Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ

Trong căn nhà tuềnh toàng rộng 6m2 giữa Thủ đô, bà Tuyết chắt chiu từng đồng để nuôi 4 miệng ăn. Tết đến, đào không có, quất cũng không với bà Tết vui nhất là được bên gia đình.

Nằm sâu trong con ngõ 241 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, người ta thấy một quầy tạp hóa nhỏ nằm nép bên đường trong căn nhà nhỏ xíu với những lớp tôn cũ mèm.

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 1
Căn nhà bưng tôn cơi nới chật hẹp của gia đình bà Tuyết.

Bà Phạm Thị Tuyết (69 tuổi) ngồi trầm ngâm phía ngoài cửa quầy tạp hóa nhìn xa xăm. Bên ngoài, người chở quất, người vác đào, không khí rộn ràng xôn xao con ngõ nhỏ. 

Nói là quầy tạp hóa nhưng chỉ là một vài đồ treo trên bức tường, phía dưới không đủ chỗ cho 2 người ngồi.

Trước đây, gia đình bà Tuyết cũng đầm ấm, hạnh phúc trọn vẹn như bao người khác. Những năm 1996, bà Tuyết cùng gia đình sống trong căn nhà rộng 80m2 ở cạnh vị trí hiện tại.

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 2
Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 3
Căn nhà nhỏ chật hẹp là nơi sinh sống của 3 thế hệ. Trong căn nhà nhỏ ấy, bà Tuyết là trụ cột chính nuôi 4 miệng ăn.

Căn nhà khi ấy rộng rãi, khang trang nhưng sau đó chồng bà bị tai nạn giao thông. Để trang trải cho vụ tai nạn, gia đình đã phải bán căn nhà, chuyển qua sống tại gian bếp chật hẹp, rộng 6m2.

Dù nhỏ bé nhưng căn nhà là nơi sinh sống của 4 người, 3 thế hệ, ít ai ngờ rằng, người phụ nữ đã gần 70 tuổi lại đang là trụ cột chính trong căn nhà ấy.

Cuộc đời nghiệt ngã của nữ nhà giáo về hưu

Đã hơn nửa cuộc đời nhưng những sóng gió, vất vả vẫn bủa vây lấy bà Tuyết. Mọi đắng cay chua chát bà đều đã nếm đủ. Dù đã ở tuổi 70 nhưng bà Tuyết vẫn làm đủ thứ việc để trang trải, gồng gánh nuôi 4 người. Trong đó có một người con trai bị tai biến, 2 người cháu còn đang tuổi ăn học.

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 4
Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 5
Bà Tuyết là giáo viên về hưu nhưng biến cố cuộc đời liên tục ập đến khiến cuộc sống người phụ nữ gặp vô vàn khó khăn.

Khi còn trẻ, bà Tuyết từng là giảng viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi ấy, bà có một cuộc sống rất đầm ấm, hạnh phúc.

Gia đình cũng không khó khăn gì. Bà cũng thường giúp những bạn bè cùng chang lứa khi mọi người gặp khó khăn. Khi ấy, chồng bà là bộ đội, sau phục viên làm thêm nghề lái xe, chở đồ. Cả hai có với nhau một người con trai, một gái.

Sau biến cố tai nạn và phải bán nhà, gia đình bà Tuyết khi ấy có bốn thành viên phải chuyển đến khu bếp hai tầng 6m2 bố mẹ để lại. Khi về ở, hai ông bà cố cơi nới, chắp vá thành túp lều 5 tầng và sống từ năm 2000 đến hiện tại.

Sau nhiều cố gắng nỗ lực, cuộc sống gia đình đã dần ổn định trở lại. Con trai ông bà là anh Nguyễn Dương Nam, (39 tuổi) cũng lập gia đình.

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 6
Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 7
Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 8
Căn nhà rộng chưa đầy 6m2.

Hai vợ chồng anh Dương Nam có với nhau 2 người con là Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 2005) và Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 2007), cuộc sống gia đình khi ấy dù khó khăn hơn trước nhưng đầm ấm, hạnh phúc.

Đến năm 2008, bà Tuyết về nghỉ hưu, bà mở quầy tạp hóa bán vài đồ lặt vặt thân thiện nên hàng xóm cũng hay mua ủng hộ. Khi ấy bà cũng tranh thủ phục vụ quán ăn cho người quen để kiếm thêm thu nhập.

Sóng gió bắt đầu vào năm 2011, vợ anh Nam ôm hai con ra đi, nói rằng về nhà ngoại nhưng thực chất là đi biệt tích. Các bé khi ấy chỉ vừa lên 4 và 6 tuổi.

Sau thời gian tìm kiếm mòn mỏi không có tung tích, một ngày, bà Tuyết bỗng nhận điện thoại, báo hai cháu đang ở Trà Vinh: “Hai đứa nó ghẻ lở không nuôi được xong tôi lặn lội vào đón ra Bắc”, bà Tuyết nói.

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 9
Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 10
Trong nhà không có vật dụng gì giá trị.

Hai năm sau, con dâu ngỏ ý muốn đón con gái về sống cùng. Thương cháu thiếu thốn tình cảm cha mẹ, bà Tuyết đồng ý. Một năm sau, người phụ nữ tiếp tục để con cho bố mẹ đẻ rồi bỏ đi. Bà nội lại ngược xuôi đón cháu về.

