Gia đình là điều thiêng liêng nhất với cuộc đời mỗi người. Nơi ấm áp nhất thế gian này cũng chính là gia đình, nơi có ba mẹ luôn sẵn sàng dang tay ôm ấp những đứa con to xác. Cuộc sống xoay vần, những đứa con dần lớn lên cũng là lúc chúng muốn bay đến những chân trời mới, tất bật với chuyện học hành, kiếm tiền, sự nghiệp... Để rồi, lắm khi quên mất nơi quê nhà cha mẹ vẫn đang từng ngày ngóng trông. Thậm chí, chúng đi xa đến mức có đứa con chẳng kịp nhìn người thân lần cuối khiến nỗi đau mất người thân cứ mãi dày xéo khôn nguôi.
Đó cũng chính là nội dung câu chuyện "Tấm lịch treo tường" đạt giải nhất tại cuộc thi viết mang tên "Về nhà thôi" của chị Thanh Trúc (TP.HCM). "Tấm lịch treo tường" viết về người cha của chị Thanh Trúc, qua câu chuyện này, có người nhìn thấy chính mình trong đó; cũng có người kịp nhận ra bấy lâu nay đã vô tâm với cha mẹ đến nhường nào...
Chị Trúc kể, gia đình chị không mấy khá giả, mẹ lại đau ốm triền miên, suốt nhiều năm qua, cha của Thanh Trúc là trụ cột chính. Người đàn ông ấy tần tảo sớm hôm, lênh đênh trên biển đánh cá. Vất vả là thế, nhưng ông vẫn cố gắng để các con được ăn học nên người.
Tấm lịch treo tường là món đồ chất chứa nhiều kỷ niệm về người cha của Thanh Trúc. Nó như nhân chứng của những ngày khó khăn, vất vả nhưng đầy ắp kỷ niệm thân thương. Suốt bao nhiêu năm, từ lúc Thanh Trúc còn bé đến khi trở thành sinh viên đại học, gia đình cô chỉ sử dụng một tấm bìa cũ để treo lịch.
Các con đi xa, người cha không ngày nào thôi mong ngóng, xé từng tờ lịch, đếm ngày các con trở về vào dịp Tết. Thế nhưng… khi Thanh Trúc tốt nghiệp đại học, khi người con xa xứ đang sắp sửa về đoàn tụ với quê hương, để cha không phải trông ngóng từng ngày thì tin dữ lại bất ngờ ập đến.
"Nỗi đau mất người thân dày xéo tôi tưởng như chết lặng. Tôi không nhớ nổi mình đã khóc bao lâu...", chị Trúc nhớ lại.
Nguyên văn câu chuyện xúc động của chị Thanh Trúc:
"Nhà tôi ở miền Trung, nơi vốn mưu sinh bằng nghề nông, nhưng lại không có nổi một mảnh ruộng để cày cấy.
Mẹ đau ốm triền miên, nên gánh nặng gạo tiền được đẩy hết lên đôi vai xương xẩu của ba trong những chuyến ra khơi đánh cá. Ba theo người quen vào tận Vũng Tàu, leo lên những con sóng dữ. Nỗi khó nhọc hằn trên nụ cười đầy vết rạn vì cháy nắng, hong khô cả bàn chân bị nước biển ăn mòn còn lốm đốm vệt muối trắng đục.
Ngày nhỏ, những bữa cơm đoàn viên chỉ xuất hiện vào đầu tháng, lúc ghe vô. Cả nhà quây quần bên cái mâm thiếc tròn, nơi chỉ có đĩa cà pháo cùng cái trứng luộc, mà miệng ai cũng cười rôm rả.
Lúc chúng tôi dần dài đôi cánh, những bữa cơm đông đủ chính là mâm cúng tất niên. Ba hay nhìn tấm lịch bloc, rồi ngắc ngứ gọi hỏi khi nào thì mấy đứa về tới? Chuyến tàu cuối ngày những hôm cận tết, tự nhiên ấm hẳn bởi có bóng ba đứng đợi ở trước cửa sân ga.
Ba vẫn gắng đi biển, lúc mái tóc đã muối tiêu quá bán. Ba bảo, chờ gái út ra trường, sẽ tạm biệt những mắc lưới chai tay. Cứ thế, tấm lịch treo tường được ba lật tới nhăn nheo, khi trở thành mốc giới hạn để ba mong ngóng.
Ba sắm nó từ lúc tôi lên 7. Mỗi năm, ba chỉ mua thêm cuốn lịch mới, còn tờ bìa cứng vẫn giữ lại dùng tiếp. Chả phải ba không muốn đổi, mà bởi khi đó loại chi tiêu thế này còn xa xỉ quá xá. Tôi nhớ lần đi chợ hôm giao thừa, ba đứng tần ngần trước sạp bán, sờ thử lên chữ Thọ được in dập nổi, rồi hẹn bà chủ hôm khác sẽ mua. Với đôi mắt nhàn nhạt tiếc nuối, chắc hai người đều ngầm hiểu sẽ chẳng có lần quay lại như lời hứa hẹn. Cái nghèo, đôi khi bó buộc cả những khao khát bình thường dịp giáp tết.
