Thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, cho hay Việt Nam là nước trồng được nhiều rau nhưng hơn 57% dân số trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây. Trong khi đó, mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 400 gram mỗi ngày.
Theo bác sĩ Tường Vi, rau xanh là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ và nhiều thành phần có lợi cho thể như carotenoid, vitamin C, folate, selen…
“Trung bình một ngày chúng ta nên ăn 300-500 gram rau, quả chín có màu đỏ, xanh lá cây, vàng, trắng, tím và da cam”, BS Tường Vi khuyến nghị.
GS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - chuyên gia dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết thói quen ăn uống không cân đối đang khiến nhiều người mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa.
Đây là hội chứng gồm nhiều bệnh lý như thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn chuyển hóa glucose, tăng huyết áp, tiểu đường, gout. Hội chứng này còn có thể gây ra rất nhiều biến chứng như tim mạch, suy thận. Đặc biệt, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
Để phòng và điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa, chất xơ đóng vai trò rất quan trọng. Có hai loại chất xơ là không hòa tan (có nhiều trong các loại rau xanh, quả, măng…) và hòa tan (có nhiều trong vỏ cám của hạt gạo, hạt đại mạch, ngô, hạt lạc, các loại đậu, cùi trắng của quả bưởi, cam, vỏ táo, vỏ nho…).
Chất xơ không hòa tan có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu. Còn các chất xơ hòa tan tác động lên quá trình chuyển hóa lipid, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
Đối với việc ổn định đường huyết, chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn, nhất là các chất xơ hòa tan do có khả năng tăng tính nhạy cảm của insulin. Đồng thời, nó tham gia chuyển hóa triglycerid, giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu hiệu quả.
Theo các chuyên gia, những căn bệnh do thói quen ăn uống của xã hội hiện đại ngày càng phổ biến đi kèm với nhiều hệ lụy về sức khỏe. Chuyên gia khuyến nghị người dân nên ý thức hơn trong chế độ ăn hàng ngày, bao gồm bổ sung đủ lượng rau hàng ngày để tận dụng nguồn chất xơ quý báu.