Suốt nhiều thập kỷ qua, sự lãng mạn, đầy chất thơ của núi rừng Đà Lạt đã tạo nên vô vàn bản tình ca bất hủ như Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên); Đà Lạt hoàng hôn (Minh Kỳ & Dạ Cầm); Thành phố buồn (Lam Phương), nhạc Trịnh mang đầy âm hưởng mát dịu và u buồn của những chiều một mình…
Âm nhạc Đà Lạt, cảm xúc buồn và thương nhớ thiết tha đã theo công chúng trong hàng trăm năm lịch sử, trong từng góc nhỏ, con đường, lối cũ quanh co... Và gần đây nhất là trong buổi hoà nhạc nổi lên khi hoàng hôn nhập nhẹm phủ khắp thành phố.
Sau 5 năm, Mây Lang Thang trở thành thương hiệu gắn với Đà Lạt, là một điểm checkin không thể thiếu của các tín đồ du lịch, “gây bão” trên mạng xã hội với các video đạt hơn 100 triệu view.
Một buổi sáng đầu tháng 7, PV SAOStar đã có cơ hội gặp ông Võ Hoàng Việt (Founder Mây Lang Thang) để lắng nghe câu chuyện ra đời của mô hình đặc biệt này.
ƯỚC MƠ CỦA NHỮNG GÃ “KHÙNG” VÀ CƠ DUYÊN GẶP GỠ CỐ NGHỆ SĨ CHÍ TÀI
Đang có sự nghiệp vượt trội trong lĩnh vực marketing ở TPHCM, tại sao anh lại quyết định về Đà Lạt, khởi nghiệp mô hình phải nói “độc lạ” lúc bấy giờ?
Thực tế, chúng tôi đều không xuất thân từ người hoạt động trong ngành nghệ thuật, không có mối quan hệ thân thiết với nghệ sĩ, mà chỉ có tình yêu với âm nhạc và Đà Lạt. Vì vậy, khởi điểm của Mây Lang Thang là chuỗi cà phê, homestay tại Đà Lạt.
Đến khi chúng tôi lên ý tưởng về những show hát live tại thành phố, phải nói mọi thứ vô cùng khó khăn. Mọi người đều không biết bắt đầu từ đâu, ban nhạc, ca sĩ, âm thanh, ánh sáng thực hiện như thế nào, thậm chí cả cách bố trí bàn ghế, đón tiếp khán giả cũng trở thành vấn đề đau đầu.
Nhưng chúng tôi có một niềm tin những gì Mây đang làm là đúng và phù hợp với thị hiếu khán giả. Bởi nó đã xuất phát từ chính nhu cầu, khát khao của những kẻ yêu nhạc và yêu Đà Lạt như chúng tôi. Bạn cứ thử nhắm mắt và tưởng tượng về tiếng nhạc trong ánh chiều tà lúc 16h30 xem nó tuyệt vời biết bao!
Khó khăn ở giai đoạn đầu tiên này sẽ được anh mô tả như thế nào?
Chúng tôi là những kẻ tay ngang, không quen biết ai trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và ca nhạc nói riêng nên mọi thứ rất mơ hồ. Cuối cùng, chính lòng chân thành, kiên trì và một chút máu liều “điếc không sợ súng”, tôi đã liên hệ người quen kết nối với 1-2 ca sĩ và ban nhạc.
Chúng tôi sẽ không bao giờ quên được khi ấy nhóm có đúng 5 người ngồi chia nhau đi in poster ca sĩ, xếp ghế, thắt từng bông hoa lên ghế, thậm chí sàn sân khấu cũng chỉ là mặt bàn ăn đang sử dụng… Đến ngày diễn ra buổi diễn, tất cả vô cùng hồi hộp, lo lắng đón tiếp những vị khách đầu tiên. Thế nhưng, 3 show đầu tiên chúng tôi hoàn toàn thua lỗ, mọi người buộc phải can: “Việt, hay là thôi!”.
May mắn, trong đêm diễn thứ 4, ở hàng ghế khán giả có một khách mời đặc biệt: Cố Nghệ sĩ Chí Tài. Anh lên Đà Lạt chơi, biết tin anh Lê Hiếu có một đêm nhạc đến đây, anh mua vé đến tận nơi xem.
“Các em liều quá” - tôi vẫn nhớ như in lời anh Chí Tài khi gặp chúng tôi sau sự kiện. Sau đó, chính anh đã ngỏ lời muốn hợp tác, hỗ trợ chuyên môn cho Mây. Từ đó, cố nghệ sĩ Chí Tài đã giúp chúng tôi kết nối với nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước, hỗ trợ Mây ngày càng hoàn thiện hơn.
CLIP 100 TRIỆU VIEW VÀ CÁI TÊN ĐẦU TIÊN NGƯỜI TA NHẮC ĐẾN KHI MUỐN NGHE NHẠC TẠI ĐÀ LẠT
Quy tắc để nghệ sĩ ngồi ở một mô hình không tên tuổi lúc đó sẽ là gì?
