất mạnh nên dù bạn bơi giỏi đến mấy cũng sẽ kiệt sức và bị cuốn đi. Bám vào những vật trôi nổi sẽ giúp bạn có cơ hội sống sót cao hơn và chờ đến khi gặp thuyền cứu hộ.
Hãy trèo lên cao nếu bị mắc kẹt trong sự cố sóng thần
Nếu bạn không thể đi vào sâu trong nội địa vì bị mắc kẹt, hãy trèo lên cao. Mặc dù không lý tưởng cho lắm bởi vì bản thân chỗ bạn trèo lên có thể bị sụp xuống, nhưng nếu không còn lựa chọn nào khác, hãy trèo lên những tòa nhà cao, vững chãi và kiên cố. Hãy trèo cao nhất có thể, thậm chí lên cả mái nhà.
Chỉ trở về nhà khi chính quyền thông báo an toàn
Bạn sẽ rất sốt ruột và mong muốn nhanh chóng trở về nhà nhưng điều này hết sức nguy hiểm vì sóng thần có nguy cơ tái diễn ngay khi vừa mới kết thúc. Chính vì vậy, bạn nên kiên nhẫn đợi chính quyền địa phương thông báo rằng “nguy hiểm đã qua”, chỉ khi ấy bạn mới nên trở về nhà.
Hãy nhớ rằng, các con đường có thể bị hư hại nặng nề do sóng thần và bạn có thể phải tìm những tuyến đường thay thế khác. Một kế hoạch tốt cho trường hợp khẩn cấp được lập trước cần phải tính tới khả năng này và đưa ra được những tuyến đường và những nơi tập trung thay thế.