Xóm chạy thận ở BV Bạch Mai giữa đại dịch COVID-19. (Video: Thành Khương)
Ngày 30/3, nghe tin Bộ Y tế công bố thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 đều liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai nhiều người dân ở xóm chạy thận nằm sâu trong ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thêm phần nào lo lắng. Nơi đây hiện có hàng trăm người bị suy thận giai đoạn cuối hằng ngày phải bám trụ tại Bệnh viện Bạch Mai - nơi có ổ dịch phức tạp nhất cả nước để lọc máu, chiến đấu với bệnh tật.
Tính đến nay đã có 33 ca bệnh có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Lối vào ngõ 121 Lê Thanh Nghị cũng đang được phong toả “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng dịch.
Khu ngõ hiện đang được công an căng baria cách ly, tiến hành phun thuốc khử trùng. Nhân viên y tế đã đến từng căn nhà tiến hành phun, hướng dẫn mọi người cách thức sinh hoạt phòng dịch bệnh. Nhân viên y tế cũng nhắc nhở mọi người khi ra khỏi nơi cư trú để tiến hành chạy thận phải tiến hành khai báo. Không ra chợ mua đồ ăn sinh hoạt mà hằng ngày có nhu cầu gì sẽ có người của siêu thị mang đồ ăn đến tận nhà.
Mấy ngày qua, bà Lê Thị Ninh (46 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) cùng nhiều người trong xóm chạy thận mất ăn mất ngủ. Người phụ nữ này đã có thâm niên chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai được 14 năm. Chính vì vậy Bệnh viện Bạch Mai gắn bó như chính ngôi nhà thứ 2 của bà vậy và ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà suốt bao năm qua.
Khăn gói một số đồ đạc cùng nhân viên y tế ra bệnh viện Bạch Mai, bà Ninh kể, khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai có người nhiễm COVID-19 cuộc sống bị đảo lộn, suốt ngày quanh quẩn trong nhà không dám ra ngoài. “Mấy ngày qua chúng tôi cũng thường xuyên xem tivi, đài báo về tình hình dịch bệnh COVID-19. Ngồi trong nhà cũng thấy những phòng bên cạnh bàn tán xôn xao về dịch, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai. Tôi bị suy thận giai đoạn cuối nên tuần phải chạy 3 lần. Những người chạy thận sức khoẻ rất yếu nếu nhiễm bệnh khó mà qua khỏi. Việc này cũng khiến nhiều người đêm trằn trọc không ngủ được”, bà Ninh chia sẻ.
Thế nhưng theo bà Ninh, mấy ngày nay, các bác sĩ của bệnh viện cũng như y tế phường luôn có mặt kịp thời quan tâm tới những người bệnh như bà. Mọi người cũng động viên mọi người an tâm về việc dịch bệnh đang được kiểm soát tốt nên bà cũng thấy an tâm rằng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. “Hôm nay đến lịch tôi phải đến bệnh viện chạy thận, nếu không chạy cơ thể sẽ rất mệt mỏi. Các bác sĩ cũng có mặt để đưa mọi người đi. Bệnh viện khuyến cáo, nhắc nhở mọi người cố gắng giữ gìn sức khỏe, cẩn thận hơn trong mùa dịch, chạy thận đi đến nơi về đến chốn”, bà Ninh bày tỏ.
Mới 32 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Hương ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cũng có thâm niên 9 năm phải chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh tật khiến chị Hương quen với cuộc sống sáng ở viện, chiều ở nhà trọ. Những người chạy thận như chị Hương nếu được duy trì thường ngày sẽ khoẻ mạnh một chút.
Thế nhưng, cứ dừng chạy thận sức khoẻ dần trở nên suy kiệt, mặt nhợt nhạt… Ngoài việc phải đến bệnh viện chạy thận chị Hương lại ở yên trong nhà. Dịch bệnh phức tạp, đặc biệt khi Bệnh viện Bạch Mai phát hiện ca bệnh nhiễm COVID-19 chị và mọi người chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường nhà trọ.
“Lúc đầu tâm trạng tôi cũng lo lắng lắm vì liên tục tuần 3 lần phải chạy thận trong bệnh viện. Tuy nhiên được sự động viên của các y bác sĩ cũng như người thân liên tục gọi điện hỏi thăm nói tôi cứ yên tâm nên chúng tôi yên tâm hơn. Kháng thể của những người bệnh như chúng tôi rất yếu không như người bình thường. Để phòng tránh dịch bệnh chúng tôi luôn đeo khẩu trang bảo vệ cho bản thân mình”, chị Hương nói.
Ngồi mệt mỏi vì chùn chân sau khi đứng xếp hàng chờ vào Bệnh viện Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Sự (69 tuổi, ở huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) tâm sự ban đầu khi nghe tin tâm trạng bà cũng lo lắng. Bà Sự đã có 11 năm chạy thận tại bệnh viện, suy thận giai đoạn cuối nên sức khoẻ yếu đi nhiều. Các bác sĩ dặn bà cứ yên tâm, phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang, gang tay, nước rửa tay đầy đủ.
“Chúng tôi được sát khuẩn, đo thân nhiệt ở ngoài cổng, tiếp đó vào phòng phun khử trùng và lên khoa chạy thận đo tiếp thân nhiệt, đúng giờ mới được vào. Chạy xong hết ca một mới cho ca hai vào, làm nghiêm ngặt lắm, không được chạm tay vào bất cứ thứ gì”, bà Sự nói thêm.
GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện có hơn 500 trường hợp bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang được chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện đã chia thành 4 kíp đảm bảo an toàn trong quá trình chạy thận cho bệnh nhân.