Một Diva nông dân hơn cả…nông dân
Tôi nhớ mãi hình ảnh đã chứng kiến tại studio của Chuyên gia trang điểm Nam Trung trên đường Lý Chính Thắng, TP. HCM trong một buổi chiều khi hẹn phỏng vấn Mỹ Linh. Buổi gặp diễn ra khi chị vừa đáp máy bay từ Hà Nội vào để chấm thi “Gương mặt thân quen” và quãng thời gian make-up được chị tranh thủ để trả lời phỏng vấn. Vừa thấy thấp thoáng bóng Mỹ Linh đã nghe tiếng chị: “Đợi chị chút nhé!”. Nói xong, chị đặt chiếc túi của mình lên chiếc ghế ở góc phòng, xạc điện thoại và lấy đồ liền tay nhưng vẫn nói với chuyên gia trang điểm Nam Trung: “Tặng bác này, đồ nhà tôi trồng đấy, ngon lắm, sạch lắm!” Nhìn lại thấy hoá ra đó là su hào, súp lơ, mỗi thứ 1, 2 củ/ cây được chị bày biện đóng gói sẵn trong túi để tặng người bạn thân. Tôi bất ngờ với hình ảnh đó bởi không nghĩ một Diva như Mỹ Lịnh lại dân dã và nông dân đến nhường vậy.
Anh bạn nhà báo thân thiết với tôi kể thêm. Năm ngoái, gần Tết nguyên đán, Mỹ Linh có gọi điện “bác ở đâu em qua biếu tí quà Tết nhà em trồng được”. Một hồi sau cú điện thoại, chiếc ô tô rẽ vào xóm, Mỹ Linh từ trên xe nhảy xuống, bật cốp và lôi ra nào gà, nào rau, nào mứt,… tay làm, miệng nói “của nhà em nuôi trồng hết, gà bác tự về thịt nhé, rau em làm sạch rồi, mứt này cũng tự em làm bác về chỉ việc ăn. Định biếu bác bánh trưng em gói nhưng mà biết quê nhà bác cũng gói nhiều nên thôi”. Anh bạn tôi kể, lúc đó hàng xóm đi qua không ai nhận ra đó là ca sỹ Mỹ Linh nổi tiếng, bởi cô mặc cái quần bò bạc màu, khoác chiếc sơ mi cũ rộng thùng thình, mặt mộc không trang điểm. Nhìn Mỹ Linh như là một phụ nữ nông thôn đích thực. Hình ảnh và hành động tặng quà của Mỹ Linh khiến anh bạn tôi rất ngạc nhiên và xúc động, thỉnh thoảng có chuyện gì của Mỹ Linh gây ồn ào, anh lại mang ra kể.
Khi không “son phấn” (theo đúng cả nghĩa đen) thì con người hồn nhiên đến vậy, đúng với bản chất, tính cách của họ. Còn hơn cả 1 củ su hào, 1 cây súp lơ bởi đó là công sức người trồng, là “của một đồng công một nén” và quả thực nếu không coi nhau là bạn bè thân thiết, thì sẽ chẳng ai mang những món quà không quá nhiều giá trị về mặt tiền bạc và có thể mua được ở khắp nơi từ đầu này tới đầu kia đất nước. Và cũng hơn ai hết, chỉ có người tặng và người nhận mới hiểu được giá trị thực sự của món quà nằm ở đâu.
Và tôi tin, Mỹ Linh là một nông dân thực thụ nên hơn ai hết chị sẽ hiểu người trồng ra được những thứ rau sạch, nuôi những con gà sạch sẽ phải kỳ công và vất vả như thế nào.
“Người của công chúng” nên cái gì cũng “đại chúng”
Việc Diễn đàn kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng đón sóng thực phẩm sạch mời Mỹ Linh tham dự sự kiện, theo tôi, là một điều đúng đắn, bởi là một ca sĩ có tầm ảnh hưởng lại có kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi hẳn nhiên những góp ý của một người đang làm vợ làm mẹ như Mỹ Linh rất đáng quý và thuyết phục. Tuy nhiên, những phát biểu rất chân thành, thẳng thắn và rất đúng của chị lại bị một số tờ báo cắt cúp theo một nghĩa thậm tệ, rằng: “Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch”- Một cái tít nếu chỉ đọc qua, có vẻ như Mỹ Linh đang rất coi khinh người nghèo.
Một cái tít báo “kêu” vô cùng, hấp dẫn vô cùng và cũng tức giận vô cùng nếu như ai chỉ xem lướt mà không đọc kỹ bài, không xem clip những người dự Diễn đàn quay lại và post lên mạng. Và rất nhiều người đã nổi cơn thịnh nộ mắng nhiếc, sỉ nhục, thậm chí còn viết hẳn những bài “sớ” dài kể tội Mỹ Linh từ chuyện cũ đến chuyện mới, từ chuyện hát đến chuyện…yêu, cũng chỉ vì cái tội đọc lướt qua, thậm chí, nhiều người sẵn máu a dua, thấy người ta đang chửi, mình cũng chỉ đọc cái tít xong là lồng lộn lên chửi theo. Điều đó, liệu có công bằng với Mỹ Linh?
