Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đầu giờ chiều nay 5/9, vị trí siêu bão số 3 ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Trong chiều và đêm nay, siêu bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc từ 10-15km/h. Đến đầu giờ chiều mai, siêu bão số 3 ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc-111,8 độ Kinh Đông; trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 510km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.
Sau khi đi qua đảo Hải Nam, Trung Quốc, siêu bão số 3 sẽ giảm cấp và đi vào Vịnh Bắc bộ và tiến thẳng vào đất liền các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ.
Dự báo, trong sáng và chiều ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định với cường độ cấp 12, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của siêu bão số 3 đang hoạt động khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Từ khoảng trưa ngày 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7.
Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Từ đêm mai bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền. Khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển, gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền.
Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ, bí thư và chủ tịch UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão.
"Tinh thần là phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước", Thủ tướng nhấn mạnh.