Mùa xuân là mùa của sự sinh sôi, nảy nở, của sức sống căng tràn nhưng đâu đó giữa dòng người ngoài kia, có không ít tâm hồn đã lụi tắt một nửa. Đó là những người lao động nghèo đón Tết xa quê. Bởi hoàn cảnh, bởi gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền”, họ đành dằn lòng mình xuống, cất nỗi nhớ gia đình vào sau những lo toan để tiếp tục mưu sinh.
Chưa một lần có cái Tết đúng nghĩa
Người ta thường bảo, Tết là dịp để về bên gia đình, kể cho nhau nghe buồn vui năm cũ, dự định năm mới. Người ta cũng thường bảo Tết là niềm vui, là sự hân hoan chào đón đất trời chuyển xoay vòng tuần hoàn mới. Nhưng người ta lại quên nói với nhau rằng, không phải ai cũng có một gia đình để về, những nỗi buồn cứ thế chất chứa chẳng biết kể cùng ai.
Nghe như một câu chuyện bông đùa, ai lại chẳng có gia đình, quê hương, nhưng ông Nguyễn Văn Minh, người được gọi là “Hiệp sĩ làng đại học” lại chính là người như vậy. Cũng có lẽ vì thế, người ta mới gọi ông là Minh “cô đơn”.
Ông Minh năm nay đã 57 tuổi, nhưng đó chỉ là tuổi mà ông ước chừng. Thực tế, ông cũng chẳng rõ mình sinh năm nào, quê quán ở đâu. Đúng như biệt danh của mình - Minh “cô đơn”, ông không vợ, không con, không họ hàng thân thích và cũng chẳng có một ngôi nhà tử tế. Nơi ông ở chỉ là một cái chòi nhỏ dựng tạm tại khu đất hoang gần hồ Đá.
20 năm trước, ông đến làng Đại học nhặt ve chai và chạy xe ôm để mưu sinh. Sau khi chứng kiến cảnh nhiều sinh viên bị thủng xe giữa đường và phải dắt bộ rất xa vì đoạn đường này vắng vẻ. Với chút tay nghề của mình, ông quyết định dựng tạm một nơi bơm vá miễn phí cho sinh viên. Ấy thế mà, cái “tạm” của ông đến nay đã hơn 15 năm.
Tết đến, khi hầu hết sinh viên đã về với gia đình, người đàn ông ấy vẫn tiếp tục công việc của mình. Ông Minh cho biết, những ngày này, ông vẫn mang đồ nghề ra ngồi vì đường vẫn còn người qua lại, lỡ như ai đó không may thủng bánh ngày đầu năm, ông còn giúp người ta vá tạm để về với gia đình.
“Nhiều người hỏi tôi có buồn không khi ngày Tết mọi người sum họp, còn tôi một mình ngồi đây. Nhưng tôi quen rồi, một mình từ nhỏ tới lớn, tôi còn buồn gì nữa. Chỉ cần giúp được người khác là tôi thấy vui rồi. Không mong gì cao sang hơn”, ông nói.
Những ngày Mùng 1, Mùng 2, khi hàng quán chưa bán, ông ăn tạm mì tôm hoặc bánh kẹo được tặng. Còn “hết Mùng”, quán nào mở thì ông ghé ăn, người ta cũng biết ông mà lấy rẻ cho.
Khi có người hỏi ông thèm những món đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, thịt kho không? Chợt ông nhìn vào khoảng không vô định, im lặng hồi lâu, rồi lắc đầu.
Nhiều người nói rằng ông Minh hài hước, ít khi thấy ông buồn, nhưng khi đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời, có lẽ, người ta cũng thường nén nỗi cô quạnh vào những tiếng thở dài hằng đêm.
Vui người, buồn ta
May mắn hơn ông Nguyễn Văn Minh, ông Nguyễn Văn Chánh lại có cho mình một gia đình để chăm sóc, lo lắng, nhưng hơn ai hết, ông lại thấm thía những nỗi buồn mang tên “Tết xa nhà”.
Ông Nguyễn Văn Chánh (còn gọi là ông Ba Chánh), quê ở Bình Định chính là người đàn ông mặc áo dài đỏ nhảy múa trên đường phố Sài Gòn được cư dân mạng lan truyền những đoạn clip cách đây gần vài năm.
Tết năm nay, vẫn địa điểm cũ, công việc cũ, ông Ba Chánh tươi cười nhảy múa trên đường phố trong điệu nhạc xuân rộn ràng. Ông liên tục cúi đầu chào dòng người qua lại trên đường, không quên mời khách ghé lại mua ủng hộ gói bắp, gói cốm.
Ông xa quê từ năm 2015, suốt 15 năm qua, dù cho cuộc sống vất vả nhưng ông Ba Chánh luôn cố gắng để các con được ăn học đàng hoàng. Với gánh hàng bỏng ngô, ông bán từ 8 giờ sáng đến tận 2 giờ đêm mới về nhà trọ.
Ông Chánh tâm sự: “Tết sắp đến, tôi cũng bán được nhiều hàng hơn. Nhiều người đi ngang hay kêu tôi là ông khùng nhưng tôi cứ mặc kệ, khùng điên gì miễn là con tôi có tiền ăn học đầy đủ, đàng hoàng là tôi mừng. Mấy cái điệu nhảy này là tôi học trên tivi hết trơn đó, bắt chước theo ca sĩ người ta nhảy thôi”.
Được biết, ông Chánh có 3 người con tên Hiếu, Tài, Năng đều được cho học hành tử tế. Vì tương lai con mình, ông chấp nhận xa quê, chấp nhận bị chửi là “khùng, điên” để tích góp từng đồng gửi về.
Tết năm ngoái, ông Chánh cũng không về quê cùng gia đình mà quyết định ở lại Sài Gòn để bán thêm. Các con gọi vào bảo: “Ba ơi về quê ăn tết với tụi con!”, ông Chánh buồn rầu đáp: “Nhưng ba chưa có tiền, rồi tụi con ăn gì?”. Con ông lại nói: “Tụi con ăn gì cũng được, ăn nước mắm cũng được, tụi con không cần quần áo mới nữa, miễn là ba về nhà…“, ông Chánh kể lại.
Kết thúc cuộc trò chuyện, dòng người ngoài kia vẫn vội vã, lòng người cũng hối hả, rộn ràng những niềm vui ngày đầu năm mới. Ông Chánh vẫn tiếp tục công việc của mình tựa như chưa có một nỗi buồn nào vừa ghé qua.
Ai biết được rằng, người tạo nên những điệu nhảy vui mắt kia lại là người lòng còn mang nặng muôn nỗi lo toan.
Nỗi nhớ con, nhớ nhà cũng đành tạm gói lại trong ánh nhìn xa xăm vì chẳng biết giãi bày cùng ai…