“Bố mẹ nó chưa ly hôn đâu. Giờ muốn lý hôn ký giấy vắng mặt thì mất phí 10 triệu nên giờ ly hôn thì mẹ chúng nó phải ra đây ký cùng nhau.

Tôi bảo nó ra đây gặp con, động viên tình cảm thôi nhưng nó bảo ra không có tiền cũng ngại. Tôi cũng bảo có cần gì đâu chủ yếu là ra để có tình cảm với các con thôi”, bà Tuyết chia sẻ.

“Vừa là ông, là bà, là bố, là mẹ của con và hai đứa trẻ”

Tưởng rằng từng ấy khó khăn đã là nhiều nhưng đến năm 2014, tai họa thực sự ập đến. Anh Nam đang đi xe đạp thì bị tai biến và mất khả năng lao động.

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 11
Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 12
Những món hàng tạp hoá treo trên tường là một phần nguồn thu nhập mưu sinh trang trải cho gia đình.

Gia đình cố chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình của anh Nam không thuyên giảm. Từ một tài xế với những hành trình đó đây, anh Nam mắc bạo bệnh rồi dần cảm thấy tự ti, hạn chế giao tiếp. Giờ đây anh cũng thường khép mình một góc trong căn phòng nhỏ trên tầng 3 căn nhà.

Bà Tuyết chỉ còn biết bươn chải, tích góp cùng dựa vào chồng vượt qua những tháng ngày dài khó khăn. Thế nhưng số phận nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha cho người đàn bà ấy.

Năm 2019, người chồng phát hiện mắc ung thư phổi. Mọi thứ đến quá nhanh, đến năm 2021 ông qua đời. Bà Tuyết lúc này phải gánh vác trên vai mọi gánh nặng của cả gia đình.

“Tôi trở thành vừa là ông, là bà, là bố, là mẹ của con và hai đứa trẻ”, bà Tuyết nghẹn ngào.

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 13

Khó khăn là thế nhưng bà Tuyết không dựa dẫm hay phụ thuộc vào những người quanh mình. Mọi chi tiêu trong nhà được bà xoay xở với mức lương hưu 5,6 triệu đồng/tháng, cùng với thu nhập từ gian hàng tạp hóa để trang trải cho hai cháu đi học và cuộc sống gia đình.

Mọi công việc trong nhà cũng đều do bà Tuyết quán xuyến. Trong mắt Hiếu và Trang, bà Tuyết luôn tràn đầy năng lượng và sức mạnh đây cũng là nguồn năng lượng để động viên gia đình vượt qua nghịch cảnh.

“Thằng lớn học phí là 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng được cái nó học cũng được. Biết nghĩ rồi, nó bảo cố học sau này nuôi bố nó. Cũng không hay thổ lộ tình cảm gì với bà đâu”, bà Tuyết chia sẻ.

Cuộc sống khó khăn bà cũng được mọi người quanh khu vực quý mến nên mọi người thường đến mua hàng của bà. Một số mạnh thường quân cũng hỗ trợ tiền cho việc học của cậu cháu trai lớn nên cuộc sống đỡ gánh nặng phần nào.

Tết trong căn nhà 3 thế hệ

Khó khăn chồng chất, Tết đến trong căn nhà nhỏ chật hẹp, bà Tuyết cũng không mong cầu gì cao sang. Những bữa cơm Tất niên hàng năm con cháu cũng thường chia ca đến để có chỗ ngồi trong nhà.

Tết trong căn nhà 6m2 và cuộc đời của 3 thế hệ gánh trọn trên vai người phụ nữ Ảnh 14
Ở cái tuổi 70, bà Tuyết cũng không còn mong cầu gì nhiều cho bản thân, chỉ mong sao trang trải lo được cho các cháu ăn học, công việc ổn định.

“Tết mua mấy chiếc bánh trưng thôi, đào quất thì không có, dù có thì cũng không có chỗ mà để, chỗ ngồi còn hạn chế mà. Tết thì có gia đình con gái tôi cũng đến chơi, anh em cũng có nhưng đến nhà thì mọi người cũng biết ý tự chia ca vì nhà chật quá.

Đông quá thì trẻ con ăn trước lên tầng trên xong người lớn ăn sau, cũng ấm cúng, chật quá thì lên nhà chú em. Tết các cháu đi chơi chúc Tết, tôi thì ở nhà loanh quanh thôi”, người đàn bà cả năm chật vật nhắc về ngày Tết của mình.

Ở cái tuổi 70, bà Tuyết cũng không còn mong cầu gì nhiều cho bản thân, chỉ mong sao trang trải lo được cho các cháu ăn học, công việc ổn định.

“Lắm lúc nghĩ cũng thương chúng nó không có mẹ ở bên. Thằng bé nó cũng không hay thổ lộ, mẹ nó gọi nó cũng không nghe, chắc nó cũng trách, mong sao cho chúng nó chịu khó học hành, mạnh khỏe là tôi mừng lắm rồi”, bà Tuyết nói rồi với vội vài gói bột ngọt cười mỉm đưa cho vị khách đang hối hả về nhà sau một ngày sắm Tết.

Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tùng Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất