.Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho hay, miền Bắc đang trong chuỗi ngày rét đậm, rét hại nhất từ đầu đông. Nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng dao động 8-11 độ C, vùng núi cao dưới 3 độ C.
Cá biệt, một số vùng đặc biệt như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang)… có thời điểm xuống âm độ C và đã xuất hiện nhiều đợt băng giá và mưa tuyết.
Đợt rét này được bắt đầu từ ngày 26/1, khi một đợt không khí lạnh cường độ mạnh tràn xuống nước ta. Sau đó, không khí lạnh liên tiếp được tăng cường vào các ngày 30/1 và 2/2. Theo dự báo, đợt lạnh này còn kéo dài đến ngày 7/2.
Như vậy, có thể nói, đợt rét đậm, rét hại dưới 10 độ C ở miền Bắc sẽ kéo dài hơn 10 ngày rồi mới kết thúc.
Nhận xét về đợt lạnh này, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay: “Lịch sử ngành khí tượng chưa từng ghi nhận thời tiết miền Bắc rét đậm, rét hại dưới 10 độ C kéo dài ngày như vậy”.
Theo ông Hải, vào năm 2008, khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ có một đợt rét kéo dài 38 ngày nhưng nhiệt độ chỉ ở ngưỡng rét đậm (dưới 15 độ C).
Tháng 1/2016, miền Bắc cũng có một đợt rét kỷ lục liên tục trong 6, 7 ngày khiến nhiệt độ xuống kỷ lục. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành khí tượng ghi nhận 40 địa điểm có tuyết. Một số điểm lần đầu tiên có tuyết như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mường Lát (Thanh Hóa), Kỳ Sơn (Nghệ An)… Nhiệt độ tại Hà Nội xuống còn 6 đến 7 độ C.
Ông Hải cho biết thêm, tuy nhiên, đó chưa phải là nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được ở Hà Nội vì trong cuốn Niên giám các hiện tượng khí tượng thủy văn ghi nhận sự việc chưa từng xảy ra, đó là vào thời nhà Lê, nước Hồ Gươm đã từng đóng băng.
Dữ liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng cho thấy, từ năm 1955 đến nay, nhiệt độ Hà Nội từng giảm rất mạnh. Cụ thể: Ngày 12/1/1955, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục là 2,7 độ C; ngày 14/2/1968 là 5 độ C; ngày 31/12/1975 là 5,1 độ C.
Nói về nguyên nhân gây ra đợt rét đậm, rét hại đang xảy ra ở miền Bắc, ông Hải cho biết: “Đợt rét này do khí áp ở Bắc Bán Cầu và rãnh áp thấp Đông Á ở Alaska (sâu và lạnh) đưa khối không khí lạnh từ vùng cực Bắc di chuyển xuống Trung Quốc rồi tràn xuống khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta, gây rét mạnh”.