Vào ngày 3/10, một trang fanpage dành cho những người thích xăm hình tại Hà Nội đã đăng tải một bức ảnh chụp lại màn hình bài viết kèm ảnh trên Facebook của một phụ nữ với dòng chú thích “Giáo viên đáng yêu nhất Việt Nam. Cô đã “phá đảo thế giới ảo” trong mắt em”.
Theo nhận dạng của một số Facebooker thì người phụ nữ selfie trong bức ảnh trên được cho là cô Vinh, một giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Việt Trì (Phú Thọ). Đi kèm ảnh selfie của cô là một bức “tâm thư” mà cô gửi gắm đến em học sinh đã tố với ban giám hiệu về việc cô sở hữu một hình xăm ở bàn chân.
Nguyên văn bức “tâm thư” của cô Vinh như sau:
“Thân gửi em học sinh đã lên phản ánh về hình xăm của tôi với ban giám hiệu!
Cô rất lấy làm tiếc không thể biết em là ai vì chỉ được nghe thông tin một chiều từ lãnh đạo. Cô chỉ muốn chia sẻ với em vài điều: Thứ nhất, cô đã chọn cho mình một hình xăm ý nghĩa, mang tính phong thủy và nó liên quan đến đời tư của cô, không liên quan đến bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Thứ hai, cô đã lựa chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo mỹ thuật. Thứ ba, hình xăm của cô không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay hình ảnh của trường, không liên quan đến việc em hài lòng hay không hài lòng.
Vì thế vui lòng mỉm cười khi chúng ta gặp nhau nơi trường lớp và nhìn vào mắt nhau để biết cuộc sống này còn nhiều yêu thương, chứ đừng soi xuống bàn chân của cô để thấy phiền lòng chỉ vì cái hình xăm!
Còn việc ai đó nói rằng tôi phải xóa hình xăm đó đi, thì xin lỗi chị nhé, người có quyền nói câu đó chỉ duy nhất là cha tôi thôi!”
Ngay sau khi được fanpage trên chia sẻ, bức “tâm thư” của cô Vinh đã thu hút gần 2.500 lượt thích, 100 lượt chia sẻ và 100 bình luận. Chưa kể trước đó, bài viết trực tiếp trên Facebook của cô đã đón nhận gần 600 lượt thích. Các cư dân mạng đua nhau bày tỏ sự đồng tình, ngưỡng mộ và dành nhiều lời khen tặng có cánh cho cô giáo có hình xăm như “cô giáo của năm”, “cô giáo chất nhất vịnh Bắc Bộ”, “cô giáo cá tính”…
Facebooker Tân Trần bày tỏ sự đồng cảm với cô Vinh: “Giáo viên cũng là con người, có sở thích như những người khác. Ai bảo xăm hình là xấu?”
Tương tự, bạn Tú Ngọc Lương quan niệm: “Hình xăm không liên quan đến vấn đề đạo đức”. Còn bạn DeeZay Học lại thể hiện quan điểm có phần cứng rắn hơn khi cho rằng: “Xăm hình nhưng lịch sự, ý thức… thì hơn cả triệu người đang nằm ở nhà phê phán xăm hình nha. Không xăm mà xấu xa cũng vứt đi thôi”.
Đặc biệt, sau câu chuyện của cô Vinh, nhiều giáo viên có hình xăm khác vốn vẫn còn dè dặt với dư luận cũng đã được tiếp thêm sức mạnh để thoải mái chia sẻ. Cô giáo Nguyệt Quỳnh cho biết: “Tôi có một hình xăm và tôi vẫn là một giáo viên yêu nghề”. Còn thầy giáo Dinh Tien Duc chia sẻ trường hợp của bản thân: “Mình yêu thích công việc làm giáo viên, mình luôn nỗ lực hết mình để dìu dắt các em trở thành những người tốt. Mình rất yêu quý học sinh. Và mình cũng thích chia sẻ cho học sinh về những hình xăm của mình”.
Như những Facebooker ủng hộ cô Vinh đã nói ở trên, giáo viên cũng là con người và họ cũng có những sở thích riêng, như xăm hình chẳng hạn. Việc những thầy giáo, cô giáo bản lĩnh vượt qua định kiến và cái nhìn khắt khe của xã hội đối với nghề nghiệp của họ để sở hữu một hoặc một vài hình xăm theo sở thích đã không còn là chuyện hiếm hoi trong vài năm trở lại đây.
Cô Vinh không được cộng đồng mạng tung hô vì sở hữu một hình xăm, một điều đã trở nên quá đỗi bình thường và phổ biến trong xã hội đương thời. Điều giúp cô và câu chuyện của mình được dư luận quan tâm, ủng hộ nằm ở chính thái độ bản lĩnh, cứng rắn của cô khi đối diện với những định kiến của người đời về một giáo viên có hình xăm. Bên cạnh đó, lời văn mực thước nhưng không kém phần đanh thép trong bức “tâm thư” của cô Vinh gửi người học trò “chơi xấu sau lưng” càng khiến cô chiếm được nhiều thiện cảm từ những người ủng hộ mình.
Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả ở những nước phát triển như Anh thì việc giáo viên xăm hình vẫn là một vấn đề chưa thực sự được xã hội dễ dàng chấp nhận. Vào cuối năm 2014, cô Charlotte Tumilty, một giáo viên của trường St John Vianney ở Hartlepool (Anh) đã phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi việc vì sở hữu rất nhiều hình xăm ở cánh tay, ngón tay và cổ… Nhà trường yêu cầu cô phải xóa hết tất cả các hình xăm thì mới có thể trở lại công việc giảng dạy.
“Tôi cảm thấy khó chịu khi họ có thành kiến với tôi chỉ vì những hình xăm. Tôi đã mất nhiều công sức để khẳng định vị trí của mình. Các học sinh cũng bắt đầu yêu quý, tin tưởng và gọi điện nhờ tôi tư vấn. Nhưng giờ tôi lại phải nghỉ dạy?”, cô giáo người Anh chia sẻ.