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, ở thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Thời mà chỉ cần ngồi một chỗ với 1 thiết bị smartphone, chúng ta có thể khám phá cả thế giới, kết nối với tất cả mọi người trên trái đất, thì việc tiếp cận thông tin là điều vô cùng dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, mặc trái của sự “nhanh” đó, lại chính là sự “qua loa, đại khái” trong vấn đề tiếp cận và xử lý thông tin. Điều này thực sự rất tai hại, không chỉ cho những “nhân vật” trong các cuộc mổ xẻ, tranh luận mà còn cho chính chúng ta, bởi nó sẽ dần biến chúng ta thành những kẻ hời hợt, nông cạn, nóng vội, thậm chí vi phạm pháp luật.
Quay lại câu chuyện của Mỹ Linh. Ở đây, điều đáng nói, hiện tượng “xem cái vòi nói biết cả con voi” hiện đang rất phổ biến. Tâm lí chỉ xem qua tít bài coi như đã biết nội dung là có thật và rồi cứ thế mà phán xét, nếu như cái tít đó đi ngược với quan điểm của họ. Việc ai đó ngược quan điểm với mình là chuyện xưa như Trái Đất và chính điều đó làm đa dạng - phong phú tính cách. Chuyện ép người khác phải giống mình là điều đáng trách và đáng trách hơn nữa nếu như chỉ đọc qua một dòng với vài ba chữ để nhận diện một con người. Những cái quệt tay trên màn hình cảm ứng của chiếc điện thoại giờ “thần thánh” hơn là cái chạm tay vào bài báo để đọc, để nghiền ngẫm, để phân tích và để thấy được đúng - sai trong bài báo đó. Thực tình, để đọc hết một bài báo sẽ mất khoảng 5 phút là xong, nhưng để xoá đi những lời phán xét, mạ lị mà người trong cuộc được nhận từ cộng đồng mạng, có thể sẽ mất gấp trăm ngàn lần thời lượng 5 phút đó, thậm chí, có những người sẽ mang sự tổn thương ấy trong tâm hồn suốt cả cuộc đời. Đó là chưa kể niềm tin của những người liên quan, từ tất cả các bên, ít nhiều cũng vơi đi sau những sự việc như vậy.
Đấy là đối với người đọc, còn trách nhiệm đối với những nhà báo cũng không phải nhỏ. Vì áp lực “views”, vì sự cạnh tranh giữa các tờ báo mà một số phóng viên đã cố tình giật những cái tít thật kêu, thật sốc dù nội dung trong bài thì khác hẳn, với mục đích thu hút sự chú ý của người đọc. Hoặc đôi khi chỉ là sự sơ xuất, hoặc “non” nghiệp vụ dẫn đến những cái tít báo gây nên sự hiểu lầm của độc giả, khiến họ “bỗng dưng phẫn nộ” khi chỉ lướt qua tiêu đề mà không cần đọc bài.
Vậy nên, xin kết bài bằng chính phát biểu của Mỹ Linh sau khi “tự thương mình”, rằng: “Tôi không trách ai cả mà chỉ thấy buồn. Còn ai dám nói thẳng nữa khi lời nói cứ bị cắt cúp như vậy?”
Trích phát biểu của Mỹ Linh tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng đón sóng thực phẩm sạch:
Tôi rất ủng hộ ý kiến của chị Thái Hương, đó là sự minh bạch bởi hiện nay chúng tôi là những người tiêu dùng. Bản thân tôi đã không thể tìm thấy sự minh bạch và đã phải tự sản xuất cho mình vì sau khi ăn thực phẩm không lành mạnh, chồng tôi bị ốm 6 tháng trời thì tôi thấy rằng cái này là một vấn nạn. Và cuối cùng chúng tôi nghĩ rằng, cả cuộc đời mình không thể phụ thuộc vào người khác rồi đành tự cứu mình. Nhưng mà để có thể được như gia đình tôi thì rất khó, còn hàng triệu đồng bào khác thì sao. Vấn đề thứ hai tôi nhận thấy, như vừa nãy nói rằng chị mở ra một nơi để chứng nhận thực phẩm sạch để giúp cho những người xung quanh, các gia đình. Cái đấy rất là tốt và tôi nghĩ rằng, nó rất là ý nghĩa nhưng nó cũng rất là nhỏ, nó chỉ giúp được một số những người mà chị yêu quý thôi. Và tôi nghĩ rằng cái này cần phải nhân rộng ra.
Các vị muốn ăn sạch, thực phẩm là thứ bảo vệ sức khỏe các vị nhất mà các vị muốn rẻ, trong khi đó các vị lại có thể mua những thứ rất là đắt, các vị có thể đi nghỉ, đi ô tô, nhà lầu. Nhưng cái thiết thực nhất cho sức khỏe, các vị lại muốn rẻ. Tôi nghĩ rằng, làm như vậy là không bảo vệ người nông dân và nếu mà vẫn tư tưởng rẻ như thế thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Muốn rẻ thì không thể tin được. Bây giờ ở nhà tôi tự trồng, tôi thấy rất là đắt, tôi thấy không hề rẻ tí nào cả. Nếu rẻ thì nhân công sẽ phải rất là mạt hạng. Nông dân khi mà trả đồng lương mạt hạng thì người ta không thể làm tốt được. Có thực mới vực được đạo.
Tôi đề nghị Nhà nước và nhân dân cùng làm. Làm sao như Uber, như Grab, nghĩa là chúng ta cũng phải có cơ chế người tiêu dùng, họ cũng đưa cái phản hồi của họ lên và ở đâu có nhiều người, nhiều views, nhiều comment tốt tức là ở đấy sạch”.