Sắc màu Cuộc Sống

Hành trình từ chàng kiến trúc sư không rành tiếng Anh đến bác sĩ thành danh trên đất Mỹ

Quốc Khánh
Chia sẻ

Kinh qua bao nhiêu công việc trong suốt 18 năm lăn lộn trên đất Mỹ, chàng kiến trúc sư Huỳnh Wynn Trần ngày nào giờ đã là một bác sĩ tài giỏi với phòng khám riêng cùng vị trí đứng lớp trên giảng đường đại học danh giá.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Wynn Trần là bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Florida, là chủ của một phòng mạch ở Los Angeles, sở hữu hai tấm bằng đại học cùng một tấm bằng tiến sĩ tại đại học New York danh tiếng,… Nhưng để có được ngày hôm nay, ít ai biết được rằng anh đã trải qua gần 2 thập niên lăn lộn trên đất Mỹ với những khó khăn mà chỉ người trong cuộc mới thấm thía.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần và hành trình 20 năm lăn lộn trên đất Mỹ.

Học sinh giỏi cũng chẳng là nghĩa lý gì

Tốt nghiệp loại giỏi và là học sinh chuyên Toán ở trường THPT Bạc Liêu, cậu học sinh Trần Huỳnh bước vào giảng đường đại học với chuyên ngành kiến trúc bằng những khái niệm mơ hồ. Tất cả những gì cậu bé đó ao ước về nghề kiến trúc sư chính là sự lãng tử cùng lối sống phiêu bồng khi thực hiện những tấm bản vẽ.

Nhưng sự thật từ thực tế tại giảng đường đại học khiến Huỳnh Trần vỡ mộng, hóa ra ngành kiến trúc không chỉ có mộng mơ mà còn có những khó khăn, thử thách. Thế là chàng sinh viên Bạc Liêu phải vừa lóng ngóng, vừa nỗ lực để cuối cùng đạt được điểm trung bình cao nhất lớp.

Bác sĩ Huỳnh trong giờ làm việc.

Khi ở năm 3 đại học, anh theo gia đình sang Mỹ định cư. Nhớ lại lúc đó, anh cho biết: “Mặc dù có điểm số cao nhưng tôi chưa thật sự có một quyết định cho bản thân vào lúc đó. Nhiều người nói bằng cấp ở Việt Nam không có ý nghĩa gì khi sang Mỹ, có người học giỏi nhưng sang đó vẫn phải làm lao động chân tay.

Gia đình khuyên tôi sang Mỹ vì có nhiều cơ hội để phát triển bản thân hơn, tôi thì lại nửa muốn nửa không vì vẫn mong muốn tiếp tục học cho xong năm cuối ở Việt Nam rồi đi luôn cho trọn vẹn. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã theo cả nhà sang Mỹ và bắt đầu mở ra chuỗi ngày ngủ mơ cũng thấy học hành”.

Cuộc sống vốn dĩ không có màu hồng. Mặc dù sở hữu điểm số học tập ấn tượng nhưng cuộc sống của Huỳnh Wynn Trần khi sang Mỹ lập tức vấp phải trở ngại vì rào cản ngôn ngữ, chàng trai không thể giao tiếp bằng tiếng Anh mà chỉ dừng lại ở mức vài từ vựng cơ bản.

Hoàn thành lớp ESL (English as a Second Language) - tiếng Anh dành cho những người mới nhập cư, anh chàng quyết định đăng kí vào trường cao đẳng cộng đồng để thực hiện ước mơ trở thành kiến trúc sư còn dang dở. Sau ba năm đặt chân lên đất Mỹ, Huỳnh Wynn Trần đã trở thành sinh viên của Đại học Kiến trúc Michigan.

Ra trường với tấm bằng kiến trúc sư loại giỏi nhưng do những khác biệt về văn hóa, người dân Mỹ không mấy ưu ái cho những công ty kiến trúc do người nước ngoài làm chủ, đặc biệt là người châu Á. Giờ đây, Huỳnh Wynn Trần quyết định tìm hướng đi mới cho cuộc đời mình.

Không dễ dàng gì để khoác được chiếc áo blouse

Chia sẻ về những tháng ngày mới quyết định rẽ bước, Huỳnh Wynn Trần kể: “Lúc đó bố của tôi lên cơn đau tim, các bác sĩ đã rất tận tình chữa bệnh và chăm sóc, tôi thấy có thiện cảm với nghề y và có lẽ từ đó đã nhen nhóm trong tôi ước mơ trở thành bác sĩ.

Trong thời gian làm kiến trúc sư, tôi có đi tới một phòng khám để xem xét thực địa, phục vụ cho việc đưa ra các ý tưởng thiết kế. Biết mình có ý định chuyển hướng sang học y, bác sĩ Snyder là chủ của phòng khám đó sẵn lòng cho đi theo để xem ông khám bệnh. Nhờ sự nhiệt thành của vị bác sĩ tốt bụng ấy, ước mơ được khoác áo blouse của tôi càng lớn lao hơn”.

Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần tại phòng khám của mình.

Bắt đầu lao vào nghề y, anh đăng ký ngành Y Sinh Học tại Đại học Grand Valley State. Để rút ngắn thời gian học và tiết kiệm tiền bạc, anh dự tính mình sẽ phải nhận số tín chỉ nhiều gấp rưỡi hoặc gấp đôi sinh viên bình thường và anh đã thực hiện đúng như vậy.

