Hình tượng con khỉ đóng một vai trò quan trọng nhất định trong lịch sử nhân loại cũng như đời sống văn hóa của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Trong kho tàng văn học dân gian nước ta, con khỉ cũng nhiều lần được nhắc đến.
Loài khỉ thường được nhắc đến với những đặc tính như nghịch ngợm, tinh ranh, lém lỉnh… Cho nên những thành ngữ liên quan đến “con cháu Tôn Ngộ Không” thường ít nhiều mang sắc thái tiêu cực, chẳng mấy hay ho gì. Phần lớn được sử dụng nhằm mục đích đùa cợt, trêu ghẹo, châm biếm, phê phán… một sự vật, sự việc nào đó.
Xét về ngữ nghĩa, hầu hết các thành ngữ về khỉ đều không đao to búa lớn mà đơn giản, gần gũi nên dễ đi sâu vào đời sống đại chúng qua năm tháng. Đến tận ngày nay, những thành ngữ về khỉ vẫn là câu nói cửa miệng của nhiều người Việt Nam.
Loài khỉ là nguồn cảm hứng ra đời của nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Nhân dịp năm Bính Thân (tức năm khỉ) vừa đến, chúng ta hãy cùng nhìn lại những lần xuất hiện ấn tượng nhất của loài vật thông minh này trong kho tàng tiếng Việt và ghi nhớ để sử dụng trong năm nay cho hợp thời nhé!
Trò khỉ: “Trò khỉ” là từ dùng gọi chung cho những hành động nghịch phá thiếu suy nghĩ và vô bổ. Nguồn gốc của từ này xuất phát từ tính cách hiếu động, tinh nghịch, hay làm trò của loài khỉ.
Khỉ khô, khỉ mốc: “Khỉ khô”, “khỉ mốc” không liên quan gì “khỉ ướt”. Những từ này mang tính phủ định, hàm ý không có hoặc chẳng có giá trị gì. Chúng cũng được dùng khi muốn bày tỏ thái độ dửng dưng, bất cần và thậm chí xem thường đối với một sự vật, sự việc nào đó. Ví dụ một số câu thường gặp trong giao tiếp hằng ngày có sử dụng các từ trên là “Chẳng có cái khỉ khô gì!” (ý là “Chẳng có một thứ gì!”), “Cho cái con khỉ mốc!” (ý là “Không cho cái gì cả!”)…
Khỉ gió: “Khỉ gió” ngoài ý nghĩa và cách dùng tương tự như “khỉ khô”, “khỉ mốc” còn được sử dụng như một lời mắng yêu hoặc quở trách nhẹ nhàng dành cho những đối tượng nghịch ngợm, hay phá bĩnh và trêu ghẹo người khác. Khi nghe ai đó bảo là “Đồ khỉ gió!” thì bạn nên xem lại hành vi, ứng xử của mình ngay nhé.
Nhăn như khỉ ăn ớt hay Khỉphải mắm tôm: Khỉ là động vật có các giác quan rất nhạy cảm. Khi tiếp xúc với những thứ có vị cay (như ớt) hoặc mùi nặng (như mắm tốm), chúng sẽ phản ứng rất mạnh, nhăn nhó mặt mũi trông rất khổ sở. Dân gian đã mượn hình ảnh này của loài khỉ để chỉ tâm trạng đau buồn, khổ tâm hoặc cau có, khó chịu của con người.
Khỉ ho cò gáy: Thành ngữ này có ý nghĩa tương tự với “chim kêu vượn hú”, chỉ nơi xa xôi, hoang sơ, hẻo lánh và môi trường sống khắc nghiệt. Xét nghĩa đen, “khỉ ho cò gáy” nghe có vẻ phi thực tế bởi chưa có ai từng nghe khỉ ho hay cò gáy bao giờ. Nhưng chính sự vô lý, hiếm gặp ấy càng khắc họa thêm ý nghĩa của thành ngữ độc đáo này.
Tránh khỉ mắc độc già: Thành ngữ này là một phiên bản khác của “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, chê bai thứ này lại gặp thứ khác tồi tệ hơn. “Độc” là một loài khỉ lớn, hung dữ, thường sống một mình và tấn công các con vật khác, kể cả đồng loại. Câu này ngụ ý khuyên chúng ta đừng nên “kén cá chọn canh” mà gặp họa, thay vì vậy hãy an phận và bằng lòng với những gì mình đang có.
Nuôi khỉ dòm nhà: Khi là loài ưa phá phách, ăn vụng, lấy trộm đồ đạc nên nuôi chúng để trông nhà chẳng khác nào “nuôi ong tay áo”, giao trọng trách cho người không thể thực hiện, dung dưỡng cho kẻ sẵn sàng phản thùng mình, lợi chưa thấy đâu đã thấy hại trước mắt.
Chó chê khỉ lắm lông: Chó với khỉ chẳng biết loài nào nhiều lông hơn loài nào nên nói “chó chê khỉ lắm lông” là có ẩn ý. Thành ngữ này hàm ý chế nhạo những kẻ không thấy cái dở của bản thân mình mà chỉ biết chê bai người khác.
Rung cây nhát khỉ: Mỗi khi cảm thấy bị đe dọa, khỉ thường nhảy tót lên cây cao. Dù kẻ thù rung cây để hù dọa khỉ như thế nào thì chúng vẫn bám chặt vào ngọn cây, không rơi xuống. Thành ngữ “rung cây nhát khỉ” ngụ ý nói về những hành động trái khuấy, tốn co vô ích, chẳng đi đến đâu.
Hành trình 15 tập phát sóng của Đảo Thiên Đường mùa đầu tiên đã chính thức kết thúc, để lại cho khán giả truyền hình vô vàn cung bậc cảm xúc. Một trong số đó chính là Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023 – Thu Uyên.