Chiều 21/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, được tổ chức tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh vượt bậc của báo chí Việt Nam với hơn 850 cơ quan báo chí, 35.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ.
“Chúng tôi dù bận đến cỡ nào cũng dành thời gian đọc tin tức trên các báo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân, doanh nghiệp, để qua đó góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, nhiều vụ việc được điều tra khám phá, nhiều vấn đề phát sinh được chấn chỉnh kịp thời không xuất phát từ cơ quan chức năng mà từ phản ánh của báo chí.
Ví dụ vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vừa qua, nhiều địa phương chưa lường hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chưa kịp thời báo cáo. Khi báo chí đưa tin, Chính phủ, Thủ tướng đã phát hiện, chỉ đạo quyết liệt tìm cho được nguyên nhân và sẽ có kết luận trong nay mai. “Báo chí có vai trò quan trọng như thế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng lưu ý một số bài báo gây hoang mang xã hội, nhiều doanh nghiệp, nông dân điêu đứng bởi những thông tin giật gân, không đúng sự thật.
Trong công việc hàng ngày, Thủ tướng cho biết các phóng viên ông tiếp xúc thường truyền cho người xung quanh nhiệt huyết làm nghề, sự lăn xả, trách nhiệm trong mỗi sự kiện lớn của đất nước. Ông nhắc đến sự kiện gần đây nhất, khi quân đội đưa thi thể của phi công Trần Quang Khải về đất liền, nhiều phóng viên thức trắng đêm ở Nghệ An truyền trực tiếp tin tức, hình ảnh xúc động từ hiện trường. Và chắc chắn cùng với đó các biên tập viên cũng thức thâu đêm chờ tin.
Theo Thủ tướng, cách mạng công nghệ thông tin mang lại thay đổi to lớn, từ cách thức điều hành Chính phủ, cách thức làm báo, sự tương tác giữa Chính phủ và người dân cũng như nhiều mặt khác của đời sống xã hội. Khả năng tiếp cận internet mang tới cho mọi người cơ hội tiếp cận thông tin nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả.
Tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam đã đạt 49 triệu, chiếm 52% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á, thứ 13 thế giới. Số thuê bao 3G đạt trên 36 triệu. Có thể nói truyền thông và internet đã trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ người dân, nhất là nông dân làm kinh tế, kết nối và hợp tác.
Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có một cuộc cách mạng mới trong nghề báo, từ báo in, báo hình, báo nói, đến báo điện tử và tiến tới là mạng xã hội. Báo chí cần liên tục đổi mới, sáng tạo để tìm hướng đi, nội dung mới, phương pháp làm báo mới, cách đưa tin mới thì mới đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân.
Trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không biết rõ, không hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các nhà báo tiếp tục phát huy thành quả, khắc phục hạn chế, tồn tại, phản ánh kịp thời, chính xác những bức xúc xã hội.
“Tôi chúc các đồng chí, những người làm báo Việt Nam, luôn xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng văn hóa, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân… Chính phủ sẽ đồng hành với các đồng chí trên con đường khó khăn nhưng đầy ý nghĩa này”, Thủ tướng nói.