Được đưa lên phần tin nổi bật, tin bài và clip về cảnh tôm sú tại một nhà máy ở Việt Nam đang được các công nhân bơm một loại tạp chất vào đầu, đuôi đã gây chú ý cho người xem của tờ Daily Mail (Úc).
Clip phóng sự về vấn nạn bơm tạp chất vào tôm được lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam.
Cảnh trong clip được cho là sự thật “kinh hoàng” với người tiêu dùng Úc bởi một thực tế là Việt Nam là nước cung cấp tôm nhập khẩu lớn nhất của nước này, bao gồm sản phẩm đông lạnh hoặc tôm thô.
Tôm và các chế phẩm từ tôm Việt nhập khẩu vào Úc được bày bán rộng rãi trong các hệ thống siêu thị lớn như Woolworths và Coles. Thế nhưng, chỉ vì mục đích tăng trọng lượng và sự hấp dẫn cho từng con tôm, các nhà cung cấp Việt đã đang tâm thực hiện các hành vi gian lận “kinh khủng” như trên.
Các sản phẩm tôm mà Úc nhập khẩu từ nước ta chủ yếu là tôm sú đen và tôm thẻ chân trắng, các sản phẩm này được chứng nhận là sản phẩm tôm nuôi sinh thái có nguồn gốc Việt Nam.
Các thước phim quay lại cảnh tôm bị bơm nước đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội trong nước hồi đầu năm và đã từng bị dư luận lên án gay gắt, tuy nhiên sau đó các cuộc điều tra từ Đoàn kiểm tra liên ngành vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng.
Qua lời khai của các doanh nghiệp bị phát hiện, được biết các công nhân đã dùng một chất được gọi là cellulose carboxymethyl hoặc CMC để tiêm vào tôm, vốn là một chất không có hại. CMC tan trong nước sẽ trở thành một chất lỏng mịn giống như thạch trước khi được bơm vào từng con tôm. Tuy nhiên, theo lời khai của chủ cơ sở, loại tạp chất CMC này vốn được mua và sử dụng lan tràn, không đảm bảo tiêu chuẩn trên thị trường để bơm vào tôm lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đoạn clip phóng sự trên đã gây ra một ấn tượng vô cùng không tốt về hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp Việt. Nhiều ý kiến thể hiện sự “rùng mình”, lên án việc các nhà sản xuất Việt đã “không biết hổ thẹn, không trung thực” trong hoạt động kinh doanh của mình.
Đáng chú ý, bên dưới bài viết còn đưa ra lời cảnh báo về việc lựa chọn sản phẩm tôm nói chung dành cho giới tiêu dùng Úc và quốc tế. Theo đó, căn cứ trên tiêu chuẩn về quy chế chăn nuôi, vấn đề bảo vệ môi trường và yếu tố sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng, các hướng dẫn từ tổ chức Greenpeace đã khuyến cáo tôm và các sản phẩm từ tôm được đánh bắt và nhập khẩu từ Việt Nam (bao gồm tôm sú tự nhiên bắt ở cửa sông hoặc tôm nuôi sinh thái) đều được đưa vào danh sách “đen” và hạn chế. Greenpeace khẳng định phải “né” toàn bộ sản phẩm tôm sú chân trắng nhập khẩu từ Việt Nam do lo ngại về nguy cơ phá hủy rừng ngập mặn, nạn ô nhiễm môi trường và tình trạng sử dụng tràn lan tạp chất, dư chất hóa học trong nuôi trồng thủy sản.
Tôm bị bơm nước được coi là một trong những vụ việc khiến vấn nạn thực phẩm giả và thiếu an toàn trở thành một nỗi lo thường trực của người dân Việt Nam. Và khi còn chưa được giải quyết triệt để, nó sẽ sớm ảnh hưởng xấu tới ngành công nghiệp xuất khẩu cũng như hình ảnh về nền ẩm thực của Việt Nam nói chung.