Một chương trình vui chơi trong im lặng, không ai nói với ai một câu nào. Thay vào đó, họ giao tiếp với nhau bằng những cử chỉ cơ thể và biểu cảm nét mặt đầy sinh động. Không một âm thanh hay lời nói nào cất lên nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi mỗi người, niềm vui và hạnh phúc luôn ngập tràn trong ánh mắt của các thành viên. Đó chính là khung cảnh buổi sinh hoạt mừng tết trung thu của câu lạc bộ khiếm thính Funny Deaf vừa diễn ra vào sáng hôm qua. Dù không thể cảm nhận trọn vẹn không khí nhộn nhịp của ngày hội trăng rằm như những người bình thường nhưng những người khiếm thính vẫn biết cách tự tạo niềm vui cho mình, theo cách riêng của họ.
Người ta vẫn nghĩ lời nói là công cụ giúp con người hiểu nhau và xích lại gần nhau. Cho nên ở trong một không gian mà tất cả âm thanh đều trở nên vô nghĩa như thế này, việc làm sao để mọi người có thể gắn kết với nhau và tận hưởng niềm vui cùng nhau tưởng chừng bất khả thi. Nhưng không phải vậy, ngôn ngữ ký hiệu (hay còn được gọi là thủ ngữ) đã giúp những người khiếm thính không còn cảm thấy cô độc trong thế giới không âm thanh đầy buồn bã của họ nữa.
Buổi sinh hoạt mừng tết trung thu của Funny Deaf được mở màn bằng những tiết mục văn nghệ (nhảy múa và diễn kịch) do chính các bạn khiếm thính biểu diễn. Mặc dù bị hạn chế nghe nói nhưng bù lại, phần lớn người khiếm thính đều có khả năng biểu cảm hình thể và nét mặt rất tốt. Dù không thể hiểu thủ ngữ nhưng bất kỳ ai khi xem những màn trình diễn văn nghệ của người khiếm thính đều có thể hiểu được thông điệp mà họ muốn gửi gắm.
Như một cách gợi nhắc về những ký ức tuổi thơ tươi đẹp của ngày tết trung thu, Funny Deaf còn tổ chức cuộc thi làm lồng đèn giấy. Các bạn tham gia tranh tài được chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm bốc thăm chọn một hình mẫu và sau đó cùng nhau làm chiếc lồng đèn theo hình mẫu đó. Các thành viên không tham gia sẽ làm ban giám khảo, biểu quyết chọn ra chiếc lồng đèn đẹp nhất để trao giải.
Sau đó, tất cả mọi người lại ngồi quây quần bên nhau để thưởng thức những chiếc bánh trung thu thơm ngon, kể nhau nghe những giai thoại về ngày Tết đoàn viên và chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống.
Đặc biệt, tết trung thu năm nay của Funny Deaf càng rộn ràng hơn khi có thêm sự góp mặt của các thành viên đến từ Câu lạc bộ Khiếm thính TP HCM, Câu lạc bộ Văn hóa Người điếc TP HCM, các em nhỏ và phụ huynh đến từ trường khiếm thính Hy Vọng cùng các bạn sinh viên - tình nguyện viên ngôn ngữ ký hiệu. Dù ở những lứa tuổi, hoàn cảnh sống, công việc… khác nhau nhưng khi ngồi lại bên nhau trong một dịp ý nghĩa như thế này, mọi khoảng cách giữa mọi người dường như đều được xóa bỏ.
Câu lạc bộ khiếm thính Funny Deaf chính thức được thành lập và đi vào hoạt động quy củ từ cuối năm 2011 với mong muốn tạo nên một sân chơi liên kết và hỗ trợ lẫn nhau cho các thành viên là người khiếm thính tại TP.HCM. Bên cạnh 2 dịp lễ lớn là tết trung thu và lễ Giáng Sinh, câu lạc bộ còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng vào sáng Chủ nhật mỗi tuần.
Nhắc đến Funny Deaf không thể không nhắc đến người đứng ra thành lập và điều hành hoạt động của câu lạc bộ từ khi còn hoạt động tự phát cho đến nay. Đó là cô Lê Thị Thu Xương, một giáo viên ngôn ngữ ký hiệu rất được các bạn khiếm thính yêu quý.
Từ năm 2001 đến nay, cô Xương không chỉ cần mẫn dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính để họ có thể giao tiếp trong cuộc sống mà còn chỉ dạy họ cách sống, đối nhân xử thế ở đời. Năm 1992, may mắn được một người Mỹ tặng một chiếc máy trợ thanh, cô Xương đã có thể nói chuyện lại được bằng cách đặt máy dưới cổ họng. Từ khi nói lại được, cô lại đóng thêm một vai trò mới - là cầu nối ngôn ngữ cho cộng đồng người khiếm thính với xã hội. Mỗi khi có biến cố trong cuộc sống như bị cảnh sát giao thông bắt vi phạm cho đến giải quyết tranh chấp tại tòa án…, các bạn khiếm thính lại cầu cứu cô Xương.
Chính cô Xương đã giúp những người khiếm thính tự tin vui sống, hòa nhập với cộng đồng và trở thành những người có ích cho xã hội. Cô không chỉ được xem là cô giáo mà còn là người mẹ hiền của nhiều thế hệ người khiếm thính tại TP HCM trong suốt 15 năm qua.
Đứng nhìn các học trò vui vẻ chơi đùa cùng nhau, cô Xương không khỏi chạnh lòng: “Bây giờ cô đã già rồi, sức khỏe không còn tốt nữa. Cô chỉ mong sao sẽ sớm tìm được một bạn trẻ sẵn lòng thay thế cô làm cầu nối ngôn ngữ và chỗ dựa tinh thần cho các bạn khiếm thính, để các bạn khiếm thính có thể tiếp tục sống trong tinh thần vui vẻ, lạc quan như bây giờ thì cô mới yên lòng”.