Dịch Covid- 19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp khi những ngày qua số ca nhiễm mới liên tục tăng, lây lan nhanh sang các vùng lân cận. Trước tình này, để sớm khống chế dịch bệnh, thành phố đã đưa ra quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.
Tất cả người dân Sài Gòn lúc này đã sẵn sàng, nhiều gia đình đã kịp dự trữ thực phẩm cho thời gian sắp tới, các cơ quan đã khẩn trương bố trí lại công việc... ai ai cũng hối hả chuẩn bị trước giờ G để thong thả trong nhà chống dịch những ngày phía trước.
Thế nhưng, cũng ở Sài Gòn, có những người giờ phút này vẫn còn đang loay hoay chưa biết phải thế nào những ngày phía trước. Họ không có nhà, họ không có tiền, họ là những người vô gia cư, những mảnh đời bất hạnh.
Đêm nay rạng sáng mai, Sài Gòn bắt đầu giãn cách, đến cả việc thiện nguyện cũng được siết chặt hơn, điều này đồng nghĩa với cuộc sống của những con người ấy đã buồn nay càng buồn hơn.
Là người có cơ hội theo chân nhóm thiện nguyện Bánh mì 0 đồng để tặng những phần quà đến bà con nghèo, vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn, anh Ngô Trần Hải An càng thấm thía hơn cuộc sống vất vả của họ trong giai đoạn này.
Chứng kiến bà con lấy trời làm màn lấy đất làm giường, từng hàng dài trên những con phố thân quen khiến nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An (biệt danh Quỷ Cốc Tử) nghẹn ngào biết bao nhiêu.
"Sài Gòn cứ chiều lại đổ mưa, nền đất lại thêm ẩm ướt nhớp nháp và đêm lạnh hơn rất nhiều. Sài Gòn phía xa vẫn lung linh ánh đèn tấp nập người qua, nhưng ở đây chỉ có những bàn tay chai sạn run rẩy, những ánh nhìn buồn bã thất thần, những tấm thân mệt mỏi rã rời. Chỉ có con trẻ là vô tư hồn nhiên nhưng nhìn các em nhếch nhác không khỏi thấy lòng tao tác.
Cứ mỗi đêm sẽ có khoảng 1000 phần quà được trao tận tay bà con. Mỗi phần quà gồm có bánh mì, xôi, xúc xích, nước uống, khẩu trang, tuy không nhiều nhưng là một chút no lòng ấm tình trong đêm lạnh. Các bạn tình nguyện viên đều trang bị an toàn như găng tay, khẩu trang, kính chắn giọt bắn phần để bảo vệ mình và cho cả người nhận.
Thường 6h bắt đầu phân quà, 7h30 đi phát đến tầm 11h đêm thì xong rồi quay về nghỉ ngơi. Ai cũng cố gắng phát thật nhanh cho thật nhiều người, người gặp không kịp nhớ mặt người cho, người nhận ngỡ ngàng chưa kịp nói, những cuộc gặp gỡ chóng vánh mà sao lại nặng tình", anh Hải An kể.
Sống 20 năm ở Sài Gòn, chưa bao giờ anh Hải An thấy nơi đây buồn đến thế. Đêm nay rạng sáng mai, Sài Gòn bắt đầu giãn cách. Bản thân anh biết rằng, hàng người sẽ vẫn đợi chờ mong ngóng nhưng những vòng bánh xe lại nghẹn ngào khó lăn.
Thế nhưng, cũng bằng ngần ấy năm sống ở Sài Gòn, anh Hải An luôn tin rằng, dù có chuyện gì đi chăng nữa, người Sài Gòn sẽ luôn yêu thương, bao dung, điềm tĩnh vượt qua sóng gió. Dù có giãn cách thì tình người Sài Gòn cũng không bao giờ xa cách.
"Sài Gòn lại nối tiếp những chuỗi ngày dài "dưỡng bệnh" vì vết thương sâu dai dẳng nhưng là cần thiết để bình phục và khỏe mạnh hơn xưa.
Đại dịch còn dài không ai biết trước điều gì sẽ đến, nhưng chắc chắn người Sài Gòn: Sẽ giãn cách mà không xa cách; Sẽ luôn yêu thương, bao dung và điềm tĩnh vững vàng vượt qua sóng gió.
Có bao giờ bạn tự hào mình đang sống ở Sài Gòn chưa? Tôi thì có!
Bánh mì Sài Gòn - 0 đồng 1 ổ. Bánh mì Sài Gòn - Đặc biệt yêu thương!".