Chiều 19/9, tại bể xử lý nước sông Tô Lịch, Hà Nội đã có thêm 3 con cá Koi chết ngửa bụng trong khi nhiều con khác tiếp tục lờ đờ, chậm chạp. Theo ghi nhận trong sáng cùng ngày, bảo vệ tại khu vực bể thả cá đã phát hiện và vớt thêm 3 con cá Koi chết ngửa bụng.
Theo bảo vệ tại đây, ngày 18/9 mới chỉ có một con cá Koi chết một số con khác yếu tuy nhiên đến sáng nay kiểm tra thì phát hiện thêm 3 con. Mặc dù, tại bể cá đã lắp đặt máy sục khí và mái che nắng nóng nhưng cá vẫn có dấu hiệu yếu đi và dồn tại một góc bể.
Clip bảo vệ vớt cá Koi chết.
Một đại diện JVE xác nhận sự việc cá Koi chết và cho biết công ty đã nhờ một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mổ cá để tìm hiểu nguyên nhân.
Vị đại diện cho hay, nồng độ pH, hàm lượng oxy hòa tan trong nước đo đều ở mức cho phép nên việc cá chết không phải do nước không đạt tiêu chuẩn.
“Độ pH đo được lúc 15h5 chiều nay là 7,5, nằm trong khoảng pH thích hợp cho cá Koi là 7-7,5. Hàm lượng oxy hòa tan đo được lúc 15h35 là 5,27 mg/l trên mức yêu cầu tối thiểu là 2mg/l”, đại diện JVE cho biết.
Trước đó, sáng 16/9, sau đúng 4 tháng thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản trên sông Tô Lịch và một góc hồ Tây, các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu nước mang đi phân tích để đánh giá hiệu quả của công nghệ này.
Song song với việc lấy mẫu nước, Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị lắp đặt công nghệ Nano Nhật Bản đã tiến hành thả 100 con cá Koi Nhật Bản, 150 con cá chép Việt Nam, cùng khoảng hơn 200 cá rô đồng… xuống sông Tô Lịch và hồ Tây đoạn được xử lý bằng máy sục khí Nano.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE, việc thả cá này sẽ chứng minh nước sau xử lý bằng công nghệ Nano có các chỉ số như oxy hòa tan trong nước, mức độ ô nhiễm, các vi sinh vật có lợi đều nằm trong mức tốt, đảm bảo sinh vật như cá phát triển.
Hiện Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã lắp thêm mái che nắng và máy sục khí ô-xy để giúp cá sống khỏe hơn.
Trên thị trường hiện nay, cá Koi Nhật Bản có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu/con. Nhiều người dân hiếu kỳ đã đến tận sông Tô Lịch để chiêm ngưỡng loài “quốc ngư Nhật Bản” bơi trong nước sông Tô Lịch sau xử lý.