Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Phố 'kiểu mẫu': Biển hiệu chỉ xanh đỏ, thương hiệu lớn 'khóc thét'

Đường Lê Trọng Tấn với “đồng phục” biển hiệu đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì nó mang lại sự quy củ, đẹp mắt cho Thủ đô. Nhưng xét dưới góc độ kinh tế, có ý kiến cho rằng “đồng phục” kiểu này có thể “giết chết” thương hiệu.

Lạ mắt bởi đồng bộ 

Trong những ngày giữa tháng Năm, phố Lê Trọng Tấn trở thành một trong những địa điểm được quan tâm nhất Thủ đô Hà Nội. Khởi công từ đầu tháng 1/2016, tuyến đường có chiều dài hơn 1,5 km, chiều rộng mặt cắt ngang từ 27 - 30 mét đã hoàn thành theo đúng tiến độ.

Điểm khiến dư luận trầm trồ, xuýt xoa của phố Lê Trọng Tấn chính là hệ thống “đồng phục” biển hiệu của các cửa hàng mặt tiền. Nếu ở đa số các tuyến phố của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, các biển hiệu được trưng theo kiểu “mạnh ai nấy làm” thì hệ thống “đồng phục” này tạo nên sự thống nhất, đồng bộ.

9-1462597504988-1462944245652

Con phố được nhắc tên trên báo chí mấy ngày qua bởi sự đồng bộ và quy chuẩn biển bảng quảng cáo, cả kích cỡ và màu sắc

Các biển hiệu quảng cáo mặt phố Lê Trọng Tấn được qui hoạch đồng bộ với màu sắc, chiều cao, kích cỡ tương đồng. Được biết, kinh phí lắp đặt bảng biển quảng cáo được Thành phố Hà Nội tài trợ. Kinh phí này chưa được tiết lộ.

Hệ thống đường sá mới cùng với “đồng phục” biển hiện như giúp phố Lê Trọng Tấn “lột xác”. Anh Nguyễn Trung Cương, cư dân sinh sống trong một khu chung cư gần đó không khỏi trầm trồ: “Khi đường phố trong thời gian thi công, chúng tôi rất khó chịu vì đi lại khó khăn, thậm chí có lúc còn cảm thấy nguy hiểm. Thế nhưng khi tuyến đường hoàn thành, ai cũng hân hoan vì đường quá đẹp, thoáng đãng và rất hiện đại”.

Anh Cương chia sẻ anh đang có ý định…. bán nhà vì tin rằng khi đường phố đẹp hơn, giá nhà cửa sẽ tốt hơn. “Tôi muốn bán căn hộ bé để lấy tiền mua căn hộ to hơn ở nơi đường xá chưa đẹp như thế này” - Anh Cương nói.

Biển quảng cáo chỉ được sử dụng 2 màu xanh - đỏ?

Tại con phố kiểu mẫu của Thủ đô, các biển quảng cáo đều cao bằng nhau và chỉ có 2 màu xanh đỏ được sử dụng. Thử giả định các nhãn hàng có nhận diện thương hiệu là những màu sắc khác, khi vào con phố này vẫn phải tuân theo 2 màu xanh đỏ, thì sẽ trông như thế nào?

Tuy tạo nên một khung cảnh khá đẹp mắt nhưng việc chỉ có 2 màu xanh đỏ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đối với nhiều thương hiệu danh tiếng, ví dụ như OPPO hay Samsung… khi được đặt vào phố kiểu mẫu này thì sẽ phải để biển hiệu màu gì?

Trên tờ Tri Thức Trẻ, các biên tập viên đã sử dụng một số hình ảnh giả định bằng photoshop như dưới đây để thử hình dung các thương hiệu lớn khi vào con phố này sẽ xanh đỏ và “đồng phục” trông ra sao.

letrongtan-1-1462963800749

Còn nếu thương hiệu thời trang Mango muốn giữ đúng màu logo của mình thì sẽ… tai nạn thế này! (hình ảnh đồ họa)

Việc quy định màu xanh và đỏ cho biển hiệu sẽ khiến các thương hiệu nổi tiếng phải… khóc ròng. Như trong bức ảnh này, nếu nhìn không kĩ thì các thương hiệu rất nổi tiếng về nhận diện màu sắc đặc trưng sẽ bị nhầm lẫn với nhau

Câu hỏi này đã tạo ra 2 luồng ý kiến trái chiều. Trong khi một số cho rằng phương án tốt hơn hết là thay đổi màu tất cả các thương hiệu này trở thành màu xanh hoặc đỏ thì đa số đưa ra ý kiến màu sắc của thương hiệu ấy đã tồn tại rất lâu năm và trở thành một đặc trưng giúp người tiêu dùng nhận diện.

“Từ lâu nay nhiều người vẫn khó chịu với các biển quảng cáo của Việt Nam. Từ màu sắc, vị trí, kích thước lung tung, lộn xộn rất mất mĩ quan cho thành phố. Việc quy hoạch này theo tôi là cần thiết và nên áp dụng để tạo ra một thành phố kiểu mẫu và đẹp mắt trong lòng người dân và du khách”, một người dùng mạng đưa ý kiến.

letrongtan-2-1462958613057

Starbucks chắc chắn là rất ngại ngần nếu màu xanh lá cây truyền thống trên bảng hiệu của họ sẽ không còn nữa! (hình ảnh đồ họa)

“Nếu biển nào cũng giống nhau, cùng nguyên màu sắc, người đi đường rất khó nhận diện, cứ xanh xanh đỏ đỏ nhìn vào rất hoa mắt. Hơn nữa, màu sắc đã trở thành một đặc trưng quan trọng trong việc xác định thương hiệu. Nếu biển hiệu nào cũng giống nhau thì quảng cáo để làm gì?”, một ý kiến nêu ra trên mạng xã hội.

