Như Saostar đã đưa tin, vào chiều hôm qua 23/9 ở Tân Mai, Hà Nội, một bé trai 10 tuổi trong lúc đạp xe đi chơi đã va vào tấm tôn của người chở xe xích lô đang dừng đỗ bên lề đường, tấm tôn cứa vào mạch cổ khiến cháu bé bị mất máu nghiêm trọng.
Cháu bé được mọi người đưa vào Bạch Mai nhưng đã tử vong. Bác sĩ cấp cứu chính cho cháu bé - Ngô Hùng cho hay: Vì tấm tôn cứa đứt khí quản và thực quản, nên bệnh viện đã huy động toàn bộ kíp trực cấp cứu cầm máu cho cháu bé, tuy nhiên đặt ống nội khí quản cực kì khó khăn mới có thể luồn qua được vết cắt. Người cháu bé đẫm mùi máu tanh khiến mọi người trong phòng cấp cứu ai cũng xót xa. Vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của các bác sĩ cấp cứu nên anh phải đuổi người nhà ra chỗ khác cũng như dặn bảo vệ không để họ đến gần.
Tuy nhiên do mất máu quá nhiều nên cháu bé đã không thể qua khỏi. Bác sĩ Ngô Hùng nghẹn ngào: “Dù rằng rất muốn cứu cháu bé nhưng y học là hữu hạn, cuối cùng các bác sĩ cũng bất lực. Các điều dưỡng chảy nước mắt thương cháu bé. Tôi tiếp tục ký giấy chuyển cháu bé xuống nhà đại thể. Cảm giác tuyệt vọng dâng lên một cách khủng khiếp. Chúng ta đều là người, ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất đến với những người yêu thương nhưng đôi khi những cố gắng là không thể.”
Sau khi cháu bé mất, vì không nhẫn tâm nhìn bố mẹ em tuyệt vọng nên bác sĩ Ngô Hùng không cho họ vào phòng nhận con mặc cho họ trách cứ. Anh nói: “Thôi cháu bé hãy ngủ ngoan, và các bác sĩ chỉ còn cách tàn nhẫn là không cho bố mẹ cháu vào bệnh phòng để cháu biết, cuộc đời này đôi khi sự tàn nhẫn là cần thiết.”
Cũng theo Bác sĩ - Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cháu bé đã bị mất máu quá nhiều không được sơ cứu đúng cách tại hiện trường vì những vết thương dạng này không quá phức tạp, chỉ cần mổ cấp cứu là có thể cứu sống nạn nhân. “Mất máu rất dễ dẫn đến tử vong nhưng nếu biết cách sơ cứu thì hoàn toàn có thể cứu được. Ở khâu sơ cứu tại hiện trường, chỉ cần tìm cách cầm máu sau đó đưa nạn nhân đến viện cấp cứu nhanh nhất.”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Rất nhiều người không biết cách sơ cứu nạn nhân mặc dù đây là một kiến thức khá phổ biến và không quá phức tạp. Người sơ cứu chỉ cần lấy tay bịt miệng vết thương bằng vải, khăn, quần áo… để cầm máu sau đó đưa người bị nạn cấp cứu. Sơ cứu tốt cho nạn nhân không chỉ tăng thêm hi vọng sống cho họ mà còn là khâu cực kì quan trọng để tiết kiệm chi phí, thiết bị đơn giản nhất cho bệnh viện, tiến sĩ Dương Đức Hùng khuyến cáo mọi người.
Chuyện bé trai bị tôn cứa làm mất máu quá nhiều, lại không được sơ cứu đúng cách dẫn đến cái chết thương tâm một lần nữa không chỉ báo động về tình trạng chở các vật sắc nhọn trên đường không che chắn mà còn cảnh báo về việc thực trạng sơ cứu cho người bị nạn còn non kém của đại bộ phận người dân dù rằng đây chỉ là những kiến thức cơ bản nhất. Cái chết của bé trai đáng thương là bài học đắt giá cho mỗi người chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc sơ cứu nạn nhân, để không còn xảy ra những cảnh chia ly đầy đau xót.
Các thông tin liên quan đến sự việc:
Đứt cổ vì tấm tôn trên xe xích lô, một bé trai nguy kịch
Bé trai bị tấm tôn cứa đứt cổ đã tử vong tại bệnh viện Bạch Mai
Những ‘hung thần’ đường phố có thể giết chết bạn bất cứ lúc nào
Vụ bé trai bị tấm tôn cứa cổ: Người điều khiển xe xích lô chở tôn có nguy cơ đi tù?