Chân thành và kiên trì!
Thành thật mà nói thời điểm đó với khả năng của Mây chắc chắn không thể mời được. Nhưng cứ một anh chị diễn xong, Mây lại nhờ anh chị về chia sẻ cho nhiều nghệ sĩ thân quen khác.
Cuối cùng kết quả đã mỉm cười với anh như thế nào?
Người ta nói “quá tam ba bận”, nhưng đến show thứ 5 chúng tôi vẫn lỗ. Buổi chiều, tiếng hát của Nguyên Hà cất lên trong màu hoàng hôn tím “Xin lỗi cơn mưa vừa qua”, tôi tin rằng mình làm đúng và con đường sẽ có quả ngọt!
Từ show thứ 6, Mây bắt đầu đi vào quỹ đạo, được mọi người ủng hộ và biết đến nhiều hơn. May mắn tiếp theo nữa là khi hình ảnh anh Lê Hiếu hát trong chiều mưa phảng phất với hàng trăm chiếc dù của khán giả trở nên viral chỉ sau 1 đêm đã giúp chúng tôi kết nối nhiều nghệ sĩ.
Sau gần 1 năm, Mây mạnh dạn mở sân khấu thứ 2 tại Đà Lạt to hơn và view đẹp hơn. Và lần nữa điều kì diệu lại đến khi ca khúc “ Chỉ là không cùng nhau” của Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi đạt hơn 100 triệu view sau 3 tháng.
Hiện tại chúng tôi tổ chức 1000 show, có mặt 15 tỉnh thành cả nước và gần 150 nghệ sĩ tham dự biểu diễn như ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Hoàng Hải, Hà Nhi, Trung Quân, danh ca Tuấn Ngọc…
Vì sao sau 5 năm, Mây Lang Thang mới quyết định làm concert đúng nghĩa trên sân khấu nhà hát vào tháng 7 này?
Mình quan niệm làm việc cần 2 chữ “đủ duyên”!
5 năm là một chặng đường không quá dài cũng không quá ngắn để chúng tôi thấu hiểu bản thân mình và hiểu hơn khán giả của Mây. Và concert lần này chính là lời cảm ơn tình yêu Mây gửi tới tất cả mọi người.
Mây Concert được ấp ủ từ lâu, quy tụ 6 nam ca sĩ đại diện cho những thế hệ “Quý ông nhạc Việt tình ca” với sự tiếp nối từ danh ca Tuấn Ngọc đến Bằng Kiều, Lê Hiếu, Quốc Thiên, Phan Mạnh Quỳnh, Vũ, cùng những màn kết hợp đặc biệt. Chuỗi Concert đầu tiên của nhà Mây sẽ là những câu chuyện rất mới, với sự giao thoa của hình ảnh và ánh sáng, dẫn dắt âm nhạc bởi những chân dung được tôn vinh bởi đại chúng.
ƯỚC MƠ HÌNH THÀNH THÓI QUEN NGHE NHẠC 16H30
Như anh nói, hiện tại Mây Lang Thang đã mở rộng các buổi hòa nhạc trên cả nước, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là vùng đất Đà Lạt lãng mạn phù hợp với chuyện ngồi nghe nhạc sau 16h30. Vì vậy, anh có suy nghĩ chính sự mở rộng này đang làm mất chất?
Cảm ơn bạn vì 1 câu hỏi rất hay! Thực tế đã có nhiều khán giả của Mây từ đầu đã đặt câu hỏi này. Đúng là khi mang Mây đi lang thang khắp các tỉnh thành trên cả nước, chắc chắn chúng tôi sẽ không thể thu lại được 100% tinh thần show tại Đà Lạt là combo âm nhạc và du lịch trải nghiệm riêng.
Thế nên, khi Mây đến tỉnh thành khác, chúng tôi sẽ điều chỉnh phù hợp từng nơi, địa điểm biểu diễn từ khâu dàn dựng sân khấu đến trải nghiệm show. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giữ lại linh hồn của show: Mini liveshow với live band, live vocal.
Ngoài Mây Lang Thang, gần đây mô hình nghe nhạc sau 16h30 cũng được các doanh nghiệp áp dụng, liệu nó có là đường đua khắc nghiệt trong tương lai?
Trái lại tôi lại thấy vô cùng hạnh phúc ấy chứ! (Cười!).
Một mô hình kinh doanh nghệ thuật, một hướng đi mới sẽ là phong trào, xu hướng nếu không có nhiều cánh tay cùng tham gia khiến nó trở nên phổ biến, được đón nhận rộng rãi. Vì vậy tôi tin câu chuyện này sẽ tạo sân chơi sôi động hơn, và khiến giấc mơ nghe nhạc 16h30 trở thành một thói quen đúng như những gì tôi mơ ước ngay từ đầu thành lập Mây lang thang.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị này!