Tấm lịch đấy là bảo bối của ba – mẹ từng bảo với tôi như thế. Nó ở nhà tôi đã mấy mươi mùa xuân, chứng kiến bao vui buồn biến cố. Ba đóng nó trực tiếp lên tường, chẳng có thêm vật gì trang trí, nhưng không biết từ bao giờ mà nó thân thuộc với chúng tôi hệt như hơi thở. Dịp cận tết, tôi thường thấy ba ngồi trước hiên viết dăm ba câu thơ hoặc đôi lời bài hát trên mặt sau những tờ lịch đã xé. Đôi tay cầm bút của anh giáo làng ngày trước đã chai sạn dần qua những mắt lưới, nhưng chỉ cần có thời gian rỗi rảnh, ba lại hí hoáy luyện tập, không quên đếm ngược ngày bọn tôi trở về.
Những xấp lịch ngập đầy chữ được ba xâu vào cây đinh trên tường thành từng xấp, bay phất phơ dưới làn khói nhang trầm từ bàn thờ nội. Có lẽ với ba, chúng không chỉ là thứ để xem tháng ngày, mà còn là công cụ đong đếm nỗi nhớ con, là hành động rút ngắn thời gian đợi mong gia đình sum họp.
Ngày tôi ra trường, ba vẫn lênh đênh trên biển. Cầm tấm bằng đỏ trong tay, miệng tôi nhoẻn cười mà nước mắt cứ tuôn dài trên má. Tôi muốn về với ba ngay. Rồi thì, ba sẽ không phải nhìn lịch mà ngóng trông thêm nữa.
Thế mà...
Đêm ấy, cuộc điện thoại cuối cùng từ máy của ba là thông báo của người ta về việc... ba đã không thể cười với tôi được nữa. Tôi ngã khuỵu trong đêm trên nền gạch lạnh lẽo của sân ga Sài Gòn, lúc này đã chìm vào vắng lặng.
Chuyến tàu cuối ngày đã hết, chỉ còn tôi ngơ ngác giữa dòng đời xa lạ, chẳng hiểu sao lại mất đi ba thế này? Giây lát, tôi như phát điên. Chạy khắp mấy ô cửa bán vé, năn nỉ một tấm vé sót để về gặp ba mà cũng khó khăn quá đỗi. Lúc ấy tôi mới hoảng hốt phát hiện, khoảng cách giữa tôi với ba đã xa xôi đến nhường đó. Chuyến tàu cuối quan trọng nhất đời, tôi đã chẳng cách nào đặt chân lên đúng hẹn.
Tôi tốn hơn một ngày để về, trên chuyến xe tự lái của người quen. Vừa tới đầu làng, tiếng kèn trống não nề cùng cái cờ xí ảm đạm trước cổng nhà làm tim tôi đau đớn. Cũng là nơi thân thương ấy, nhưng sao nay lạ lẫm quá. Bóng ba chờ đợi như lẫn vào khói nhang u uẩn, ẩn sau tấm hình thờ rửa vội được đặt trước hiên.
Ba nằm im trên chiếc chiếu cói. Nước biển lạnh đọng gót chân ba, tới khi tôi về được đến nhà, đã khô hẳn và lấp lánh những vệt muối trắng. Vò một triệu đồng vừa kiếm được trong túi áo, tôi quỳ phịch xuống dưới đất, miệng đắng chát còn mắt thì mờ căm hơi nước.
Không kịp, thì ra cuối cùng, vẫn là không kịp!
Lời hứa sẽ không để ba phải tuổi cao bám biển, đến tận lúc ba nhắm mắt rồi, vẫn chưa thể lấp đầy dù chỉ một chút xíu...
Nỗi đau mất người thân dày xéo tôi tưởng như chết lặng. Tôi không nhớ nổi mình đã khóc bao lâu, chỉ biết rằng, lúc di quan, nhìn tấm ảnh thờ hiền hậu của ba, nước mắt của tôi lại tràn mi mà kéo đến. Thì ra cuộc đời luôn có nhiều cách để dạy mình trưởng thành, chỉ là, bài học này, sao mà đau đớn quá.
Ngày đưa ba ra đồng, tôi đem theo tấm lịch treo tường thân thuộc. Gỡ bỏ những chiếc đinh trói buộc, tôi đốt nó trước mộ. Ngọn lửa nuốt trọn những kí ức tuổi thơ, hóa thời gian chờ đợi của ba thành những mảnh tro bụi.
Mẹ trách khẽ, sao không giữ lại, rồi nhìn vật nhớ người? Nước mắt tôi chảy dài, bảo mẹ, bởi nó minh chứng sự chờ đợi của ba. Tôi sẽ không để mẹ phải hỏi lúc nào trở về, như ba ngày trước nữa. Mẹ nghe vậy, lom khom kéo vạt áo gai trắng, lau khóe mắt sưng lên đỏ ửng.
Chúng tôi cứ thế đứng đó tới khi bóng chiều ngả dần, tới khi những nức nở vụn vỡ lắng theo tấm lịch, thành cát bụi.
Tôi ôm vai, dìu mẹ khập khiễng bước xuống triền dốc đầy đá sỏi. Sờ chiếc khăn trắng trên đầu, tôi chẳng biết đang thủ thỉ với mẹ, hay đang nói với ba qua ngọn gió lào xào hàng dương liễu..
... Giờ... mình cùng về nhà thôi".
Xem thêm: Âu lo hiện hữu trong mắt phụ huynh ở ngày thi cuối cùng