Suốt những tháng năm học y, lịch học và lịch làm thêm của anh kín mít. Buổi sáng anh học gấp đôi bạn bè cùng lúc vì đăng ký nhiều tín chỉ cùng lúc, đến chiều học xong thì anh tranh thủ ngủ rồi đi làm dịch thuật hoặc các công việc khác vào buổi tối rồi tiếp tục đến lớp khi bình minh đến.

“Cuối tuần, tôi đăng ký tham gia tình nguyện tại bệnh viện, vừa theo dõi các bác sĩ làm việc, vừa tự tiếp thêm động lực và mơ mộng về một ngày được khoác chiếc áo blouse mà thăm khám bệnh nhân. Tôi chưa bao giờ thấy mình bận rộn đủ, luôn muốn làm thêm thứ gì đó”, chàng bác sĩ trẻ kể lại.

Cuối cùng sau một năm, Huỳnh Wynn Trần tốt nghiệp xuất sắc văn bằng 2 ngành Y Sinh Học. Đồng thời, anh được bệnh viện vinh danh vì công việc tình nguyện, một bác sĩ tại bệnh viện đã quan sát những gì anh làm và viết một thư giới thiệu giúp công việc tương lai của anh trở nên dễ dàng hơn, người bác sĩ này cũng là người năm xưa giúp bố anh qua cơn nguy kịch.

“Tôi chỉ mất một năm để có được tấm bằng đại học, tôi tiết kiệm được một nửa thời gian so với người khác nhưng để đánh đổi, tôi bị sút mất 5 cân và già đi trước tuổi đến 10 năm do liên tục thức khuya và làm việc với cường độ cao. Đúng là để khoác được chiếc áo blouse lên người không phải là việc dễ dàng”, anh kể lại.

Hãy cảm thấy may mắn vì là người Việt Nam

Làm việc không ngừng nghỉ trong môi trường áp lực cực cao, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ không phải ai cũng làm được như vậy. Nhưng chính bác sĩ Huỳnh Wynn Trần đã cho biết hãy cảm thấy may mắn vì là người Việt Nam bởi lẽ trong chính bản thân của chúng ta đã có sẵn những đức tính giúp thành công.

“Tôi nhận ra sự kiên trì, nhẫn nại và chịu khó là chất kết dính xây dựng ngôi nhà thành công. Tôi đã từng làm rất nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, từ làm nail, bồi bàn, rửa chén, thông dịch viên hay kiến trúc sư,… Bất cứ nghề nào, tôi cũng cố gắng làm hết sức của mình.

Người châu Á nói chung và người Việt Nam mình nói riêng đều rất chịu thương chịu khó và rất nhẫn nại. Khi đọc đến những dòng này, hãy mỉm cười vì bạn là người Việt, bạn có tất cả những đức tính trên và bạn sẽ thành công.

Cái bạn cần đôi khi chỉ là có ai đó truyền cảm hứng. Hôm nay bạn có thể làm chạy bàn, nhưng ngày mai bạn sẽ là bác sĩ. Hãy luôn tin vào chính mình như cách mà tôi đã tin tôi trong suốt 20 năm qua, cho đến bây giờ và cả tương lai”, bác sĩ Huỳnh chia sẻ.

Người bác sĩ năm nào cứu bố của bác sĩ Huỳnh qua cơn nguy kịch, cũng là người truyền cảm hứng và viết thư giới thiệu cho anh.

Là một người đã bước vào ngã rẽ cuộc đời, Huỳnh Wynn Trần chia sẻ với sinh viên và những người trẻ mới bước vào đời, rằng “đôi khi nghề nó chọn mình”, quan trọng là biết theo đuổi giấc mơ: “Các bạn có thể thấy ngành mình đang học không phù hợp, muốn chuyển sang ngành khác nhưng không dám vì tiếc.

Nhưng nếu không dám thay đổi vì tiếc thì 10 năm sau, các bạn vẫn làm công việc đó, vị trí đó và cứ thế nuối tiếc mãi về sau. Tôi cho rằng không có sự thay đổi nào là muộn màng với những người trẻ, hãy mạnh dạn tạo ra ngã rẽ nếu cảm thấy bản thân đang miễn cưỡng học/làm một điều gì đó không thật sự thích.

Các bạn đừng nghĩ quá xa về việc mình có làm được không, đừng đặt ra những mục tiêu quá lớn, mà hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ và hoàn thành nó từng chút một. Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra mình đã xây được một bức tường từ những viên gạch nhỏ.

Đường đời chẳng mấy khi khi bằng phẳng, định mệnh sẽ sắp đặt để chúng ta gặp những ngã rẽ. Ở đó, các bạn phải đối diện với nhiều lựa chọn. Có người sẽ phải bước chậm lại vài nhịp để nghỉ ngơi.

Đôi khi, chúng ta phải buông bỏ những gì mình đã đạt được trong quá khứ để bắt đầu từ con số 0. Sự thay đổi cho chúng ta cơ hội để trưởng thành và tôi luyện một ý chí mạnh mẽ. Không bao giờ là quá muộn để đi tìm những điều tốt đẹp”.

Chia sẻ

Bài viết

Quốc Khánh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất