Trụ sở TAND TP HCM (131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1) do kiến trúc sư Bouratd thiết kế, xây dựng từ năm 1881 đến 1885, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012. Cùng với trụ sở UBND, Bưu điện TP, di tích này là một trong những kiến trúc tiêu biểu, mang giá trị lịch sử quan trọng của Sài Gòn. Công trình được xây theo hình chữ H với hai tầng nổi và một tầng hầm, mỗi tầng nổi cao khoảng 5,2 m. |
Công trình này là sự kết hợp hài hoà những nét kiến trúc của phương Tây và phương Đông nhưng trải qua 130 năm, nó đã xuống cấp trầm trọng, cần được trùng tu. |
Hiện khu nhà là nơi làm việc, xét xử của TAND TP và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM. Công trình từng được trùng tu hai đợt vào các năm 1961 và 1980. Trong ảnh: Bên ngoài sảnh chính trên tầng 2 bị nhiều mảng rêu bám đen. |
Tại sảnh chính của tòa nhà, nhiều cột trụ, mảng tường bị bong tróc lớp sơn như "da báo". Một số phù điêu chạm khắc trên các đầu cột trụ đã bị rơi. |
Cửa chính đi vào Tòa phúc thẩm trước đây có hai bức tượng, nhưng một tượng đã hư hỏng. |
Trần nhà trong tình trạng tương tự, một số phù điêu bị ám đen hoặc rơi vỡ. Theo thông tin từ TAND TP HCM, sau gần gần 10 năm chuẩn bị hồ sơ, khảo sát chi tiết và lên kế hoạch tỉ mỉ, dự kiến cuối năm nay, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành tu sửa. |
Nhiều mảng bêtông rơi vỡ. Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL), các hạng mục phải dỡ bỏ gồm công trình nhà xét xử hình sự, nhà xét xử 2 và 3, nhà xe cũ, nhà vệ sinh 1, căng tin… |
Tại cổng ra vào, tường bị vỡ tới lớp gạch bên trong. Theo cơ quan chức năng, quá trình trùng tu sẽ giữ nguyên trạng các khối nhà tòa án xây dựng từ năm 1881. |
Chốt cổng sắt của cổng vào xuất hiện nhiều vết nứt chằng chịt. |
Nhiều đoạn gỗ trải qua 3 thế kỷ đã bị bung nứt, mục ruỗng. Trong 10 năm qua, nhiều đoàn chuyên gia của Sở Xây dựng, Bộ VH-TT-DL đã đến thẩm định hiện trường, khảo sát và lên kế hoạch trùng tu để đảm bảo tính nguyên trạng của công trình. |
Yêu cầu đối với việc trùng tu ưu tiên việc giữ nguyên trạng. Với các cửa sổ và cửa đi lại đã xuống cấp nhưng còn khả năng sử dụng cần tiến hành tu bổ, sửa chữa những bộ phận bị hư hỏng. Bên cạnh đó, phải có biện pháp bảo tồn, tái sử dụng các bộ phận kiến trúc có giá trị lịch sử như khóa cửa… Trong ảnh: Một đoạn gỗ tay vịn cầu thang bị rơi mất, nhiều thanh sắt bị hoen rỉ, bung rơi mất lớp sơn. |
Một trong những nguyên nhân hư hỏng là đường ống máy lạnh gây thấm nước vào tường khiến nhiều mảng vữa bong tróc, cây dại mọc ra từ trong tường nhà. |
Một số khu vực ở chân móng nứt nhiều vết lớn, rêu bám dày. |
Việc tìm được nhà thầu trùng tu công trình này gặp nhiều khó khăn. Hiện, rất ít đơn vị có kinh nghiệm trùng tu, phục chế nhà cổ, đặc biệt là công trình lớn và quan trọng như tòa nhà TAND. |
Đoàn chuyên gia khảo sát từng "lớp áo" của tường tòa nhà trụ sở TAND TP HCM. Dự kiến, tòa nhà tòa án cổ nhất Việt Nam được tiến hành trùng tu vào cuối năm nay, thời gian kéo dài 2 năm. Trong quá trình sửa chữa, mọi hoạt động làm việc và xét xử của TAND TP HCM vẫn hoạt động bình thường. |