Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Số F0 đang tăng nhanh, Hà Nội cần ứng phó thế nào?

Trong khi số ca nhiễm mới duy trì ở mức “ổn định” xấp xỉ 3.000 ca mỗi ngày thì số ca tử vong do Covid-19 đang tăng nhanh. Vậy Hà Nội cần phải ứng phó thế nào?

Trong thời gian qua, Hà Nội ghi nhận xấp xỉ gần 3.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày. Tuy số ca mắc mới duy trì ở mức "ổn định", nhưng số ca tử vong do Covid-19 lại có dấu hiệu tăng nhanh. Cụ thể, vào ngày 26/1, Hà Nội ghi nhận 17 ca tử vong, trong khi con số này vào ngày 27/1 là 31 ca - ngày có số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay tại Hà Nội.

Theo thống kê của CDC Hà Nội, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay đã là 560 người. Vậy tại sao số ca tử vong ở Hà Nội lại tăng nhanh và Hà Nội cần làm gì để ngăn chặn số ca tử vong tăng trong dịp Tết Nguyên Đán này?

Số F0 đang tăng nhanh, Hà Nội cần ứng phó thế nào? Ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời về vấn đề này vào ngày 29/1, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nói số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội đang tăng nhưng đã được dự báo từ trước. Điều quan trọng cần chú ý ở thời điểm hiện tại chính là các bệnh nhân chuyển nặng, bởi số ca tử vong chủ yếu nằm trong nhóm này.

Ông Nhung đánh giá, hầu hết các bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng tập trung ở các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm người chưa tiêm vaccine, người cao tuổi từ 50-60 trở lên, mắc các bệnh nền liên quan đến chuyển hoá như: béo phì, đái tháo đường, bệnh lý về huyết áp, tim mạch, bệnh phổi,.. 

BS CKII. Nguyễn Trung Cấp, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh viện đang điều trị cho 580 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch. Hiện tất cả các giường điều trị tại bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. 

Theo ông Cấp, khoảng hơn 2 tháng nay, số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng mạnh, bệnh viện thường xuyên quá tải. Nếu như trước đây, thứ Bảy, Chủ nhật nhân viên y tế được nghỉ thì giờ mọi người làm việc không có ngày nghỉ. Gần 600 giường bệnh luôn kín chỗ, bệnh nhân này ra thì bệnh nhân khác vào. 

Số lượng bệnh nhân nặng hiện rất lớn. Cụ thể, trong số 580 F0 đang điều trị ở bệnh viện thì có tới 145 ca được chuyển đến từ các cơ sở y tế tại Hà Nội. Đối tượng người bệnh tử vong chủ yếu là người cao tuổi, mắc các bệnh nền (ung thư giai đoạn cuối, xơ gan, suy thận mạn, chạy thận nhân tạo,…). 

Theo PGS Nhung, để giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp sau:

Thứ nhất, Hà Nội phải rà soát tất cả các đối tượng có nguy cơ chuyển nặng cao khi mắc bệnh đã tiêm đủ liều vaccine hay chưa. Bởi 100% đối tượng này phải tiêm đủ 3 mũi vaccine mới giảm được nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Việc tiêm vaccine thì xã, phường phải phụ trách. 

Thứ 2, việc tiếp cận điều trị đúng ngay từ ban đầu vô cùng quan trọng. Bệnh nhân cần được tư vấn đầy đủ, có tâm lý ổn định để yên tâm chữa bệnh. Thực tế, người bệnh Covid-19 được điều trị ở nhà là tốt nhất, kết nối với y tế địa phương để khi có dấu hiệu chuyển nặng được theo dõi kịp thời. 

Thứ 3, khi mắc Covid-19, bệnh nhân phải đảm bảo đủ dinh dưỡng như calo, đạm, axit amin để sản xuất ra kháng thể, điện giải, uống đủ nước. Đồng thời, người bệnh cần tập thể dục, tập thở, tập vận động, luyện tập khí công. Các bài tập này thực hiện ở nhà là tốt nhất. 

Thứ 4, những trường hợp có nguy cơ (béo phì, tuổi cao, tăng huyết áp,…), kể cả không có triệu chứng khi mắc bệnh phải dùng thuốc kháng virus sớm, ngay từ đầu.

Nếu thực hiện được các giải pháp trên thì 95% bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ điều trị tốt, 5% bệnh nhân còn lại sẽ được các bệnh viện tiếp nhận. Khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện phải đáp ứng yêu cầu chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, tránh quá tải. Tỉ lệ tử vong chủ yếu nằm trong nhóm 5% bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng”, ông Nhung cho hay. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết An Chi

Được quan tâm

Tin mới nhất
G-DRAGON bị chỉ trích