Mỗi nhãn hàng sẽ có bộ nhận diện thương hiệu riêng và màu sắc cũng là yếu tố quyết định, nếu chỉ có 2 màu xanh và đỏ, thì những nhãn màu khác sẽ phải làm như thế nào?

Thương hiệu lớn sẽ không mặn mà

Với người dân, đường phố mới với “đồng phục” biển hiệu mang lại nhiều cảm giác nhiều cảm giác khác nhau nhưng tựu chung lại đều xoay quanh cái đẹp. Tuy nhiên, xét dưới góc độ kinh tế, có ý kiến cho rằng “đồng phục” này có thể “giết chết” sự sáng tạo, “giết chết” thương hiệu, bởi người tiêu dùng sẽ vô cùng khó khăn trong việc nhận diện thương hiệu - một trong những yếu tố tối quan trọng của marketing.

Bà Bùi Hà, phụ trách truyền thông của nhà phân phối đồ bơi cao cấp nhập khẩu LaLa Fashion chia sẻ ngay sau khi phố Lê Trọng Tấn mới được đưa vào sử dụng, bà cảm thấy rất thích và muốn đến đó ở ngay. Thế nhưng, nếu được hỏi có chọn đó làm nơi kinh doanh không thì bà Hà sẽ nói không.

letrongtan-1462985274302

Các thương hiệu lớn sẽ “khóc thét” nếu chỉ thể hiện dưới 2 màu xanh đỏ như thế này (hình ảnh giả định)

“Vì sao ư? Vì đường phố rất đẹp nhưng đẹp đều đều, không có điểm nhấn. Người đi đường sẽ không phân biệt nổi thương hiệu nào với thương hiệu nào. Tôi thường xuyên đi mua sắm và ít khi nhớ địa chỉ. Nếu ưng ý một cửa hàng nào, lần sau tôi sẽ tới cửa hàng đó nhờ nhớ tới một đặc điểm đặc trưng. Ví dụ cửa hàng quần áo A có in hình cô gái diện toàn đồ đỏ” - Bà Hà phân tích.

Đó là xét riêng về khách hàng cá nhân. Còn nói tới doanh nghiệp, việc quy định “đồng phục” này cũng không hợp lý. Hiện tại, đa số doanh nghiệp đều có logo và không phải tất cả các logo đều có sắc đỏ và xanh như trong “đồng phục” biển hiệu. Nếu câu lạc bộ Real Madrid sang phố Lê Trọng Tấn chắc chắn họ sẽ gặp khó khăn vì màu áo của câu lạc bộ là hồng.

Còn xét dưới góc độ marketing, doanh nghiệp khó có thể thực hiện được các chiến dịch truyền thông nếu bị “trói buộc” bởi màu sắc và kích cỡ. Bà Hà ví dụ ngay bản thân LaLa Fashion, đơn vị do bà quản lý truyền thông.

“LaLa Fashion là công ty cung cấp đồ bơi hàng hiệu nhập khẩu. Trong bộ nhận diện thương hiệu của minh, chúng tôi chọn sắc xanh nhạt kết hợp với màu trắng để tạo nên không khí thoải mái, mát mẻ. Nhưng khi thực hiện chiến dịch truyền thông, chúng tôi chọn tông đỏ hoặc cam để mang đến cảm giác sexy, tự tin, năng động và hiện đại. Tất nhiên, chúng tôi phải kết hợp hài hòa với bộ nhận diện thương hiệu của công ty. Vì thế, chỉ với 2 sắc xanh và đỏ đơn điệu như trên, tôi không thể xoay xở được cho chiến dịch truyền thông của mình. Đó còn chưa kể, biển hiệu kích cỡ nhỏ như trên phố Lê Trọng Tấn không đủ tôn lên những điểm nhấn của đồ bơi mà chúng tôi muốn chuyển tải” - Bà Hà phân tích.

Theo bà Hà, LaLa Fashion chỉ là 1 trong hàng triệu doanh nghiệp có những đặc điểm đặc trưng riêng biệt. Và khi quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào điểm đặc trưng đó là giúp thương hiệu trở nên nổi bật. Nhưng với “quy hoạch” màu sắc và kích cỡ nghèo nàn như vậy, doanh nghiệp sẽ bị hạn chế về sức sáng tạo cho những chiến dịch marketing, từ đó thương hiệu hoàn toàn có khả năng bị “giết chết”.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc quy định các biển quảng cáo phải cao bằng nhau và chỉ có 2 màu xanh đỏ được sử dụng chỉ là demo cho hình ảnh ban đầu của tuyến đường kiểu mẫu này. Nhiều khả năng sự đồng bộ các biển hiệu được nói đến ở đây chỉ là về mặt kích cỡ chứ không phải màu sắc. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới